Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã khiến các thị trường châu Á bấn loạn trong tối ngày 22/6 (giờ Mỹ) khi ông xuất hiện trên kênh truyền hình Fox News và nói rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung “đã kết thúc”. Các chỉ số chứng khoán tương lai ở Mỹ sụt giảm, đồng USD lên giá.
Ông Navarro ngay sau đó đã phải làm rõ phát biểu của mình. Ông giải thích phát biểu của ông đã bị ngắt khỏi bối cảnh chung, điều mà ông muốn đề cập chính là thiếu vắng lòng tin giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi đại dịch bùng phát.
Tổng thống Mỹ cũng nhanh chóng đăng dòng trạng thái trên tài khoản mạng xã hội twitter, khẳng định thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 “còn nguyên”.
Các nỗ lực kiểm soát thiệt hại nêu trên của chính quyền Mỹ xuất hiện sau khi ông Trump hồi tuần trước nói rằng “một cuộc phân tách toàn diện” trước Trung Quốc là một lựa chọn đối với Mỹ, bỏ qua quan điểm trước đó của Đại diện thương mại Robert Lighthizer, người cho rằng kiểu “phân tách” đó là không thực tế.
Chiến dịch tái tranh cử của ông Trump coi “cứng rắn với Trung Quốc” là một phần trung tâm trong cương lĩnh. Nhà Trắng đã đổ lỗi cho Bắc Kinh là người làm lây lan đại dịch COVID-19 khiến hơn 120.000 người Mỹ thiệt mạng. Thế nhưng một phần trong thông điệp đó - rằng nước Mỹ có thể và sẵn sàng từ bỏ nhà cung ứng lớn nhất của mình, lại bị thách thức bởi thực tế đang tồn tại.
Trao đổi thương mại Mỹ-Trung thực chất đang tăng, sau khi COVID-19 gây ra mức tụt giảm trong thời gian ngắn tính từ thời điểm ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng lên mức 8,6 tỉ USD trong tháng 4, tăng so với mức 6,8 tỉ USD trong tháng 2. Nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ cũng vọt lên mức 31,1 tỉ USD so với mức 19,8 tỉ USD trong tháng 3.
Giới quan chức Mỹ, từ ông Lighthizer, tới Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin mới đây đều khẳng định Trung Quốc tuân thủ cam kết đối với thỏa thuận giai đoạn 1 mà điểm nhấn chủ yếu là việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu 200 tỉ USD các mặt hàng nông sản, chế tạo, năng lượng, dịch vụ của Mỹ trong vòng 2 năm.
Ngày 23/6, khi được hỏi về triển vọng một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, ông Pompeo đã thừa nhận kinh tế Mỹ hiện kết nối với Trung Quốc chặt chẽ hơn thời Mỹ với Liên Xô. Đó là lý do phải cân nhắc, bởi những thách thức từ tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng của Mỹ đều có liên quan chặt chẽ tới kinh tế Trung Quốc.
Khi được hỏi về vấn đề phân tách kinh tế Mỹ-Trung trong chương trình diễn đàn Invesco của kênh Bloomberg, ông Mnuchin cho rằng điều này xảy ra nếu như các công ty Mỹ không được phép cạnh tranh công bằng trong nền kinh tế Trung Quốc.
Một nguồn tin tham gia vào tiến trình hoạch định thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung cho biết, bình luận của ông Navarro chỉ là một tai nạn, chủ yếu là do quan điểm cứng rắn của ông với Trung Quốc, chứ không phải là quan điểm chính sách của chính quyền Mỹ. Người này cũng cho biết, nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc từ Mỹ trong tháng 6 này sẽ tăng mạnh.
Các công ty Mỹ trong quý 1 năm 2020 cũng đã đổ 2,3 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án tại Trung Quốc, giảm nhẹ so với cùng ký năm ngoái bất chấp đại dịch bùng phát. Nó cho thấy rằng số công ty Mỹ tìm cách rút khỏi Trung Quốc là không nhiều.
Theo Bill Reinsch, cố vấn cấp cao và là chuyên gia về thương mại tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ và Trung Quốc phải mất đến 20 năm để kết nối hai nền kinh tế và việc phân tách vì thế không dễ dàng nói là làm được. Một số công ty Mỹ đang rời đi, nhưng không phải là do ông Trump, mà là bởi giá nhân công và các chính sách của Trung Quốc tạo ra những bất lợi đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại đây.