Ngành than của Liên bang Nga đang đứng bên bờ vực sụp đổ, với khoản lỗ gần 1 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2024 và chưa đến một nửa số doanh nghiệp còn duy trì lợi nhuận. Khi năm 2024 kết thúc và năm 2025 bắt đầu, chính phủ Liên bang Nga đối mặt với một vấn đề lớn: làm thế nào để cứu vãn ngành than đang hấp hối. Với một nửa số công ty hoạt động thua lỗ và chưa có giải pháp rõ ràng, các quan chức nước này đang gấp rút ngăn chặn hậu quả xã hội. Các kế hoạch đã được triển khai để quản lý tình trạng phá sản, trong đó tập đoàn nhà nước VEB.RF được giao nhiệm vụ tiếp quản các doanh nghiệp thua lỗ.
Đối với Liên bang Nga, cuộc khủng hoảng trong ngành than là một thử thách lớn. Khoảng 30 thị trấn công nghiệp đơn lẻ phụ thuộc vào khai thác và chế biến than như một cứu cánh duy nhất. Những thị trấn này là nơi sinh sống của 1,5 triệu người. Tổng cộng, khoảng 225.000 người làm việc trực tiếp tại các nhà máy khai thác và chế biến than, trong khi 500.000 người khác làm việc trong các ngành liên quan.
Hầu hết các công ty độc lập hoạt động ngoài các tập đoàn khai thác than lớn đều đang thua lỗ. Hiện tại, 52% doanh nghiệp trong ngành không có lợi nhuận. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là các lệnh trừng phạt và sự thất bại trong việc xoay trục kinh tế sang hướng Đông của Liên bang Nga.
Các lệnh trừng phạt
Sau khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, châu Âu đã áp dụng nhiều vòng trừng phạt. Gói trừng phạt thứ năm, được công bố vào ngày 8/4/2022, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than từ Liên bang Nga, có hiệu lực từ tháng 8/2022. Điều này đã giáng một đòn mạnh vào Liên bang Nga, khi châu Âu và Nhật Bản là những khách hàng mua than lớn nhất của nước này. Năm 2021, Liên bang Nga đã xuất khẩu 51,6 triệu tấn than sang châu Âu. Đến năm 2022, thị trường này đã biến mất.
Liên bang Nga đã tìm đến châu Á để cứu vãn tình hình, đích đến là các thị trường ở Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, kết quả không mấy khả quan. Ấn Độ dần giảm nhập khẩu than từ Liên bang Nga do các lệnh trừng phạt. Trung Quốc, mặc dù vẫn duy trì nhu cầu than cao, nhưng đã đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác vớiAustrali, Mông Cổ và Indonesia thay vì tăng nhập khẩu từ Liên bang Nga.
Mặc dù ngành than của Liên bang Nga đã cầm cự được trong giai đoạn 2022–2023, nhưng đến năm 2024, tình hình trở nên không thể duy trì.
Xuất khẩu than của Liên bang Nga sang các thị trường lớn đều giảm. Cụ thể:
• Trung Quốc: Giảm 8%
• Thổ Nhĩ Kỳ: Giảm 47%
• Ấn Độ: Giảm 55%
• Nhật Bản: Chỉ còn khoảng 1/9
Tổng lượng xuất khẩu than của Liên bang Nga sang tất cả các quốc gia cũng tiếp tục giảm:
• 2021: 223 triệu tấn
• 2022: 210 triệu tấn
• 2023: 213 triệu tấn
• 2024: 195 triệu tấn
• 2025 (dự báo): 180 triệu tấn
Lợi nhuận của các doanh nghiệp than ở Liên bang Nga đã giảm 15 lần do tác động từ các lệnh trừng phạt, và doanh thu sụt giảm mạnh. Tổng thiệt hại của ngành trong 9 tháng năm 2024 lên đến gần 1 tỷ USD, mà chưa có giải pháp khả thi nào được đưa ra.
Cơn bão hoàn hảo
Cuộc khủng hoảng trong ngành than của Liên bang Nga là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của các lệnh trừng phạt từ châu Âu. Ngoài việc từ chối mua than của Liên bang Nga, những hệ lụy còn lan rộng trong toàn ngành.
Để tìm khách hàng mới ở châu Á, Liên bang Nga buộc phải tái cấu trúc toàn bộ hệ thống logistics sang phía Đông. Tuy nhiên, đường sắt của Liên bang Nga không được trang bị đầy đủ để đối phó với sự thay đổi này, đối mặt với tình trạng thiếu toa tàu và cơ sở hạ tầng không đủ tiêu chuẩn. Tốc độ trung bình của các đoàn tàu hàng hóa đã giảm đáng kể. Các nhà xuất khẩu khác cạnh tranh cho cùng tuyến đường sắt, cùng với nhu cầu vận chuyển quân sự, đã làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn logistics. Vận chuyển than trở nên chậm chạp, tốn kém và kém hiệu quả hơn, tiếp tục làm giảm lợi nhuận.
Nhiều yếu tố khác cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn:
Một là Trung Quốc thúc đẩy chuyển đổi xanh: Là khách hàng mua than lớn nhất của Liên bang Nga, Trung Quốc đã nhiều năm nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy điện than như một phần của chiến lược chuyển đổi năng lượng xanh. Các quốc gia châu Á khác cũng đang thực hiện điều tương tự.
Hai là giá than giảm. Giá than đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy năm, khiến biên lợi nhuận càng bị thu hẹp.
Ba là vấn đề thanh toán liên quan đến trừng phạt: Các công ty của Liên bang Nga thường xuyên gặp phải sự chậm trễ trong thanh toán và mất đi lượng lớn khách hàng tiềm năng, khi các người mua lo ngại về các lệnh trừng phạt thứ cấp.
Tương lai của ngành than Liên bang Nga sẽ ra sao?
Để tồn tại, các công ty hoạt động trong ngành than của Liên bang Nga phải thay đổi chiến lược, làm việc chặt chẽ hơn với khách hàng và ưu tiên phát triển các mỏ than mới thay vì duy trì những mỏ cũ đã lạc hậu. Tuy nhiên, những tác động kinh tế đã bắt đầu ảnh hưởng đến các khu vực của Liên bang Nga. Doanh thu sụt giảm đã cắt giảm ngân sách địa phương, làm tê liệt khả năng tài trợ cho các dịch vụ thiết yếu, buộc chính phủ liên bang phải gánh vác gánh nặng—trong bối cảnh hơn một phần ba thu nhập quốc gia đã được dùng để phục vụ chiến tranh.
Các chuyên gia dự đoán tình hình sẽ đạt đến điểm khủng hoảng vào năm 2025. Trong năm năm tới, chỉ những công ty sản xuất than cốc có giá trị cao hơn và những công ty thuộc các tập đoàn lớn mới có thể trụ lại trên thị trường. Cả một số khu vực của Liên bang Nga dự kiến sẽ phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng.