Quan hệ Mỹ - Cuba sẽ không thay đổi dù ai thắng cử ở Mỹ

Theo nhận định của các chuyên gia Mỹ và Cuba, quan hệ giữa hai nước sẽ không có nhiều đột phá không chỉ trong thời gian từ nay tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới mà kể cả khi một nhà lãnh đạo mới được bầu, cho dù đó là đương kim Tổng thống Barack Obama hay ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney.


Viện sỹ Carlos Alzugaray thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tây Bán cầu của trường Đại học La Habana nhận xét, từ năm 2009, Tổng thống Obama đã thực hiện một số điều chỉnh nhỏ trong chính sách với Cuba nhưng không thể đi xa hơn do sức ép chính trị từ các nhóm lợi ích khác trong chính phủ, cũng như từ các nhóm cực hữu gốc Cuba ở Miami. Trong khi đó, ứng cử viên Romney đã từng tuyên bố nếu thắng cử sẽ tiếp tục siết chặt lệnh trừng phạt đối với La Habana nhưng lại không đề cập một cách cụ thể về việc này trong chuyến đi vận động mới đây ở Miami, nơi tập trung phần lớn cộng đồng người Mỹ gốc Cuba.


Viện sĩ Alzugaray cho rằng lịch sử đã chứng minh trong các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, các ứng cử viên thường cạnh tranh với nhau xem ai thể hiện được lập trường cứng rắn và hiếu chiến trong chính sách đối với Cuba hơn, nhưng sau khi nhậm chức thì hầu hết vẫn duy trì hoặc chỉ thay đổi đôi chút so với chính phủ tiền nhiệm. Đối với trường hợp của ứng cử viên Romney, các nhóm phản động gốc Cuba ở Miami từng chờ đợi ông này sẽ lựa chọn thượng nghị sỹ Marcos Rubio, nhân vật cực hữu gốc Cuba, làm ứng cử viên Phó Tổng thống trong liên danh của mình, qua đó có thể cụ thể hóa những tuyên bố siết chặt bao vây cấm vận chống Cuba. Tuy nhiên, người mà ông Romney lựa chọn lại là Paul Ryan, một nhân vật thường xuyên chỉ trích thái độ thù địch của Nhà Trắng chống quốc đảo vùng Caribê.


Nhà phân tích chính trị Arturo Lopez Levy thuộc trường Đại học Denver ở bang Colorado nhấn mạnh, Paul Ryan là một trong những chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa luôn giữ lập trường phản đối chính sách bao vây cấm vận của Mỹ kể từ khi bước chân vào Hạ viện. Chính vì vậy, với sự có mặt của Ryan trong liên danh với ông Romney, rất khó để ứng cử viên Cộng hòa này đưa ra được những chính sách mang tính tiêu cực hơn trong quan hệ với Cuba.


Mỹ và Cuba đã cắt đứt quan hệ ngoại giao kể từ năm 1961 và những người đứng đầu Nhà Trắng qua các thời kỳ từ đó đến nay chưa ai có đủ dũng cảm để đưa ra những thay đổi một cách triệt để trong chính sách bao vây cấm vận, có chăng đó chỉ là những điều chỉnh nhỏ không tác động nhiều tới toàn cục quan hệ song phương. Đương kim Tổng thống Obama sau khi lên nắm quyền đã nới lỏng qui định về số lần thăm thân nhân và số tiền kiều hối của người gốc Cuba sống tại Mỹ gửi về quê hương, cũng như những qui định về trao đổi giữa hai bên trong các lĩnh vực thể thao, văn hóa và tôn giáo. Mỹ hiện là đối tác thương mại thứ 7 của Cuba với tổng kim ngạch trao đổi năm 2010 vào khoảng 400 triệu USD. Một loạt sân bay của Mỹ đã được cấp phép khai thác chuyến bay trực tiếp tới Cuba, trong khi kể từ ngày 13/6 vừa qua, dịch vụ chuyển hàng bằng đường biển trực tiếp từ Mỹ tới Cuba đã được đưa vào khai thác lần đầu tiên trong nửa thế kỷ qua.


Chuyên gia về các vấn đề quan hệ Cuba - Mỹ, ông Esteban Morales cho rằng Obama là Tổng thống đem lại quyền lợi nhiều nhất cho cộng đồng người Mỹ gốc Cuba, và ở một góc độ nào đó đối với cả người Cuba trong nước, với những điều chỉnh liên quan tới kiều hối, gửi hàng hóa, thăm thân nhân… Phần lớn những người gốc Cuba ở Mỹ cũng không muốn chính phủ Mỹ siết chặt bao vây cấm vận vì điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới gia đình của họ. Có chăng đó chỉ là ý kiến của một bộ phận nhỏ những nhóm cực đoan, luôn tìm mọi cách chống phá, kích động để Mỹ can thiệp vào Cuba.


Ông Morales nhận định nếu tái đắc cử, có thể Tổng thống Obama sẽ đưa ra thêm một số điều chỉnh khác so với những gì ông ta đã làm được cho đến nay, nhưng điều đó không có nghĩa là chính sách chung trong quan hệ với Cuba sẽ thay đổi. Chuyên gia này kết luận, hiện nay có nhiều vấn đề khác mà các cử tri gốc Latinh ở Mỹ quan tâm hơn như việc cải cách chính sách nhập cư hay bảo hiểm y tế. Vấn đề Cuba dường như không còn là một ưu tiên trong chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên và điều đó là dấu hiệu cho thấy sẽ không có nhiều thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Cuba sau ngày 6/11/2012.


Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN