Ngày 22/1, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, đây là cuộc điện đàm đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ với một nhà lãnh đạo của khu vực. Động thái quan trọng này diễn ra trong bối cảnh Mỹ một lần nữa đưa lực lượng Houthi tại Yemen vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Xét về tổng thể, điều này cho thấy chính quyền của ông Trump đang quay trở lại chính sách trong nhiệm kỳ đầu tiên, khi coi Saudi Arabia là một đối tác thân thiết và coi Houthi là mối đe dọa khủng bố.
Thúc đẩy quan hệ với Saudi Arabia
Theo tờ The Times of Israel, quyết định điện đàm đầu tiên với lãnh đạo Saudi Arabia đã cho thấy rõ ưu tiên của Chính quyền Tổng thống Trump.
Trong cuộc điện đàm, Thái tử Bin Salman nói với ông Trump rằng Saudi Arabia muốn mở rộng các khoản đầu tư vào Mỹ trong bốn năm tới lên 600 tỷ USD. Con số này có thể tăng thêm nếu có thêm các cơ hội.
Truyền thông Saudi Arabia không nêu rõ nguồn gốc của số tiền 600 tỷ USD, liệu đó là chi tiêu công hay tư, hoặc cách thức triển khai số tiền này.
Ông Trump cũng khẳng định với Thái tử Saudi Arabia rằng ông mong muốn hợp tác với nước này để thúc đẩy các lợi ích chung.
Theo hãng tin Reuters, ông Trump đã duy trì quan hệ chặt chẽ với các nước vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Saudi Arabia đã đầu tư 2 tỷ USD vào một công ty do Jared Kushner, con rể và cựu cố vấn của ông Trump, thành lập sau khi ông rời nhiệm sở.
Ngay sau lễ nhậm chức ngày 20/1, ông Trump cũng tuyên bố ông sẽ cân nhắc việc chọn Saudi Arabia làm điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm nước ngoài, nếu nước này đồng ý mua 500 tỷ USD sản phẩm của Mỹ, tương tự như những gì ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên.
“Tôi đã thăm Saudi Arabia lần trước vì họ đồng ý mua 450 tỷ USD sản phẩm của chúng ta. Tôi nói tôi sẽ làm điều đó nhưng các bạn phải mua sản phẩm của Mỹ và họ đã đồng ý”, ông Trump nói, đề cập đến chuyến thăm Saudi Arabia vào năm 2017.
Tất cả những động thái trên cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu với lãnh đạo các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ. Những năm gần đây, Mỹ đang dần giảm phụ thuộc vào xuất khẩu dầu của Riyadh, lĩnh vực từng đóng vai trò nền tảng cho mối quan hệ song phương nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, Saudi Arabia vẫn chủ yếu dựa vào các hệ thống phòng thủ và vũ khí do Mỹ sản xuất. Đây có thể là một phần trong các khoản đầu tư tương lai.
Trừng phạt Houthi
Một động thái đáng chú ý trong những ngày đầu tiên nhậm chức của ông Trump chính là ký sắc lệnh đưa lực lượng Houthi tại Yemen vào danh sách tổ chức khủng bố.
Sắc lệnh hành pháp nêu rõ Houhi đã tiến hành các vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự, trong đó có nhiều vụ tấn công vào cảng dân sự tại Saudi Arabia, cũng như phóng hơn 300 tên lửa vào Israel kể từ tháng 10/2023.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, lực lượng Houthi đã nhận được sự hỗ trợ từ Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC-QF), bao gồm việc huấn luyện và cung cấp vũ khí. Nhóm này đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các tàu chiến của Mỹ trong suốt hai năm qua.
“Sắc lệnh này đã khởi động một quá trình, trong đó lực lượng Houthi sẽ được xem xét để chỉ định là một Tổ chức Khủng bố Nước ngoài, theo quy định tại mục 219 của Đạo luật Di trú và Quốc tịch (INA), điều 8 U.S.C. 1189”, Nhà Trắng tuyên bố.
Trước đó, Chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden từng cố gắng đưa Houthi ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố, dù lực lượng này không thay đổi bất kỳ chính sách nào. Mục đích của Mỹ là duy trì lượng thực phẩm, thuốc men và viện trợ cần thiết khác cho người Yemen. Tuy nhiên, sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, Houthi đã tiến hành các cuộc tấn công vào Israel và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh hàng hải ở Biển Đỏ.
Sắc lệnh hành pháp chỉ rõ rằng lực lượng Houthi đã tấn công hơn 100 tàu thương mại đi qua eo biển Bab al-Mandeb, khiến ít nhất 4 thủy thủ thiệt mạng, và làm gián đoạn một số tuyến hàng hải ở Biển Đỏ, gây áp lực lớn lên nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác khu vực để loại bỏ khả năng hoạt động của Houthi, nhằm bảo vệ các cá nhân, đối tác và hoạt động vận chuyển hàng hải.
Việc tái chỉ định Houthi là tổ chức khủng bố đã gây nhiều quan ngại ở các quốc gia vùng Vịnh. Trong khi đó, cuộc nội chiến ở Yemen, bắt đầu từ năm 2015 khi Saudi Arabia can thiệp để chống lại Houthi, vẫn kéo dài và ngày càng trở nên phức tạp.
Theo các nhà quan sát, quyết định của Chính quyền Tổng thống Trump có thể cô lập và làm suy yếu Houthi, mở ra cơ hội cho Chính phủ Yemen và các đồng minh thực hiện các biện pháp quyết định. Một số chuyên gia cho rằng điều này sẽ cản trở Houthi tham gia tiến trình hòa bình và buộc nhóm này phải đối mặt với các biện pháp quân sự mạnh mẽ hơn từ liên minh quốc tế.
Chính quyền ông Trump đang thúc đẩy các chính sách nhằm củng cố mối quan hệ với các đồng minh trong khu vực - như Saudi Arabia và Israel. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có cuộc thảo luận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về vấn đề ngăn chặn Iran, khẳng định đây là một trong những trụ cột chính trong chiến lược của Mỹ tại Trung Đông.
Cùng lúc, đặc phái viên của Tổng thống Trump, ông Steve Witkoff, dự kiến sẽ sớm trở lại khu vực để theo dõi tình hình, bao gồm thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza. Những động thái này cho thấy Nhà Trắng đang đặt trọng tâm lớn vào việc ổn định khu vực và củng cố liên minh quốc tế.