Cả hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ vào ngày 5/2 đều giảm hơn 4%. Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), đây là mức giảm lớn nhất trong một ngày của hai chỉ số kể từ tháng 8/2011.
Đến ngày 6/2, tình trạng sụt giảm lan đến thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu. Chỉ số Nikkei Nhật Bản tụt 4,7% trong khi chỉ số chứng khoán tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng rớt 5%. Chỉ số FTSE 100 tại London đã chứng kiến ngày tồi tệ nhất tính từ tháng 4/2017 khi hạ 3%.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 5/2. Ảnh: THX/TTXVN |
Câu hỏi đáng lưu tâm với các nhà đầu tư hiện nay là liệu tình trạng đi lùi này sẽ mở đường cho chứng khoán tăng điểm sau khi tìm được giá trị hay đây là khởi điểm cho chuỗi ngày thị trường chứng khoán không ngừng rớt giá.
Sau tình hình ngày 5/2, Nhà Trắng khẳng định nền tảng kinh tế Mỹ vẫn mạnh. Tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn ở mức 2,6 % trong quý 4 năm 2017.
Lý do khiến thị trường chứng khoán giảm điểm?Chỉ số mà Mỹ công bố ngày 2/2 đã gây lo ngại rằng lạm phát có thể xảy ra nhanh hơn. Trong tháng trước, mức lương trung bình tại quốc gia này đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong 17 năm qua, chỉ 4,1%.
Dữ liệu này dẫn đến dự đoán giá các sản phẩm trên thị trường sẽ nhanh chóng tăng, gây áp lực FED tăng lãi suất để bình ổn nền kinh tế. Các nhà đầu tư muốn tránh viễn cảnh về một kỷ nguyên khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu đi đến hồi kết. Trong những tháng qua, một số thành viên thuộc FED, đã tranh cãi về số lần nâng lãi suất trong năm 2018. Theo dự kiến, FED sẽ 3 lần nâng lãi suất trong năm 2018, nhưng có thể sẽ có tới 4 đến 5 lần nâng lãi suất.
Lạm phát cao, lương tăng và đầu tư doanh nghiệp sụt giảm đồng nghĩa với việc lợi nhuận ít hơn cho các tập đoàn. Những điều này cùng kết hợp dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư không hào hứng chi thêm tiền mua cổ phiếu một công ty so với thời điểm một tuần trước đây.
Trong vài tuần qua, nhiều nhà phân tích và kinh tế học còn cảnh báo rằng trong năm nay, mức lạm phát tại một số nền kinh tế lớn có thể vượt ngưỡng 2-3% mà các ngân hàng trung ương đánh giá là thích hợp với các quốc gia phát triển.
Điều tồi tệ hơn sẽ đến?Dữ liệu về nền kinh tế Mỹ có thể gia tăng khả năng FED nâng lãi suất. Dự luật cải cách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được Quốc hội Mỹ thông qua trong tháng 12/2017 dự kiến “bơm thêm” 1.000 tỉ USD vào nền kinh tế quốc gia này.
Thông tin về mức lương tăng trong năm 2018 hoặc 2019 khiến các nhà đầu tư đều đánh cược rằng sẽ có quyết định tăng lãi suất. Kết quả là tình trạng căng thẳng tại thị trường chứng khoán có thể tiếp diễn.
Ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu?Các khoản vay của nhiều nền kinh tế đang phát triển trên thế giới chủ yếu bằng đồng USD và diễn biến vào ngày 5,6/2 sẽ ảnh hưởng tới khoản nợ này.
Trong khi đó, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhiều khả năng sẽ không tăng lãi suất, điều này đồng nghĩa với việc đồng euro tiếp tục tăng giá trị so với đồng USD khiến các quốc gia “lục địa già” gặp khó khăn khi xuất khẩu tới Mỹ.
Khi lãi suất tăng mạnh, thị trường cổ phiếu thường rơi vào đà giảm. Lãi suất tăng còn tác động tới lợi nhuận của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo kênh CNN (Mỹ), nâng lãi suất và lạm phát còn có thể gây bất ổn với thị trường trái phiếu.
Mỹ là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và USD cũng là đồng tiền định giá của nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu. Do vậy, điều xảy ra tại Phố Wall sẽ tác động tới các trung tâm tài chính như London (Anh) và Tokyo (Nhật Bản). Tuy nhiên, thị trường chứng khoán tại Trung Quốc lại không chịu nhiều tác động từ tình trạng này.