Thông điệp với Triều Tiên
Trong bài phát biểu ngày 9/5, Tổng thống Trump nói: “Hành động hôm nay gửi đi một thông điệp quan trọng: Mỹ không còn chỉ đe dọa suông. Khi tôi hứa, tôi sẽ giữ lời”.
Ông Mike Pompeo (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AP |
Trong khi ông Trump thông báo rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Triều Tiên để dọn đường cho đàm phán Mỹ-Triều về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Ông Trump nói: “Các kế hoạch đang được vạch ra, các mối quan hệ đang hình thành. Hi vọng sẽ có một thỏa thuận”.
Các phụ tá của ông Trump cho rằng quyết định bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ tạo thêm lợi thế cho ông trước cuộc gặp với ông Kim Jong-un, cho thấy Mỹ sẵn sàng bỏ đi nếu không đạt được một thỏa thuận tốt.
Ông John Bolton, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, nói: “Tôi cho rằng thông điệp với Triều Tiên là Tổng thống muốn một thỏa thuận thực sự. Khi nghiêm túc muốn loại bỏ mối đe dọa phổ biến hạt nhân, bạn phải giải quyết các khía cạnh giúp một quốc gia có khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận Iran không làm được điều đó. Tổng thống lạc quan rằng chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận với Triều Tiên. Một thỏa thuận mà chúng tôi hi vọng đạt được sẽ giải quyết tất cả các vấn đề đó”.
Ông Trump tự làm khó mình?
Tổng thống Trump có bốn vấn đề lớn với thỏa thuận hạt nhân Iran: JCPOA không giải quyết được chương trình tên lửa đạn đạo Iran; không ngăn chặn được ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông; điều khoản thỏa thuận hết hạn trong vòng 10-15 năm; có lợi cho Iran vì được giải phóng các tài sản bị các lệnh trừng phạt của Mỹ đóng băng nhiều năm qua.
Tổng thống Trump sẽ gặp khó trong cuộc gặp sắp tới với nhà lãnh đạo Kim Jong-un? Ảnh: EPA |
Tuy nhiên, theo tờ USA Today, chính những vấn đề khiến ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng sẽ là những trở ngại trong đàm phán Mỹ-Triều sắp tới. Trong một số trường hợp, những trở ngại này thậm chí còn lớn hơn, vì không như Iran, Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân.
Ông Robert Einhorn thuộc Viện Brookings, từng là cố vấn về kiểm soát vũ khí ở Bộ Ngoại giao thời Tổng thống Barack Obama nhận định: “Xóa bỏ thỏa thuận Iran sẽ chứng tỏ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng không thể hi vọng vào một thỏa thuận với Mỹ. Hành động này sẽ khiến ông Kim Jong-un ít có động lực hơn trong đưa ra các nhượng bộ quan trọng”.
Ông Einhorn cho rằng quan điểm của Tổng thống Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran có thể ngăn cản chính ông trong đàm phán với Triều Tiên. Về mặt nới lỏng các biện pháp trừng phạt, vấn đề nhân quyền và công nghệ tên lửa, ông Trump có thể đặt ra tiêu chuẩn với Iran và tiêu chuẩn này không thể đạt được trong một thỏa thuận với Triều Tiên.
Ông Bruce Klingner, từng là một nhà phân tích về Triều Tiên thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, nhận định: Chính quyền của ông Trump đã đặt ra một tiêu chuẩn rất cao để một thỏa thuận được coi là thành công. Họ phản đối mạnh không chỉ JCPOA mà còn cả các thỏa thuận trước đó với Triều Tiên vì cho rằng các thỏa thuận không có tác dụng.
Thỏa thuận năm 1994 với Triều Tiên thời Tổng thống Bill Clinton đã làm chậm chương trình hạt nhân của Triều Tiên 8 năm. Thỏa thuận này sụp đổ thời ông George W. Bush, một phần do Triều Tiên, một phần do Mỹ không thực hiện lời hứa.
Ông Klingner cho rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận Iran sẽ khiến Triều Tiên giảm lòng tin vào việc Mỹ sẽ duy trì thỏa thuận đạt được với mình. Thực tế, Triều Tiên đã đánh giá hệ thống chính trị Mỹ là hay thay đổi. Chính sách thay đổi theo các đời tổng thống 4 hoặc 8 năm một lần. Khi đó, cả Iran và Triều Tiên có thể tính toán rằng tổng thổng Mỹ tiếp theo có thể tạo ra một thỏa thuận tốt hơn.
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã khiến những quan chức thời chính quyền Obama đồng loạt chỉ trích. Ông Tony Blinken, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, cho rằng nhiệm vụ của ông Trump với Triều Tiên hiện giờ sẽ gai góc hơn. Ông Blinken nói: “Khi Mỹ vứt bỏ một thỏa thuận mà người Iran đang tuân thủ, tại sao ông Kim Jong-un lại phải tin lời ông Trump nói khi họ thực sự bắt đầu đàm phán? Tại sao ông Kim Jong-un phải tin tưởng những gì được viết trên giấy nếu như Mỹ chuẩn bị xé bỏ nó”.
Theo CNN, đối với ông Trump, giải giáp vũ khí hạt nhân Triều Tiên là một thách thức lớn hơn nhiều so với việc thuyết phục Iran giảm bớt chương trình hạt nhân. Cả hai quốc gia đều có tham vọng hạt nhân trong nhiều năm qua, nhưng kho vũ khí của Triều Tiên lớn hơn và tân tiến hơn Iran rất nhiều. Triều Tiên thường công khai phô diễn vũ khí qua các lần thử tên lửa, hạt nhân, còn Iran luôn khẳng định các cơ sở hạt nhân chỉ phục vụ mục đích dân sự.
Hiện tại, ông Trump chưa nói rõ ông có yêu cầu cụ thể gì với Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới, chỉ biết ông muốn Triều Tiên “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”. Có một điều chắc chắn rằng việc kêu gọi Triều Tiên dỡ bỏ cơ sở sản xuất hạt nhân hoặc từ bỏ vũ khí sẽ đòi hỏi một cơ chế thanh sát sâu rộng hơn nhiều mới có thể xác minh.