Theo nhận định của Matija Šerić, nhà phân tích địa chính trị người Croatia, hợp tác giữa hai bên chủ yếu xuất phát từ việc chống các lệnh trừng phạt quốc tế do Mỹ đứng đầu, nhưng cũng xuất phát từ các tầm nhìn địa chính trị liên quan.
Sự khởi đầu của mối quan hệ
Quan hệ ngoại giao giữa hai nước được cải thiện đáng kể sau thắng lợi của Cách mạng Iran năm 1979 và việc thành lập Cộng hòa Hồi giáo Iran. Phù hợp với thực tế mới, việc xây dựng mối quan hệ giữa Tehran và Bình Nhưỡng đã được khởi xướng. Hợp tác giữa hai nước bắt đầu trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và quân sự.
Vào những năm 1980, Triều Tiên là nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy cho các nước khác, trong đó có Iran. Vào tháng 3/1980, ba máy bay Iran đã bay tới Triều Tiên và trở về mang theo vật tư y tế và đạn pháo, khởi đầu cho hợp tác quân sự.
Việc Triều Tiên bán vũ khí cho Iran đã góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng sâu rộng, bao gồm cả việc phát triển và trao đổi công nghệ đạn đạo. Triều Tiên từng cử 300 cố vấn quân sự tới Iran. Mặc dù Trung Quốc và Iran đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự 10 năm vào năm 1991 nhưng Triều Tiên đã trở thành nhà cung cấp công nghệ tên lửa chính cho Tehran trong những năm 1990.
Ngoài ra, trong những năm đó, Triều Tiên đã cung cấp cho Iran pháo, súng phòng không, súng cối, đạn dược, xe tăng, vũ khí nhỏ, ngư lôi, hệ thống tên lửa chống tăng và tên lửa đất đối không. Năm 1995, Triều Tiên gửi tên lửa Scud cho Iran và đến tháng 11/1999, tình báo Mỹ phát hiện việc chuyển 12 động cơ tên lửa Nodong từ Triều Tiên sang Iran.
Hợp tác Triều Tiên - Iran trong lĩnh vực công nghệ đạn đạo gia tăng với tốc độ nhanh chóng. Vào tháng 12/2009, một chuyến hàng vũ khí của Triều Tiên (bệ phóng tên lửa và các bộ phận của tên lửa đất đối không), được cho là đang trên đường đến Iran, đã bị chặn lại ở Thái Lan. Ngoài buôn bán vũ khí, hai nước còn tích cực trao đổi kiến thức chuyên môn quân sự, bao gồm cả về các hoạt động đặc biệt và cơ sở ngầm.
Iran duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Triều Tiên và Hàn Quốc. Iran thường thể hiện thái độ trung lập đối với cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Trong các cuộc khủng hoảng như vụ đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc vào tháng 3/2010 và vụ đánh bom đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc vào tháng 11/2010, truyền thông Iran đã đưa tin những tuyên bố của truyền thông Triều Tiên và Hàn Quốc mà không đứng về bên nào.
Năm 2013, nhà thờ Hồi giáo Ar-Rahman được khai trương trong khuôn viên Đại sứ quán Iran ở Bình Nhưỡng, khiến Triều Tiên trở thành quốc gia duy nhất ngoài Armenia có nhà thờ Hồi giáo theo dòng Shiite chứ không phải theo dòng Sunni.
Bước đột phá
Quan hệ song phương giữa hai nước trở nên nguội lạnh trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Iran Hassan Rouhani (2013-2017). Sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 7/2015, ông Rouhani đã thúc đẩy quan hệ thương mại với Hàn Quốc. Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tới Tehran vào tháng 5/2016, ông Rouhani đã kêu gọi loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt và thống nhất hòa bình Bán đảo Triều Tiên.
Sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đưa Iran vào tình trạng “cảnh báo” vào tháng 2/2017, các quan chức Iran dự đoán thỏa thuận hạt nhân sẽ bị hủy bỏ và các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ được khôi phục. Những lo ngại này đã đẩy Iran về gần với Triều Tiên, quốc gia cũng phải đối mặt với các lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ khi đó Rex Tillerson tuyên bố khôi phục các lệnh trừng phạt Iran vào tháng 4/2017. Sau đó, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018. Các diễn biến này càng thúc đẩy mối quan hệ giữa Iran và Triều Tiên. Trong 5 năm qua, Iran và Triều Tiên đã hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ đạn đạo, đồng thời củng cố mối quan hệ kinh tế bền chặt hơn.
Vài giờ sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt hạt nhân Iran vào tháng 8/2018, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã gặp người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif ở Tehran. Cuộc họp bao gồm việc trao đổi ý tưởng về cách đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và cách đạt được những nhượng bộ của Mỹ trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân.
Các vụ thử tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên vào tháng 7/2017 và vụ phóng Hwasong-15 vào tháng 11/2017 đã thể hiện sự hợp tác giữa hai nước, vì tên lửa sử dụng động cơ RD-250 của Iran với lực đẩy 80 tấn. Vào tháng 3/2019, các chuyên gia của Liên hợp quốc nhận được thông tin hai công ty vũ khí Triều Tiên hoạt động ở Iran. Ngoài ra, các vụ thử tên lửa siêu vượt âm của Triều Tiên đã làm dấy lên tranh cãi về việc chuyển giao công nghệ đó cho Iran, quốc gia đã phát triển các cơ sở thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm vào năm 2014.
Về các lĩnh vực khác, tháng 12/2022, Thứ trưởng Bộ Khoa học Iran, Hashem Dadashpour và Đại sứ Triều Tiên tại Iran, Han Song, đã thảo luận về hợp tác giáo dục. Các cuộc thảo luận bao gồm việc tạo ra một chương trình giáo dục đại học ở Iran cho sinh viên Triều Tiên, trao đổi học tập ngắn hạn và phổ biến ngôn ngữ Ba Tư ở Triều Tiên. Trong tương lai, Iran và Triều Tiên có thể hợp tác tái thiết ở Syria, đối tác chung của họ.
Tóm lại, quan hệ đối tác giữa Triều Tiên và Iran bao gồm nhiều lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, công nghệ đạn đạo. Bất chấp một số thăng trầm trong mối quan hệ, cả hai nước đều hợp tác chặt chẽ để đối phó với các lệnh trừng phạt do Mỹ đứng đầu.