Ngoại giao - Mặt trận cạnh tranh thầm lặng nhưng khốc liệt giữa các nước

Sức mạnh ngoại giao mới của Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh tích cực cạnh tranh với Mỹ, mà ngoại giao chỉ là một trong nhiều mặt trận.

Chú thích ảnh
Trung Quốc đang mở rộng mạng lưới ngoại giao về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Ảnh: CGTN

Khi sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở thành một lực lượng trung tâm trong nền chính trị toàn cầu, các nhà phân tích đã theo dõi con đường của họ dẫn đến ưu thế tiềm năng trên một số mặt trận: quy mô nền kinh tế; quy mô và tầm với của các mối quan hệ đầu tư, thương mại; ngân sách và năng lực của lực lượng quân sự. Kể từ năm 2019, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong một mặt trận thường được đánh giá thấp nhưng rất quan trọng về ảnh hưởng toàn cầu: đó là quy mô của mạng lưới ngoại giao.

Trong nhiều thập kỷ, Washington sở hữu mạng lưới ngoại giao lớn nhất thế giới. Còn hiện tại Trung Quốc cũng vậy, họ tự hào với 276 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, bao gồm các đại sứ quán, lãnh sự quán và các phái bộ thường trực tại các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, mạng lưới của Mỹ chỉ còn 273 cơ quan, giảm một cơ quan kể từ năm 2017.

Theo trang Foreign Affairs, sự thay đổi này có thể đánh dấu một bước ngoặt trong cạnh tranh quyền lực. Khi Bắc Kinh ngày càng sẵn sàng triển khai sức mạnh toàn cầu của mình, họ đã đầu tư vào một nền ngoại giao tích cực và sâu rộng. Trong khi Washington đã chuyển hướng và ưu tiên cho của những công cụ khác. Tại đúng nơi mà Mỹ từng giữ vị trí số một thế giới, sân chơi đang được san bằng.

Cách Trung Quốc giành chiến thắng

Trung Quốc đã leo lên vị trí hàng đầu một cách nhanh chóng, theo Chỉ số Ngoại giao Toàn cầu của Viện Lowy - theo dõi các mạng lưới ngoại giao trên toàn thế giới. Năm 2011, Bắc Kinh kém 23 cơ quan ngoại giao so với Washington. Vào năm 2016, họ rút ngắn khoảng cách còn 8, và đứng ở vị trí thứ ba sau Mỹ và Pháp. Năm 2017, Trung Quốc vươn lên thứ hai, vượt qua Pháp, trước khi lên vị trí số một trong năm nay.

Bắc Kinh đã mở 5 đại sứ quán mới trong 2 năm qua: tại Burkina Faso, Cộng hòa Dominica, El Salvador, Gambia, và São Tomé & Príncipe.

Chú thích ảnh
Người nước ngoài vẫy cờ Trung Quốc trong sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc tại tỉnh Chiết Giang ngày 15/8/2019. Ảnh: Getty Images

Foreign Affairs cho rằng danh sách các quốc gia này không phải là ngẫu nhiên. Sau một chiến dịch kéo dài được gọi là “ngoại giao cuốn séc”, Bắc Kinh đã thành công trong việc nhắm đến một số đối tác ngoại giao cuối cùng còn lại của Đài Loan (Trung Quốc). 

Gần đây, hai quốc gia trong khu vực Quần đảo Thái Bình Dương là Kiribati và Quần đảo Solomon đã phá vỡ quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang Trung Quốc, giảm số lượng các nước công nhận Đài Loan từ 22 trong năm 2016 xuống chỉ còn 15 hiện tại. Đối với Bắc Kinh, chiến lược này đã đẩy mạnh sự cô lập chính trị với Đài Loan và tăng khả năng của Trung Quốc trong thúc đẩy lợi ích chiến lược và kinh tế. Nói tóm lại, đó là một chiến lược thắng-thắng, và cả hai chiến thắng đều thuộc về Trung Quốc.

Trung Quốc không chỉ mở rộng mạng lưới của mình, họ cũng có thêm chiều sâu. Trong khi Bắc Kinh và Washington hơn kém nhau sát nút về số lượng đại sứ quán, Trung Quốc vượt trội về số lượng lãnh sự quán, với 96 so với Mỹ 88. Nếu như các đại sứ quán phản ánh quyền lực chính trị, thì lãnh sự quán phản ánh sức mạnh kinh tế. Trung Quốc tập trung vào việc thúc đẩy các lãnh sự quán của mình với sự tập trung liên tục vào việc thúc đẩy lợi ích thông qua ngoại giao kinh tế so với ngoại giao truyền thống. Trong số 96 lãnh sự quán của Trung Quốc, có 41 cơ sở ở châu Á và 28 tại châu Âu. Điều này đi đôi với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một chương trình thúc đẩy cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD nhằm kết nối tốt hơn Trung Quốc với các khu vực này.

