Ông Trump và thử thách mang tên 'hố đen hạt nhân Triều Tiên'

Chưa đầy một tháng sau khi ông Donald Trump nhậm chức, Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo. Vụ phóng nhắc nhở rằng chính quyền mới ở Mỹ vẫn đang mắc kẹt trong một “hố đen” khó thoát mang tên "hạt nhân Triều Tiên". Ông Trump có thể làm gì và các cường quốc khác có thể giúp gì trong vấn đề này?

Cuộc khủng hoảng được dự báo

Một ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un đọc diễn văn mừng Năm mới 2017, nhấn mạnh tăng tốc chương trình tên lửa xuyên lục địa, Tổng thống Trump đưa lên Twitter thông điệp ngắn gọn: “Điều đó sẽ không xảy ra” (ám chỉ tên lửa Triều Tiên sẽ không thể bắn tới Mỹ). Dự cảm chung của nhiều người khi đó là vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ trở thành thách thức quốc tế hàng đầu của chính quyền mới ở Mỹ. 

Người dân Triều Tiên theo dõi vụ phóng thử tên lửa đất đối đất tầm trung Pukguksong - 2 qua phương tiện truyền thông công cộng ở Bình Nhưỡng ngày 13/2.


Và chỉ 20 ngày sau khi ông Trump nhậm chức, Triều Tiên đã chào đón sự kiện này bằng việc phóng một tên lửa đạn đạo. Diễn ra đúng lúc ông Trump đang đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Mỹ, đây rõ ràng là hành động nhằm vào Washington, Tokyo, và có thể cả Seoul. Vụ phóng không khiến dư luận ngạc nhiên sau khi Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và hơn 20 lần thử tên lửa trong năm 2016, nhưng diễn biến mới này cho thấy chính quyền mới tại Mỹ sẽ tiếp tục mắc kẹt trong “hố đen” khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.

Sau một thập kỷ với 5 vụ thử hạt nhân và hàng loạt vụ phóng tên lửa, Bình Nhưỡng đã thể hiện rõ rằng sẽ không thảo luận về phi hạt nhân hóa chừng nào Washington chưa ký một hiệp định hòa bình song phương, bao gồm chấm dứt liên minh Mỹ - Hàn và rút lực lượng Mỹ cũng như “chiếc ô hạt nhân” của nước này khỏi bán đảo Triều Tiên. Washington kiên quyết từ chối đòi hỏi của Bình Nhưỡng và cho rằng phi hạt nhân hóa là điều kiện tiên quyết cho bình thường hóa quan hệ. Điều mà Triều Tiên muốn là các cuộc đàm phán và được thừa nhận quy chế một cường quốc hạt nhân. 

Không phải Bình Nhưỡng nuôi tham vọng tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu, bởi điều đó chẳng khác nào tự sát. Thứ mà họ muốn là khả năng răn đe, để tránh đi vào “vết xe đổ” của Iraq hay Libya. Để có được điều này, họ cho rằng cần có một số lượng nhất định các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn đủ xa, và các cuộc thử nghiệm đang đưa họ gần hơn tới mục tiêu này. Một số chuyên gia cho rằng với đà tiến triển hiện nay, khả năng Triều Tiên dùng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tấn công trực tiếp nước Mỹ có thể trở thành hiện thực trong vòng 2 - 3 năm tới. Ý tưởng thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa có lẽ là vô vọng và thời gian đang đứng về phía họ.

Lựa chọn của Trump

Ông Trump không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên đối mặt với mối đe dọa từ Triều Tiên. Các tổng thống George Bush (cha), Bill Clinton, George Bush (con) và Barack Obama đều đã cố gắng nhưng thất bại. Vì thế, để tạo đột phá, tân Tổng thống Trump khó có thể theo đuổi chính sách giống những người tiền nhiệm.

Đứng trước bài toán khó, Tổng thống Trump phải tính toán để làm sao vừa thể hiện quyết tâm của Mỹ, vừa tránh làm leo thang căng thẳng. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã bóng gió rằng sẵn sàng trực tiếp thiết lập quan hệ với nhà lãnh đạo Kim Jong - un, thay cho cách tiếp cận cũ là chú trọng vào đàm phán đa phương. Ông tự nhận mình là “bậc thầy trong đàm phán”, nhưng vấn đề ở chỗ không có thỏa thuận nào để đàm phán trong cuộc khủng hoảng dai dẳng này. 

Phản ứng dè dặt của Nhà Trắng sau vụ phóng tên lửa vừa qua đã cho thấy Tổng thống Trump có rất ít lựa chọn để kiềm chế Triều Tiên. Giới chuyên gia nhận định chính quyền Mỹ nên tính đến việc cử một đặc phái viên cao cấp, người mà ông Kim Jong-un sẵn sàng tiếp, để thảo luận riêng với nhà lãnh đạo này. Việc Mỹ chấp nhận đối thoại với Kim Jong - un sẽ là cơ hội để Triều Tiên đánh bóng hình ảnh, nhưng dường như đây là con đường duy nhất có thể thúc đẩy một tiến bộ ngoại giao với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, chính quyền Trump không thể hoàn toàn phủ nhận cách tiếp cận đa phương của những chính phủ tiền nhiệm, cụ thể là phối hợp với các cường quốc khác như Nga, Trung Quốc, EU, tất nhiên cả Hàn Quốc và Nhật Bản trong kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, Trung Quốc đã chuyển sang cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát”. Chỉ sau khi ông Trump khẳng định sát cánh với Nhật Bản “100%”, Bắc Kinh mới quyết định ngừng nhập khẩu than đá của Triều Tiên như một phản ứng mạnh mẽ nhất đối với hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. Vai trò của Trung Quốc trong việc kiềm chế Triều Tiên là không thể phủ nhận, chắc chắn sẽ tăng tính hiệu quả của bất kỳ giải pháp nào.

Về phần mình, Nga đang ở vị thế tốt để đóng vai trò trung tâm trong việc quản lý và kiểm soát Triều Tiên. Nga có chung biên giới đất liền với Triều Tiên. Quan hệ Nga - Triều 70 năm qua tương đối ổn định, Moskva có lẽ là nước duy nhất mà Bình Nhưỡng vẫn còn thân thiện, trong khi quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng gần đây được nhuốm màu ngờ vực.

Vì vậy, dễ hiểu khi Nga không cảm thấy bị đe dọa trực tiếp bởi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, việc Triều Tiên tiếp tục hạt nhân hóa chắc chắn sẽ làm giảm giá trị kho vũ khí hạt nhân của Nga. Nói cách khác, Nga có lợi thế đáng kể trong việc gây sức ép lên Triều Tiên.

Xét từ góc độ khác, Mỹ cũng sẽ được lợi từ việc để EU sử dụng ảnh hưởng ngoại giao của mình đối với Triều Tiên. 26 trong số 28 nước EU vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, 6 nước có văn phòng đại diện ở Bình Nhưỡng. Các mối quan hệ song phương này có tầm quan trọng sống còn đối với Triều Tiên, như một phần của câu chuyện kể của nước này về tính hợp pháp và khao khát được quốc tế công nhận. Vì vậy, với tư cách là một bên tham gia ở ngoài khu vực này, EU có thể đóng một vai trò đặc biệt trong việc mở các cuộc đàm phán.

“Khác biệt” không còn là cụm từ mới mẻ đối với quốc tế kể từ khi tỷ phú Trump chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng thông qua các quyết sách phi truyền thống trong những vấn đề truyền thống. Liệu cách tiếp cận mới của Mỹ đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên có tạo đột phá như kỳ vọng cần có thời gian kiểm chứng.


Bạch Dương
Ông Trump và thử thách mang tên 'hố đen hạt nhân Triều Tiên'
Ông Trump và thử thách mang tên 'hố đen hạt nhân Triều Tiên'

Chưa đầy một tháng sau khi ông Donald Trump nhậm chức, Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo. Vụ phóng nhắc nhở rằng chính quyền mới ở Mỹ vẫn đang mắc kẹt trong một “hố đen” khó thoát mang tên "hạt nhân Triều Tiên". Ông Trump có thể làm gì và các cường quốc khác có thể giúp gì trong vấn đề này?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN