Trong khi cuộc khủng hoảng Syria đang có những diễn biến mới theo chiều hướng khá tích cực sau khi Nga đề xuất đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế, Mỹ đã thể hiện một thái độ nước đôi khi một mặt cam kết về một cơ hội ngoại giao cho chính quyền Damacus, một mặt tuyên bố tiếp tục để ngỏ khả năng tấn công quân sự quốc gia Trung Đông này. Phát biểu truyền hình trực tiếp sáng 11/9 (theo giờ Việt Nam) với người dân Mỹ về cuộc khủng hoảng Syria, Tổng thống Obama cam kết dành một cơ hội ngoại giao cho Damacus sau đề xuất của Nga. Theo ông, sáng kiến này có thể giúp giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria mà không cần phải dùng tới vũ lực.
Tổng thống Obama cho biết sẽ duy trì kênh liên lạc thường xuyên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin cũng như với lãnh đạo Pháp và Anh để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Syria.
Người dân Syria trên một đường phố ở thủ đô Damascus, Syria ngày 5/9/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ý thức được những cái giá không nhỏ của chiến tranh sau hai cuộc chiến "hao người tốn của" tại Afghanistan và Iraq, Tổng thống Obama đồng thời nhấn mạnh mong muốn chấm dứt các cuộc chiến hơn, thay vì phát động một cuộc chiến mới. Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ trong lúc theo đuổi nỗ lực ngoại giao do Nga đề xuất, Mỹ vẫn cần phải sẵn sàng cho một cuộc tấn công quân sự, nếu nỗ lực ngoại giao thất bại.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Obama một lần nữa quy tội chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về vụ sử dụng vũ khí hóa học ngày 21/8 vừa qua làm hơn 1.400 người thiệt mạng, trong đó có hơn 400 trẻ em. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng Syria là một nguy cơ đối với an ninh của nước Mỹ và rằng nếu Mỹ không hành động Syria sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí hủy diệt đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh, nhất là các nước đồng minh láng giềng như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.
Theo ông Obama, Mỹ phải có trách nhiệm hành động để ngăn chặn các hành động như vụ ngày 21/8 để răn báo các nước khác như Iran về những hậu quả sẽ phải gánh chịu nếu có những hành động tương tự.
Tuy nhiên, vị Tổng thống Mỹ không đề cập chút gì tới việc trong cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải hàng ngàn tấn chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam, để lại hậu quả cho hàng triệu người cho đến ngày nay vẫn phải gánh chịu.
Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Obama đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande về đề xuất giải pháp vũ khí hóa học mà Nga đưa ra. Hai nhà lãnh đạo phương Tây cho biết đang cân nhắc một giải pháp chính trị thay thế để chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria, nhưng vẫn để ngỏ mọi khả năng.
Trong khi đó, liên quan đến vũ khí hóa học của Syria, mấu chốt của loạt diễn biến căng thẳng giữa Syria và phương Tây, Ngoại trưởng nước này John Kerry cho biết Chính quyền Tổng thống Basar al-Assad hiện sở hữu khoảng 1.000 tấn chất độc hóa học.
TTXVN/Tin tức