Ngoại giao "không bánh lái” của Mỹ

Chú thích ảnh
Cuộn cờ Lãnh sự quán Mỹ tại St. Petersburg, Nga vào tháng 3/2018. Ảnh: Reuters

Sự hiện diện ngoại giao của Mỹ đã bị “xơ cứng” từ năm 2017. Sau khi đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại St. Petersburg (Nga) năm 2018 trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Moskva, và không có bất kỳ cơ quan ngoại giao mới nào được mở trong những năm gần đây, Washington đã giảm tổng số cơ quan đại diện ngoại giao của mình xuống còn 273.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chưa có đủ nhân sự cho các cơ quan hiện tại: ngay cả khi Tổng thống Donald Trump sắp kết thúc nhiệm kỳ 4 năm, chỉ có 73% vị trí chủ chốt được lấp đầy, theo tờ Washington Post. Chưa hết, Nhà Trắng còn muốn cắt giảm 23% ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, và không có gì ngạc nhiên khi chính sách ngoại giao của Mỹ ngày càng trở nên “vô vị” đối với các chính phủ khác. 11.000 câu tweet của Tổng thống Trump trên mạng xã hội Twitter, trong đó hơn một nửa là nhằm tấn công ai đó hay việc gì đó, sẽ không thể thay thế cho một mạng lưới ngoại giao hoạt động chuẩn mực.

Tuy vậy, ngoại giao Mỹ không bị tụt lại trên mọi mặt trận. Ảnh hưởng ngoại giao không chỉ đến từ việc thiết lập sự hiện diện lớn ở nước ngoài mà còn từ việc trở thành nước chủ nhà quan trọng cho các phái bộ nước ngoài.

Mỹ vẫn là một nơi rộng rãi, nơi phổ biến nhất cho các quốc gia duy trì đại sứ quán và lãnh sự quán. Đây là nơi có khoảng 342 đại sứ quán và lãnh sự quán, trong khi Trung Quốc chỉ có 256 cơ quan ngoại giao nước ngoài đặt đại diện. Nếu tính thêm đại diện thường trực của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, thì vị trí dẫn đầu của Mỹ còn được củng cố hơn nữa.

Chú thích ảnh
Đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: Reuters

"Phong vũ biểu" của tham vọng quốc gia

Bên cạnh việc sắp xếp lại phạm vi ngoại giao của Mỹ và Trung Quốc, những sự gián đoạn toàn cầu khác cũng đã thúc đẩy thay đổi trong hoạt động ngoại giao của các chính phủ trên thế giới. Chẳng hạn Brexit đã thúc đẩy một số chính phủ châu Âu thực hiện thay đổi. Trong khi thời hạn Brexit liên tục được gia hạn, Ireland đã tăng cường mạng lưới ngoại giao của mình bằng 8 cơ quan đại diện mới. Viễn cảnh Ireland phải “ly hôn” với đối tác nhập khẩu lớn nhất và đối tác xuất khẩu lớn thứ hai (là Anh), Ngoại trưởng nước này khẳng định động thái mở rộng quan hệ ngoại giao liên quan đến Brexit. Hà Lan cũng vậy, đã mở thêm 7 cơ quan ngoại giao trong vòng 2 năm, và còn thêm nữa vào năm 2021, trong chiến lược mới hậu Brexit.

Ngược lại, Vương quốc Anh đã đóng cửa hoặc hạ cấp 11 lãnh sự quán và cơ quan ngoại giao kể từ năm 2016, giảm từ vị trí thứ 9 ba năm trước xuống thứ 11 hiện nay.

Nhật Bản leo lên vị trí thứ tư vào năm 2019, lần đầu tiên vượt qua Nga. Đối mặt với sự cân bằng quyền lực đang thay đổi trong khu vực lân cận, bao gồm một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, Tokyo đã âm thầm đầu tư vào dấu ấn ngoại giao của mình trong gần một thập kỷ nay. Việc bổ sung 7 cơ quan đại diện ngoại giao tại các quốc gia có vị trí chiến lược như Campuchia, Philippines, Seychelles và Vanuatu đưa tổng số cơ quan ngoại giao nước ngoài của Nhật Bản lên tới 247.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy, đã tăng cường mạng lưới của mình, theo kịp chính sách đối ngoại ngày càng tham vọng và thực hiện các bước để đa dạng hóa ngoài NATO. Họ đã bổ sung 6 cơ quan đại diện kể từ năm 2017, đứng thứ sáu về mạng lưới ngoại giao mặc dù GDP thấp hơn một nửa so với nước Nga đứng thứ năm.

Tất nhiên, sự lựa chọn của một quốc gia về nơi mở rộng mạng lưới ngoại giao của mình không bao giờ diễn ra mà không được tính toán. Trung Quốc, Ireland, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ đang báo hiệu những ưu tiên về nơi họ muốn định vị trong tương lai. Sức mạnh ngoại giao mới của Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh tích cực cạnh tranh sức mạnh với Mỹ, mà dấu chân ngoại giao chỉ là một. (Những thứ khác bao gồm xuất khẩu toàn cầu, sản xuất kim loại đất hiếm và GDP tính theo ngang giá sức mua -PPP).

Mạng lưới ngoại giao mới nổi trội là một chiến thắng mang tính biểu tượng cho Trung Quốc. Và ngoài việc các mạng lưới ngoại giao có thể nói lên câu chuyện đầy đủ về một quốc gia có ảnh hưởng ở nước ngoài, thì chúng cũng đóng vai trò như một phong vũ biểu về tham vọng của quốc gia đó.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Trung Quốc xem xét hạn chế thị thực với quan chức Mỹ vì vấn đề Tân Cương
Trung Quốc xem xét hạn chế thị thực với quan chức Mỹ vì vấn đề Tân Cương

Hãng tin Sputnik (Nga) ngày 3/12 cho biết có khả năng Trung Quốc xem xét áp đặt lệnh hạn chế thị thực đối với các quan chức và chính khách Mỹ chỉ trích vấn đề liên quan đến Tân Cương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN