Phản ứng toàn cầu đe dọa tính bền vững chính sách thuế quan của Mỹ

Tổng thống Trump muốn vực dậy sản xuất trong nước bằng thuế quan "có đi có lại", nhưng thực tế đang gây phản ứng toàn cầu và nguy cơ phản tác dụng cho chính nước Mỹ.

Chú thích ảnh
 Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa được công bố vào tháng 4/2025 đã tạo ra làn sóng phản ứng trên toàn cầu, đặt ra nhiều thách thức đối với tính bền vững của chính sách này. Mặc dù được tuyên bố nhằm thúc đẩy sản xuất của Mỹ, các chuyên gia cảnh báo rằng chính sách này đối mặt với nhiều rủi ro đáng kể cả trong và ngoài nước Mỹ.

Phản ứng toàn cầu và khả năng điều chỉnh

Theo bình luận của ông Christopher Findlay, Giáo sư danh dự tại Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Australia trên trang web Diễn đàn Đông Á (eastasiaforum.org) mới đây, thuế quan từ chính quyền Trump đã "gây chấn động thị trường toàn cầu, thách thức các nguyên tắc lâu đời của thương mại quốc tế và phá vỡ các thỏa thuận thương mại đã được thiết lập".

Mục tiêu của chính quyền Trump là khôi phục "sự thống trị thương mại toàn cầu" và "sự giàu có lâu dài" cho Mỹ, nhưng thực tế lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thuế quan của Tổng thống Trump cũng được cho là một công cụ thúc đẩy các nền kinh tế khác đàm phán. Việc tạm dừng có chọn lọc gần đây mở ra cơ hội cho điều đó. Nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng và mối đe dọa thuế quan vẫn còn trong thời gian chờ đợi.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia đối tác thương mại của Mỹ đang nhanh chóng điều chỉnh chiến lược để ứng phó với thuế quan mới. Một số phương án đang được các nước cân nhắc bao gồm:

Thứ nhất, chuyển hướng thương mại: Nhiều quốc gia có thể sẽ giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và tìm kiếm đối tác mới. Điều này đặc biệt rõ ràng trong phản ứng của các nước Đông Á trước sự chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc.

Thứ hai, tái cấu trúc chuỗi cung ứng: Các nhà sản xuất có thể tháo rời hàng hóa thành các thành phần để xuất khẩu riêng sang Mỹ, nơi chúng sẽ được lắp ráp lại, nhằm tối ưu hóa cơ chế thuế quan.

Thứ ba, trả đũa thương mại: Một số đối tác lớn như Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp trả đũa bằng cách giảm nhập khẩu từ Mỹ.

Thứ tư, phát triển hiệp định thương mại mới: Các quốc gia có thể theo đuổi các hiệp định thương mại mới có thể gây bất lợi cho Mỹ và tạo điều kiện cho các cơ hội tăng trưởng mới giữa các thành viên.

Những mâu thuẫn trong chính sách

Chuyên gia Findlay lưu ý rằng chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump chứa đựng nhiều mâu thuẫn nội tại, làm suy yếu tính hiệu quả và bền vững của nó:

Một là, mâu thuẫn với mục tiêu giảm bớt hành chính quan liêu: Việc thực thi các quy tắc về xuất xứ và quản lý thuế quan đòi hỏi một bộ máy hành chính phức tạp, trái ngược với cam kết của chính quyền Trump về việc giảm quy mô khu vực công.

Hai là, mâu thuẫn với chính sách nhập cư: Việc chuyển dịch một số dịch vụ và lao động sang Mỹ để đối phó với thuế quan có thể dẫn đến nhu cầu nhập cư tăng, đi ngược lại mục tiêu hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump.

Ba là, ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu cạnh tranh: Thuế quan có thể ảnh hưởng gián tiếp lên hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm cả ngành dịch vụ - một lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế đáng kể nhưng không được chính quyền Trump ưu tiên.

Các nhà sản xuất Mỹ cũng sẽ cần xác định các thị trường thay thế trong trường hợp bị trả đũa, điều này có thể khó khăn do các vấn đề cạnh tranh tiềm ẩn phát sinh từ thuế quan đối với đầu vào. Điều đó cũng đặt ra thách thức đối với mục tiêu mở rộng sản xuất của Mỹ của Tổng thống Trump.

Những biến động trên thị trường tài chính do thuế quan gây ra có thể dẫn đến tác động nghiêm trọng đối với Mỹ: Khi các tổ chức tài chính vật lộn với sự gia tăng bất ổn và biến động trong các giao dịch quốc tế, các điều kiện tín dụng có thể thắt chặt đáng kể, làm suy yếu nền kinh tế mà chính sách thuế quan nhằm bảo vệ. Bên cạnh đó, người dân Mỹ đã nghỉ hưu và sắp nghỉ hưu có thể phải đối mặt với tình hình an ninh tài chính suy giảm, dẫn đến áp lực chính trị đòi hỏi đánh giá lại chính sách.

Ngoài ra, chính sách thuế quan của Tổng thống Trump có thể làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ trong hệ thống thương mại toàn cầu. Việc Trung Quốc sẽ đảm nhận chức chủ tịch APEC vào năm 2026 cũng có thể tạo ra cơ hội cho khu vực Đông Á thể hiện vai trò lãnh đạo mới, và có thể WTO sẽ khởi xướng các cuộc đàm phán cắt giảm thuế quan toàn cầu mới.

Giáo sư Findlay nhấn mạnh, khoảng cách về thời gian giữa việc áp dụng thuế quan và những lợi ích tiềm năng của nó tạo ra thách thức lớn nhất đối với tính bền vững của chính sách này. Các tác động tiêu cực như biến động thị trường tài chính, phản ứng chính trị trong nước và các biện pháp trả đũa từ bên ngoài có thể xuất hiện ngay lập tức, trong khi lợi ích dự kiến về tăng trưởng sản xuất ở Mỹ cần thời gian dài để hiện thực hóa.

Câu hỏi quan trọng đặt ra cho chính quyền Trump là liệu họ có thể vượt qua được những cơn bão tài chính và chính trị trước khi chính sách có thể mang lại những lợi ích như đã hứa hẹn hay không.

Công Thuận/Báo Tin tức
Bất ngờ từ chiến tranh thương mại: Trung Quốc - EU xích lại gần nhau vì Mỹ?
Bất ngờ từ chiến tranh thương mại: Trung Quốc - EU xích lại gần nhau vì Mỹ?

Thuế quan khắc nghiệt từ chính quyền Trump không chỉ giáng đòn vào kinh tế toàn cầu mà còn vô tình thúc đẩy Trung Quốc và EU hợp tác chặt chẽ hơn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN