Nguy cơ bùng nổ cuộc chiến khí đốt Nga - Ucraina

Báo MK (Moskovskij Komsomolets) cho biết, Thủ tướng Nga Vladimir Putin ngày 25/6 đã có chuyến đi tới Crưm. Về mặt chính thức thì chuyến đi này được coi là "việc riêng", nhưng trên thực tế Thủ tướng Putin đã gặp Tổng thống Ucraina Victor Yanukovich đang nghỉ hè tại đây. Cả Nga và Ucraina đều không tiết lộ thông tin gì liên quan đến chương trình nghị sự cũng như kết quả cuộc gặp, nhưng trên cơ sở những sự kiện xảy ra mới đây, giới quan sát nhận xét, Nga và Ucraina đang đứng bên bờ vực của cuộc chiến khí đốt.

Ảnh: Internet


Thời gian qua, đề tài nóng hổi nhất trong chương trình nghị sự của các cuộc gặp cấp cao giữa Nga và Ucraina vẫn là giá cả khí đốt. Hiện Mátxcơva bán "nhiên liệu xanh" cho Kiép với giá gần 300 USD/1.000 m3 và tuyên bố sẽ nâng lên mức 400 USD/1.000 m3 vào quý IV tới. Tuy nhiên, Ucraina cho rằng giá bán này là quá cao, cần phải giảm xuống dưới 200 USD/1.000 m3, đồng thời muốn phía Nga bảo đảm cung cấp ổn định khí đốt cho Tây Âu qua hệ thống vận tải quá cảnh chạy qua lãnh thổ Ucraina. Trong khi đó, Mátxcơva lại muốn nắm trong tay quyền kiểm soát Hệ thống vận tải khí đốt (GTS) của Ucraina mà không có bất cứ sự tham gia nào của bên thứ ba, ý nói Liên minh châu Âu (EU). Không ngẫu nhiên vào ngày Thủ tướng Putin gặp Tổng thống Yanukovich, trang web của chính phủ Ucraina đã đăng bài khẳng định "giá trung chuyển khí đốt của Nga sang Tây Âu cần phải được tăng lên ít nhất gấp đôi".

Nhà nghiên cứu chính trị Ucraina, ông Andrey Okara đánh giá quan hệ giữa Mátxcơva và Kiép hiện đang xấu đi, làm cho cuộc đối thoại ở Crưm diễn ra căng thẳng, không bên nào chịu nhường bên nào. Phe ủng hộ Tổng thống Yanukovich (hay còn gọi là phái Kharkov) không hiểu tại sao Kiép đã nhượng bộ Nga nhiều đến vậy, chẳng hạn như ký Hiệp định Kharkov (gia hạn sự có mặt của Hạm đội Hắc Hải Nga ở Biển Đen thêm 25 năm để đổi lấy việc Mátxcơva hạ giá bán khí đốt 100 USD/1.000 m3), công nhận tiếng Nga là quốc ngữ thứ hai và loại bỏ mọi di sản của cựu Tổng thống Victor Yushchenko... mà Mátxcơva vẫn không chịu hạ giá bán khí đốt thêm nữa.

Để buộc phía Nga phải chấp nhận nhượng bộ, giờ đây, Kiép bắt đầu thực thi những biện pháp "bất thường" như tiến hành cuộc tập trận chung với NATO. Về phần mình, Mátxcơva cũng không hiểu tại sao Kiép lại không chịu tham gia khu vực ảnh hưởng chính trị và địa chính trị của Nga (ý nói Liên minh Hải quan - TS, Không gian Kinh tế thống nhất hay Cộng đồng kinh tế Á - Âu...), không chịu chấp nhận đề nghị về thành lập Xí nghiệp liên doanh giữa Naftogaz (Tập đoàn dầu khí Ucraina) và Gazprom (Tập đoàn công nghiệp khí đốt Nga) hay các xí nghiệp liên doanh Nga - Ucraina về chế tạo máy bay, năng lượng nguyên tử, kỹ thuật chuyên dụng hay buôn bán vũ khí. Thậm chí dư luận còn cho rằng xung khắc Nga - Ucraina hiện nay còn gay gắt hơn thời kỳ ông Yushchenko còn làm Tổng thống.

Giám đốc Trung tâm thẩm định chính trị quốc tế, ông Evgheny Minchenko nhận xét, phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Yulia Timoshenko (về hợp đồng mua khí đốt của Nga ký năm 2009 với giá 450 USD/1.000 m3 mà Kiép cho rằng nó tác hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia Ucraina) cũng liên quan đến cuộc xung đột hiện nay giữa hai nước.

Liên quan đến vấn đề này, báo Độc lập (Nga) ra ngày 27/6 cho biết, trong hai ngày 28 và 29/6, tại Mátxcơva sẽ diễn ra phiên họp Ủy ban liên nhà nước Nga - Ucraina dưới sự chủ tọa của Tổng thống Dmitry Medvedev và Tổng thống Yanukovich. Mátxcơva đã nhiều lần đánh tín hiệu sẵn sàng giảm giá bán khí đốt nếu Kiép chấp nhận tham gia TS, nhưng chính quyền Ucraina hiện nay vẫn khăng khăng từ chối để tiếp tục thực hiện chủ trương liên kết với EU và hy vọng đến cuối năm nay sẽ đạt được với EU thỏa thuận về thành lập khu vực mậu dịch tự do. Đương nhiên, EU sẽ không chấp nhận thành lập khu vực như vậy với Ucraina nếu Kiép tham gia TS.

Tuy nhiên, tình hình có vẻ như đã thay đổi sau khi Thủ tướng Putin tới Crưm. Tổng thống Yanukovich đã đề xuất áp dụng phương án 3+1 trong TS (ý nói Ucraina thiết lập quan hệ đối tác với TS gồm ba nước Nga, Bêlarút và Cadắcxtan), đồng thời Naftogaz cùng Gazprom thành lập Hội đồng quản trị nhằm điều khiển hoạt động của GTS sau này. Nhưng phía Nga chưa có lời đáp nào, mà chỉ nói bóng gió mọi vấn đề liên quan sẽ được giải quyết tại phiên họp của Ủy ban liên nhà nước Nga - Ucraina.

Đình Lanh (P/v TTXVN tại LB Nga)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN