Bình luận viên Tristin Hopper của tờ Bưu điện Quốc gia, có trụ sở tại Canada ngày 18/1 nhận định: "Với Nga, quân đội nước này không có quy mô quá lớn, nhưng thực sự Nga cho thấy việc sẵn sàng sử dụng nó một cách hiệu quả".
Bất chấp nhiều vấn đề, Tổng thống Nga Putin vẫn thành công trong việc duy trì tầm ảnh hưởng của Moskva trên toàn cầu. Ảnh: Pravda |
Thực vậy, ngân sách quốc phòng của Nga chỉ bằng một phần nhỏ so với Mỹ. Số quân nhân Nga cũng không bằng Ấn Độ. Tuy nhiên, dường như Moskva đã thành công trong việc nâng cao vị thế toàn cầu mà không tốn nhiều chi phí cho các mục đích quốc phòng.
Nga đã sáp nhập Crimea mà không cần một phát súng. Chiến dịch ở Syria với khoảng 50 máy bay chiến đấu chỉ tiêu tốn của Nga 500 triệu USD, trong khi Mỹ lại tốn số tiền tương tự chỉ để huấn luyện cho các nhóm phiến quân ở quốc gia Trung Đông này.
Theo ông Hopper, Nga cũng đã sử dụng hiệu quả quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Ông bình luận: "Kể từ năm 2000, Nga đã sử dụng sức mạnh quyền phủ quyết của mình đối với 13 nghị quyết của HĐBA, hầu hết là liên quan đến Trung Đông. Ngược lại, Pháp và Anh đã không thể làm điều này kể từ năm 1989. Về bản chất, điều này cho thấy việc thảo luận về các cuộc khủng hoảng toàn cầu tại LHQ sẽ gặp khó khăn nếu Moskva không được mời tham dự".
Về chính sách đối ngoại, Nga cũng có những thành công nhất định. Thỏa thuận về giải giáp vũ khí hóa học ở Syria, sự xích lại gần hơn với Trung Quốc hay thành lập Liên minh Kinh tế Á-Âu với Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã giải thích cho sự chuyên nghiệp của nền ngoại gia Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện "đẳng cấp" của mình khi mời gia đình các nhà ngoại giao Mỹ tới Điện Kremlin dự bữa tiệc giáng sinh. Tờ Bưu điện Quốc gia dẫn lời tác giả nêu rõ: "Từ thời kỷ nguyên Xô-viết, các nhà ngoại giao Nga trên khắp thế giới đã ca ngợi các đối tác Nga của họ là có kiến thức, nhiệt tình và vô cùng chuyên nghiệp".
Về kinh tế, đồng tiền Nga đã mất nửa giá trị đầu năm 2016 so với năm 2014. Nền kinh tế Nga đã suy giảm đáng kể, thu nhập của người dân giảm 9%. Tuy nhiên, bất chấp điều này, Điện Kremlin vẫn thể hiện được hình ảnh nước Nga - siêu cường. Tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ Barack Obama đã thừa nhận trong một cuộc họp báo ở Berlin (Đức) hồi cuối năm 2016 rằng Nga thực sự vẫn là một siêu cường quân sự và đang cho thấy tầm ảnh hưởng của mình ở cả trên thế giới cũng như trong khu vực. Ông Obama nói: "Cách tiếp cận cơ bản của tôi vẫn không đổi kể từ khi tôi nhậm chức. Nga là một quốc gia quan trọng. Nước này là siêu cường quân sự, có ảnh hưởng trong khu vực và trên toàn cầu".
Đồng quan điểm trên, tỷ phú Mỹ George Soros cũng thừa nhận rằng Nga đã trở thành một cường quốc thế giới, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang tan rã. Tại một sự kiện ở London (Anh), ông Soros đã đưa ra dự báo của mình về Nga với EU. Theo ông, số phận của EU phụ thuộc vào tương lai của Ukraine hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây.