Nửa triệu đô để phá hủy một xe tải của IS

Để phá hủy một chiếc xe tải của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mỹ phải tốn tới nửa triệu USD. Con số đáng ngạc nhiên này đã nói lên phần nào tính hiệu quả của các cuộc không kích mà Mỹ đang tiến hành tại Iraq và Syria.

Chiến đấu cơ F-22 trong chiến dịch không kích IS.


Mỹ đang phải trả một giá quá đắt để kìm hãm bước tiến của các chiến binh IS tại Iraq và Syria. Lấy các cuộc không kích vào một ngày đầu tháng 10 làm ví dụ, máy bay Mỹ đã tiêu diệt được “2 xe tăng, 3 xe Humvee, 1 xe ủi và 1 phương tiện vận tải không xác định”.

Nhìn qua, điều đó có thể thấy Mỹ đã gây thiệt hại đáng kể cho IS bởi giá trị của các xe tăng ước tính từ 4,5-6,5 triệu USD, của xe Humvee là từ 150.000-250.000 USD và tổng giá trị tài sản mà Mỹ phá hủy được là từ 9,5-13,8 triệu USD.

Nhưng con số đó vẫn chưa là gì nếu tính toán tới chi phí của từng cuộc không kích với rất nhiều máy bay, đạn dược phải sử dụng và có thể đốt hết 500.000 USD cho một lần máy bay cất cánh, Todd Harrison, chuyên gia thuộc Trung tâm chiến lược và đánh giá ngân sách, một tổ chức tư vấn về quân sự đóng tại Washington tiết lộ. Harrison cho biết thêm rằng một cuộc không kích rẻ nhất cũng tốn khoảng 50.000 USD, với việc sử dụng một chiến đấu cơ duy nhất và cũng chỉ thả một trong những loại bom rẻ tiền.

Nhưng thực tế là các cuộc không kích Mỹ đang tiến hành hiện nay đều sử dụng các chiến đấu cơ rất hiện đại, như F-15, F-16 và nhất là F-22. Việc vận hành những máy bay loại này tiêu tốn từ 9.000-20.000 USD mỗi giờ và các loại bom ném xuống tương ứng với việc mất đi hàng chục tới hàng trăm nghìn USD.

Dàn chiến đấu cơ trong chiến dịch không kích IS tiêu tốn của Mỹ hàng trăm nghìn USD mỗi đợt xuất kích.


Chuyên gia Harrison lưu ý rằng chi phí của mỗi cuộc không kích “phụ thuộc vào khoảng cách để tới mục tiêu, thời gian bay, loại máy bay sử dụng và liệu có cần phải tiếp liệu trên không hay không (cần bao nhiêu lần tiếp)”. Với ước tính 500.000 USD chi phí cho một cuộc không kích như vậy thì chỉ riêng trong ngày thứ 58 của chiến dịch, Mỹ đã tốn khoảng 4,5 triệu USD.

Con số này thậm chí còn chưa bao gồm các chuyến bay do thám, tình báo cần thiết để xác định các vị trí trước khi tiến hành không kích. Trong khi đó, tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết tính tới đầu tháng 10, chiến dịch quân sự chống IS bắt đầu từ hồi tháng 6 đã tiêu tốn khoảng 1,1 tỷ USD.

“Chiến dịch rửa tội” cho Mỹ

Điều mỉa mai là Mỹ đang phải chi ra hàng trăm triệu USD để phá hủy các xe Humvee, xe tăng và các vũ khí mà chính nước này đã cấp cho quân đội Iraq. Thực tế đó khiến một số người gọi điều mà Lầu Năm Góc đang thực hiện là một “chiến dịch rửa tội” và cũng cho thấy nghịch lý trong chiến dịch không kích hiện nay tại Iraq và Syria: Mỹ đang phải dùng các máy bay giá gần 200 triệu USD để phá hủy những chiếc xe chỉ đáng vài xu so với những máy bay này về mặt giá trị.

Về phía thương vong của IS, Lầu Năm Góc chỉ công bố rằng các vụ không kích đầu tháng 10 đã đánh trúng 3 đơn vị quy mô lớn, một số đơn vị nhỏ và tiêu diệt số lượng không xác định của các chiến binh. Có một điều rõ ràng là sau 62 ngày không kích, tiêu tốn 1,1 tỷ USD, Mỹ và đồng minh đã phá hủy số vũ khí và phương tiện trị giá chỉ… 123-173 triệu USD.

Ước tính này chưa bao gồm các loại trang thiết bị, tài sản khó định giá của IS như các nhà máy lọc dầu do IS kiểm soát. Kể từ khi mở rộng chiến dịch không kích sang Syria, Mỹ và đồng minh Arab đã tiến hành 16 vụ không kích vào các cơ sở lọc dầu của IS.

Xe tăng IS tấn công thành phố Kobane của Syria.


Điều này đã làm giảm đáng kể nguồn thu của IS khi ước tính 3 nhà máy lọc dầu tại Syria giúp chúng kiếm được 2 triệu USD mỗi ngày. Trong khi tại Iraq, Mỹ và đồng minh chưa chạm tới các nhà máy lọc dầu của IS, nơi tạo ra lợi nhuận 1 triệu USD mỗi ngày. Hồi cuối tháng 9, Mỹ tuyên bố đã phá hủy gần hết các cơ sở lọc dầu tại Syria, nhưng họ đã làm thế nào thì cũng chưa rõ.

Ngoài việc nhắm vào các trang thiết bị có nguồn gốc từ Mỹ, chiến dịch không kích còn nhằm phá hủy các địa điểm chế tạo thiết bị nổ của IS, các vị trí tác chiến, chốt kiểm soát, trại huấn luyện, nhà tù, kho vũ khí, các cơ sở sản xuất, sân bay do IS kiểm soát và nhiều tòa nhà khác. Song rất nhiều mục tiêu này không hề đáng giá, thậm chí có ngày Mỹ đã mất 2,5 triệu USD chỉ để phá hủy 1 xe tải, 1 pháo phòng không, 2 chiếc thuyền nhỏ và 1 vị trí chiến đấu của IS.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đó từng dự đoán cuộc chiến chống IS có thể kéo dài 3 năm, một nhận định được cho là khá lạc quan và có thể tiêu tốn khoảng 5 tỷ USD. Tuy nhiên, với những bước tiến ngày càng hung hãn và việc mở rộng lãnh thổ của IS sang các khu vực lân cận, chi phí cho lò lửa Trung Đông chắc hẳn sẽ không dừng ở một con số như trên.

Trong bối cảnh đó, có lẽ chỉ những tập đoàn vũ khí của Mỹ là bên thu lợi lớn nhất.


Thái Nguyễn
(Theo Thư tín quốc tế)

Nhìn lại hai tháng Mỹ không kích IS
Nhìn lại hai tháng Mỹ không kích IS

Chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu vẫn hầu như không thể thu hẹp diện tích các vùng lãnh thổ mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng tại Iraq cũng như không thể ngăn các tay súng cực đoan đánh chiếm một thành phố chiến lược ở vùng biên giới tại Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN