Nếu Mỹ triển khai việc nới lỏng tiền tệ lần thứ 3 (QE3), đồng USD sẽ lan tràn ở nước Mỹ và đương nhiên nó sẽ tìm đường thoát. Với hiệu suất sử dụng thiết bị sản xuất chỉ khoảng 76% như hiện nay, dòng USD từ QE3 rất khó có động lực chảy vào thực thể kinh tế của nước Mỹ mà nhiều khả năng là chảy vào thị trường hàng hóa cơ bản và thị trường giao hàng theo kỳ hạn, đẩy giá của các sản phẩm sơ cấp như năng lượng, khoáng sản và lương thực lên cao.
Đồng thời, dòng tiền dư thừa từ Mỹ cũng sẽ chảy tới các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Braxin để tìm kiếm lợi ích kép từ đầu tư và lãi suất (trong khi Mỹ duy trì lãi suất siêu thấp, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin đã phải nhiều lần nâng lãi suất để chống lạm phát).
Tuy nhiên, giá hàng hóa cơ bản tăng lên sẽ khiến các nền kinh tế mới nổi đối mặt với áp lực lạm phát nhập khẩu nghiêm trọng. Nhằm ổn định giá cả, các nền kinh tế mới nổi không thể không thắt chặt chính sách tài chính và tiền tệ, giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hẹp nhu cầu, đặc biệt là với nhập khẩu. Đây không chỉ là đòn mạnh đối với các nền kinh tế mới nổi, mà còn với cả kinh tế toàn cầu. Bởi trong tiến trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2010, các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, đã trở thành động lực dẫn dắt kinh tế thế giới ra khỏi đáy khủng hoảng. Trong năm 2008 - 2009, chính phủ Trung Quốc đã bơm hàng nghìn tỉ USD vào nền kinh tế nội địa nhằm kích cầu, không chỉ giúp nước này đạt được tốc độ tăng trưởng GDP đáng kể, mà còn tạo ra cú hích cho nền kinh tế thế giới. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đang vật lộn với lạm phát tăng cao. Kiềm chế lạm phát trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Trung Quốc, nên xem ra Trung Quốc khó có thể sẵn lòng chi tiền để góp phần vực vậy kinh tế thế giới như trước đây.
Bên cạnh đó, phải thấy rằng lạm phát tăng đã hạn chế chi tiêu của người dân, làm Trung Quốc mất đi lợi thế cạnh tranh với tư cách là quốc gia có nguồn lao động rẻ, đồng thời do ảnh hưởng của tâm lý “an cư lạc nghiệp”, khi giá nhà đất cao, người dân Trung Quốc càng trở nên tiết kiệm, rốt cuộc sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực phát triển nhu cầu nội địa của Trung Quốc. Trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm vì khủng hoảng, tiêu dùng trong nước thiếu động lực, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã ghi nhận đấu hiệu đi xuống. Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong quý II/2011, tăng trưởng GDP của nước này đạt 9,5%, giảm 0,2% so với mức tăng 9,7% trong quý I. Dự báo mới đây của Viện Nghiên cứu Bắc Kinh cho thấy tăng trưởng GDP quý III năm nay của Trung Quốc có thể giảm xuống còn 9,3%.
Điều đó có nghĩa kinh tế thế giới đang mất đi “điểm tựa phục hồi”, đúng như nhận định của Tiến sĩ kinh tế Andrei Ostrovsky, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Trung Quốc thuộc Viện Khoa học Nghiên cứu Viễn Đông (Nga). Và quan trọng không kém là cùng với việc mất đi “điểm tựa phục hồi” Trung Quốc, cùng với việc Mỹ chưa thể tìm ra giải pháp cơ bản cho vấn đề chi tiêu quá mức, kinh tế thế giới giờ còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Sau Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha, thì Tây Ban Nha và Italia là những nước bị “điểm mặt chỉ tên”. Để cứu vãn tình thế, ECB đã phải tung ra khoản tiền lớn mua trái phiếu của Italia và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, dư luận phổ biến quan ngại rằng liệu ECB có đủ kiên trì và thực lực để cứu vớt hai nền kinh tế này không, trong khi nhiều quốc gia khác trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vốn cũng đang ngập sâu trong khủng hoảng cũng cần được hỗ trợ khẩn cấp. Câu trả lời là rất khó bởi quy mô của hai nền kinh tế này lớn gấp nhiều lần Hy Lạp hay Ailen.
Hơn nữa, khủng hoảng nợ Eurozone không phải cứ bơm tiền là giải quyết được. Vì vấn đề lớn nhất của Eurozone nằm ở yêu cầu nhiều nền kinh tế có độ chênh lệch lớn sử dụng chung một đồng tiền, tuân thủ chung một tiêu chuẩn, nhưng lại cho độc lập về chính sách tài chính. Rốt cuộc, khi sử dụng chính sách tài chính quá đà phục vụ yêu cầu chính trị trong nước, thực chất là vay mượn vô tội vạ để thực hiện chính sách phúc lợi cao tạo ra sự giàu có giả tạo, nhiều nước Eurozone như Hy Lạp, Bồ Đào Nha rơi vào tình trạng nợ như chúa chổm. Mất đồng nội tệ, không có chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo điều kiện cho xuất khẩu, kích thích tăng trưởng, tăng thuế bị phản đối quyết liệt, lại phải cắt giảm chi tiêu, gánh nặng nợ nần sẽ gia tăng. Vì thế không loại trừ khả năng sẽ có quốc gia sẽ phải ra khỏi khung Eurozone, trở lại với đồng tiền riêng. Lúc đó, lo ngại dâng lên, đồng tiền sẽ phải tìm tới chỗ an toàn hơn và khủng hoảng ngân hàng sẽ bùng nổ ở châu Âu.
Bóng mây u ám đang vần vũ trên bầu trời kinh tế thế giới, nói như lời của Tổng Giám đốc WB Zoelick, thế giới “đang đứng trước một cơn bão mới và hoàn toàn khác so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008". Các thị trường toàn cầu đã bước vào "vùng nguy hiểm mới". Đó là khả năng tái diễn kịch bản về sự bảo hộ nền công nghiệp sản xuất trong nước (vốn gây ra cuộc Đại Suy thoái năm 1930) mà theo ông Zoellick, kịch bảo này nếu tái diễn sẽ đe dọa sự bình ổn của thế giới. Và nếu các nhà lãnh đạo chính trị không tìm cách tháo gỡ, nhiều nhà phân tích cho rằng sự suy giảm niềm tin sẽ tiếp tục lan rộng. Khi đó, không loại trừ khả năng kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với lần dò đáy thứ hai. Hệ quả là đội ngũ những người nghèo đói, thất nghiệp tiếp tục gia tăng, không chỉ trở thành gánh nặng xã hội, mà còn mang tới nguy cơ tiềm ẩn về sự mất ổn định.
Và để giảm thiểu thiệt hại trong “thời loạn” mà theo nhà kinh tế Tạ Quốc Trung có thể kéo dài tới 10 năm, ngoài việc cần thiết phải đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ, một biện pháp được cho là quan trọng và mang tính lâu dài là chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy biến nội nhu thành động lực chính dẫn dắt tăng trưởng. Đối với các nước đang phát triển, việc thúc đẩy hợp tác Nam - Nam cũng cần được thúc đẩy nhằm tránh lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu Âu - Mỹ. Đồng thời, khi kinh tế đi xuống, chi tiêu phải hạn chế, nhu cầu về các mặt hàng giá rẻ sẽ tăng lên, đây cũng là cơ hội cần phải tận dụng…
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)