Phương Tây phản đối can thiệp vào Syria: Vì đâu nên nỗi?

Dư luận Mỹ và Tây Âu từng có lúc ủng hộ chính phủ phát động chiến dịch quân sự can thiệp ra nước ngoài, nhưng nay phản đối hoàn toàn ý đồ tấn công quân sự Syria. Đâu là nguyên nhân của sự thay đổi này?

Cách đây 32 năm, John Kerry, trở về nước Mỹ sau khi tham chiến tại Việt Nam với quân hàm trung úy, đã có một bài phát biểu gây tiếng vang lớn trước các thượng nghị sỹ Mỹ phản đối chiến tranh, đồng thời tổ chức các cuộc diễn thuyết trước đám đông biểu tình vì hòa bình. Còn ngày nay, cũng vẫn ông John Kerry đó nhưng với tư cách là người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ trong ê kíp cầm quyền của Tổng thống Barrack Obama, lại là người bảo vệ nhiệt thành cho một cuộc can thiệp quân sự vào Syria để trừng phạt hành động sử dụng vũ khí hóa học.

Người dân Mỹ tập trung bên ngoài Nhà Trắng và tuần hành tới trụ sở Quốc hội, biểu tình phản đối kế hoạch tấn công quân sự Syria của chính quyền Tổng thống Barack Obama ngày 9/9/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Thế nhưng tài hùng biện và và sức thuyết phục của Ngoại trưởng Mỹ đã không thể che giấu được một thực tế rõ ràng trong hồ sơ về Syria: Dư luận Mỹ và dư luận toàn bộ châu Âu phản đối mạnh mẽ hành động quân sự của nước họ nhằm vào chế độ của Bashar Al-Assad. Sự đổi chiều của dư luận, so với các cuộc can thiệp quân sự của các nước đồng minh phương Tây trước đây, là một dữ liệu rất quan trọng để giải bài toán về Syria và làm phức tạp thêm cho nhiệm vụ của một số nhà lãnh đạo ủng hộ việc sử dụng vũ lực quốc tế.

Các số liệu được công bố gần đây rất đáng chú ý. Kết quả một cuộc thăm dò do Quỹ German Marshall - Cơ quan nghiên cứu quan hệ xuyên Đại Tây Dương – thực hiện cho thấy thái độ phản đối một cuộc can thiệp quân sự vào Syria trong thời gian qua đã gia tăng đồng thời tại tất cả các nước tham gia khảo sát, gồm Mỹ và 10 nước châu Âu so với năm 2012.

Tại Đức, tỷ lệ dư luận phản đối đã tăng từ 63% lên 75%, tại Anh từ 59% lên 70%, tại Pháp từ 50 lên 65%, tại Mỹ từ 55% lên 62%. Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ, nước mà thủ tướng Recep Tayyip Erdogan mới lên tiếng kêu gọi lật đổ chế độ Syria, điều mà đến nay các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu vẫn cố gắng tránh nói đến, những người phản đối cuộc chiến cũng chiếm đa số, lên đến 72%.

Tại Pháp, theo một cuộc thăm dò dư luận do hãng Ifop thực hiện và công bố ngày 7/9 cho báo Le Figaro, mức độ ủng hộ can thiệp quân sự đã giảm rất mạnh trong những ngày gần đây. Nếu trong tháng 8, có đến 55% người dân Pháp nói ủng hộ một cuộc can thiệp quân sự quốc tế, thì hiện nay tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 36%.

Thực tế, dư luận phương Tây đã vận động theo xu hướng ngược chiều với những diễn biến đã xảy ra vào thời điểm trước các cuộc tấn công của Mỹ và NATO vào Kosovo, Serbia, hay giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Afghanistan, khi các nước đồng minh phương Tây được khá đông người dân ở các nước này ủng hộ.

Gần đây hơn, cuộc can thiệp quân sự của Pháp vào Mali và tiếp theo là Mali cũng nhận được sự hậu thuẫn của từ hai phần ba cho đến ba phần tư người dân Pháp.

Nguyên nhân là từ đâu? Đầu tiên, đó là hiện tượng chán ngán của người dân tại các nước phương Tây, vốn từ năm 2001 đến nay liên tục chứng kiến quân đội tham gia hết cuộc xung đột này đến chiến dịch khác nhưng không mang lại một kết quả cụ thể nào. Hai nước Afghanistan, Iraq vẫn chưa một ngày ổn định, trong khi tình hình tại Libya, thậm chí tại Kosovo không phải đã hoàn toàn tìm thấy một cái kết khả dĩ chấp nhận.

Thứ hai, bản chất của phe nổi dậy Syria, vốn là một tập hợp không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn gay gắt với nhau, trong đó có sự hiện diện của không ít phần tử Hồi giáo cực đoan với hàng loạt hành vi và phương pháp hoạt động dã man được đăng tải trên một số mạng xã hội, gây bất mãn cho dư luận.

Ngoài hai vấn đề nói trên, còn phải kể đến thái độ nghi ngờ của một bộ phận dư luận phương Tây đối với tình hình tại Trung Đông sau Mùa xuân Arập. Phải kể đến thất bại của cuộc chiến tranh Iraq, cuộc chiến tới 10 năm sau vẫn đeo đẳng nước Mỹ và ám ảnh đồng minh thân cận bên kia bờ Đại Tây Dương, khi Thủ tướng Anh David Cameron bị Hạ viện "tuýt còi" trong cuộc bỏ phiếu về Syria ngày 29/8. Nước Pháp mặc dù đứng ngoài cuộc phiêu lưu Iraq, nhưng Tổng thống François Hollande cũng đang phải hứng chịu hậu quả. Nếu những nước chủ chiến muốn thành công, chắc chắn họ phải có những lập luận.


Tiến Nhất (P/v TTXVN tại Pháp)
Mỹ cam kết dành cho Syria một cơ hội ngoại giao
Mỹ cam kết dành cho Syria một cơ hội ngoại giao

Trong khi cuộc khủng hoảng Syria đang có những diễn biến mới theo chiều hướng khá tích cực, Mỹ đã thể hiện một thái độ nước đôi khi một mặt cam kết về một cơ hội ngoại giao cho chính quyền Damacus, một mặt tuyên bố tiếp tục để ngỏ khả năng tấn công quân sự quốc gia Trung Đông này.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN