Hãng tin Rianovosti đã đưa ra những phân tích về nguyên nhân khiến nỗ lực tuyển quân của chính quyền Ukraine đang dần lắng xuống sau quãng thời gian chiêu mộ rầm rộ.Từ đầu năm 2014, chính quyền Kiev đã công bố một kế hoạch tham vọng nhằm tuyển thêm 104.000 nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 60 tham gia vào chiến dịch “chống khủng bố” tại miền đông nước này. Kế hoạch tuyển dụng được tiến hành theo 3 giai đoạn và đã huy động được gần 45.000 người.
Một binh sĩ quân đội Ukraine. Nguồn: Reuters |
Tuy nhiên hiện nay, tình trạng nhiều nam giới Ukraine và gia đình của họ đã cố gắng làm mọi điều có thể để tránh phải ra mặt trận tại miền Đông đang ngày càng phổ biến.
Trong một cập nhật trên trang Facebook cá nhân vào tháng 1, cố vấn của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, ông Yuri Biryukov thể hiện sự bất bình với tỉ lệ trốn nghĩa vụ quân sự cao tại Tây Ukraine với miêu tả đó là “những kẻ hèn nhát đã lẩn trốn, thay đổi số điện thoại và mang đồ đạc bỏ chạy đến Romania, Hungary, Slovakia hoặc Ba Lan".
Ông Biryukov còn nổi giận hơn khi biết chính một số quan chức địa phương đã tiếp tay cho hiện tượng này khi họ từ chối gửi giấy gọi nhập ngũ hoặc báo trước cho người dân thời điểm các quan chức quân đội đến tuyển mộ.
Các báo cáo chính thức cho thấy những vùng thuộc Tây Ukraine như Ivano-Frankivsk, Ternopil và Zakarpattia có tỉ lệ trốn nghĩa vụ ở mức 40-60%. Trong khi đó, truyền thông Ukraine cũng đưa tin về những ngôi làng nơi chỉ sau một đêm, nam giới đều trốn đến châu Âu hoặc Nga để không phải nhập ngũ.
Truyền thông Ukraine trong thời gian gần đây cũng liên tục đưa tin về số người trốn tránh nghĩa vụ kỷ lục với việc hối lộ quan chức hoặc sử dụng kết quả y tế giả để không phải nhập ngũ.
Phóng viên Sergei Kirichuk tại trang mạng Liva.ua đã đưa ra nhận định điều này xuất phát từ những người dân có tư tưởng phản chiến.
Việc người dân phản đối nhập ngũ còn được thể hiện qua chiến dịch trên mạng xã hội tại Ukraine với tên gọi “đạo quân lảng tránh” với việc đăng tên và ảnh của con cái các quan chức cao cấp, chính trị gia và doanh nhân - những người đã đẩy con cái của những người khác ra mặt trận trong khi chính con cái họ lại trốn tránh ở Kiev hoặc được gửi ra nước ngoài.
Kêu gọi phản chiến ngày càng gây nhiều ảnh hưởng Vào đầu tháng 2, phóng viên Ukraine Ruslan Kotsaba đã bị bắt với cáo buộc phản quốc sau khi đăng lên trang mạng Youtube video thách thức lệnh tổng động viên của chính quyền Kiev và kêu gọi những người khác cũng làm như vậy.
Kotsaba khẳng định anh “thà ngồi tù từ 2 đến 5 năm còn hơn là tham gia các cuộc giao tranh tại Đông Ukraine để sát hại đồng bào”, hiện nay Kotsaba đang phải đối mặt với bản án 15 năm trong tù.
Kotsaba là một trong hàng chục người phản đối lệnh tổng động viên trên mạng đã bị lực lượng quốc phòng Ukraine bắt giữ. Họ cùng 7.000 nam giới Ukraine khác đang đối mặt với các bản án liên quan tới hành vi trốn nghĩa vụ quân sự. Video của Kotsaba đã được chia sẻ trên mạng bởi nhiều người cùng quan điểm không muốn chiến đấu chống lại đồng bào ở miền Đông.
Hai cầu thủ bóng đá nổi tiếng của Ukraine là Alexandr Zavarov và Yuri Sivukha mới đây đã lên tiếng cho biết họ thà bị giam trong tù còn hơn tham chiến. Zavarov nhấn mạnh: “Tôi không bao giờ muốn chiến tranh xảy ra tại Lugansk, nơi gia đình và những đứa con tôi đang sinh sống, nơi cha mẹ tôi được chôn cất”.
Bên cạnh đó, những người mẹ, người vợ Ukraine cũng đã lên tiếng mạng mẽ hơn bằng các cuộc biểu tình khắp đất nước từ Volhynya ở phía Tây đến Odessa ở phía Nam phản đối việc chồng và con cái họ bị đẩy ra chiến trường.
Người Ukraine đã thấy bản chất và cái giá của chiến tranhTổng thống Poroshenko gần đây đã ước tính có 1.200 binh sĩ và 5.400 dân thường Ukraine thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tại đất nước này. Trong khi đó, vào cuối tháng 1, nhóm tin tặc CyberBerkut đã đăng một báo cáo dựa vào thông tin mật của Bộ quốc phòng cho biết 1.100 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng chỉ trong 2 tuần giao chiến.