Những kẻ tấn công lễ diễu binh tại thành phố Ahvaz phía Tây Nam Iran hôm 22/9 đều được huấn luyện kỹ càng, 4 trong số chúng xả súng giết hại 25 người và làm thương 70 người khác trước khi bị tiêu diệt. Câu hỏi được đặt ra ở đây là bọn chúng do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng huấn luyện hay do thế lực chống đối trong nước Ahvaz National Resistance giật dây.
Video 4 kẻ tấn công xả súng vào đám đông dự lễ diễu binh Iran ngày 22/9:
Nếu như IS thực sự là thủ phạm đứng sau vụ tấn công thì sự kiện không mang nhiều hàm ý chính trị, vì IS là một tổ chức Hồi giáo người Sunni cực đoan độc lập có mối thù không đợi trời chung với người Hồi giáo dòng Shi'ite và phần lớn người dân Iran là người Shi'ite.
Tuy nhiên, nếu như thủ phạm là tổ chức chống đối Ahvaz National Resistance (ARN), thì đây sẽ được coi là phát đạn châm ngòi cho một cuộc chiến vùng Vịnh mới, do ARN được Saudi Arabia và các nước đồng minh Arab như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hay Bahrain hậu thuẫn.
Trong khi IS qua mạng tin Amaq công bố đoạn video cho thấy 3 người đàn ông tuyên bố đang trên đường tới địa điểm thực hiện vụ tấn công nhằm vào lễ diễu binh thì Iran lại tin rằng chính ARN mới là thủ phạm đứng sau những kẻ tấn công.
“Chúng tôi hoàn toàn biết rõ ai là kẻ gây tội ác này và bọn chúng có mối liên hệ với ai. Các quốc gia Arab trong khu vực làm con rối của Mỹ, và Mỹ khuyến khích họ, cung cấp cho họ những năng lực cần thiết”, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định.
Theo nhà bình luận Gwynne Dyer trên báo Stuff, có lý do khiến nghi ngờ của Iran là sự thực. Các quốc gia Arab vùng Vịnh đều nhỏ và yếu hơn Iran. Họ từng lên tiếng bày tỏ quan ngại Iran trước sức mạnh và tham vọng của Iran. Họ đề cập chiến tranh với Iran là không thể tránh được và mong muốn lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến giữa hai bên.
Năm ngoái, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman từng nói “chúng ta sẽ không chờ đợi cuộc chiến xảy ra ở Saudi Arabia. Thay vì thế, chúng ta sẽ để cuộc chiến diễn ra ở Iran".
Trong khi đó, luật sư riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Rudolph Giuliani ngày 22/9 tuyên bố các lệnh trừng phạt của Mỹ đang khiến Iran tổn thương: “Tôi không biết khi nào chúng ta sẽ lật đổ họ. Có thể là vài ngày, vài tháng hoặc vài năm. Nhưng điều đó sẽ xảy ra”.
Sau cuộc tấn công ở Ahvaz, Tiến sĩ Abdulkhaleq Abdulla, một học giả nổi tiếng UAE, nhận định cuộc tấn công đó thực sự không phải là một vụ khủng bố. Ông chỉ ra rằng "đưa cuộc chiến sang phía Iran là một lựa chọn đã được tuyên bố từ trước", và dự đoán số lượng các cuộc tấn công như vậy sẽ gia tăng trong giai đoạn tiếp theo. "Nếu như đó là chiến lược của liên minh giữa Saudi Arabia và Mỹ, không sớm thì muộn, họ sẽ tìm cách kìm kẹp chế độ Iran".
Trong trường hợp nhận định trên trở thành sự thực, đây sẽ là Chiến tranh vùng Vịnh lần 4 sau gần 40 năm.
Chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên là cuộc chiến tranh Iraq-Iran 1980-1988. Khi đó, cố lãnh đạo Iraq Saddam Hussein ra lệnh tấn công chính quyền cách mạng mới của Iran với sự hỗ trợ của Mỹ. Khoảng 1 triệu người đã bị giết hại. Hỗ trợ duy nhất lúc đó của Mỹ đối với lực lượng của Saddam là thông tin tình báo.
Cuộc chiến vùng Vịnh lần 2 là cuộc chiến xảy ra năm 1990-1991 giữa Iraq và các quốc gia Arab láng giềng, với sự tham chiến của một lượng lớn binh sĩ Mỹ và phương Tây, khi quân đội Iraq xâm lược Kuwait.
Cuộc chiến vùng Vịnh lần 3 xảy ra năm 2003, khi cựu Tổng thống Mỹ George W Bush đem quân sang Iraq với niềm tin sai lầm rằng chính quyền Saddam có mối liên hệ với khủng bố al-Qaeda thực hiện vụ tấn công 11/9 và hợp tác chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.