Nga và Ukraine đối đầu ở Tòa án Quốc tế: Ai sẽ thắng?

Ngày 6/3, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) bắt đầu các phiên điều trần về việc Ukraine kiện Nga kích động chủ nghĩa khủng bố ở vùng Donbass và ngược đãi cộng đồng dân cư tại Crimea.

Xe quân sự của Ukraine trên một tuyến đường ở Kiev. Ảnh: EPA/TTXVN

Ban đầu, mỗi bên sẽ có 4 ngày để thực hiện các buổi điều trần riêng tại tòa án quốc tế tối cao. Nhiều người dự đoán phiên tòa tại La Haye (Hà Lan) sẽ mất nhiều năm để có thể hoàn tất.

Cáo trạng dài 45 trang nêu rõ các cáo buộc của Ukraine về việc Nga vi phạm hai công ước của Liên hợp quốc (LHQ). Chính quyền Ukraine trước hết cáo buộc Moskva vi phạm Hiệp ước Tài trợ Khủng bố do hỗ trợ “các nhóm vũ trang trái phép” tại các khu vực tuyên bố ly khai là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng. Nga phủ nhận các cáo buộc này.

Cáo buộc thứ hai mà Kiev đưa ra đối với Moskva là việc cộng đồng dân cư Tartar và người thiểu số Ukraine tại Crimea đã bị ngược đãi khi Nga sáp nhập bán đảo này hồi tháng 3/2014. Nga bị cáo buộc đã bắt giam nhiều người và cấm các hoạt động của Quốc hội Nhân dân Tatar ở Crimea - cơ quan đại diện của cộng đồng này, theo đó vi phạm Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt chủng tộc (CERD).

Ukraine đã lấy dẫn chứng nhiều thông tin và báo cáo của LHQ, của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về tình hình khu vực, cũng như các bức ảnh chụp vệ tinh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Với các cáo buộc này, Kiev yêu cầu tòa án ra phán quyết Nga phải chịu các trách nhiệm liên quan, trong đó có việc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn hạ ở miền Đông Ukraine và các vụ bạo lực nhằm vào dân thường, đồng thời có những khoản bồi thường xác đáng.

Vụ kiện được Ukraine đệ trình vào tháng 1/2017, gần 3 năm sau khi diễn ra các sự kiện liên quan. Ukraine cũng đã đệ đơn lên một số tòa án quốc tế khác như Tòa án Tội phạm Quốc tế (ICC), song khả năng thành công là rất ít. ICC cũng có trụ sở tại La Haye, được thành lập để giải quyết các vụ kiện liên quan đến tội ác chiến tranh.

Năm 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng dù đã ký, song Nga sẽ không thông qua và không tuân thủ Đạo luật Rome, hiệp ước nền tảng của ICC. Đạo luật Rome chính thức có hiệu lực từ năm 2002, phân loại 4 tội ác quốc tế là tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội ác về bạo lực.

Nga đã ký đạo luật này vào năm 2000 song vẫn chưa thông qua nó, bởi vậy các phán quyết của ICC không có hiệu lực đối với Nga. Bên cạnh ICC, từ năm 2014, Ukraine đã 5 lần đệ đơn lên Tòa án châu Âu về Nhân quyền (ECHR), và hiện đang chuẩn bị đơn kiện thứ 6, tuy nhiên Tòa án Tối cao Liên bang Nga khẳng định họ là người ra quyết định cuối cùng đối với các phán quyết của ECHR.

Trong khi đó, ICJ là tòa án được thành lập vào năm 1945. Nga thừa nhận toàn bộ quyền hạn của tòa án này và với tư cách là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Nga có quyền có chỉ định một thẩm phán người Nga vào ban hội thẩm gồm 15 thành viên của tòa án. Trong khi đó, Ukraine cũng được phép lựa chọn một thẩm phán đặc biệt để tham gia quá trình hội thẩm vụ kiện này.

Năm 2008, ICJ đã thụ lý vụ Gruzia kiện Nga về cuộc xâm lược mà nước này tiến hành ở Nam Ossetia. Vụ kiện này, theo cựu thẩm phán Bruno Simma của ICJ, “đã gây ra nhiều tranh cãi”. Cũng tương tự những gì Ukraine đang làm, Gruzia khi đó đã viện dẫn CERD làm nền tảng cho các cáo buộc của mình.

Sau một cuộc bỏ phiếu, tòa ra một “phán quyết tạm thời” yêu cầu các bên kiềm chế bạo lực. Tuy nhiên, ban hội thẩm sau đó, được cho là đã nghiêng về phía Nga, và hủy bỏ cáo trạng với lý do không đủ thẩm quyền xử lý.

Cựu thẩm phán Simma cho rằng ICJ cũng có thể hành xử tương tự, bởi “thường sẽ rất khó để giải quyết các vụ việc có liên quan tới những nước lớn”.

Binh lính Ukraine tại trạm kiểm soát thuộc khu vực miền đông Lugansk. Ảnh: AFP/TTXVN

Với những cáo buộc về việc ngược đãi các cộng đồng thiểu số, CERD bao gồm một điều khoản kêu gọi tiến hành “các cuộc đàm phán nghiêm túc” giữa các bên trước khi đệ đơn lên ICJ. Tuy nhiên, hai bên chưa từng có cuộc gặp nào để thảo luận về vấn đề Crimea, không như những gì đã diễn ra liên quan tới cuộc chiến ở Donbass trước đó.

Theo ông Simma, quá trình xét xử có thể kéo dài tới 3 năm, và tòa có thể đưa ra “phán quyết tạm thời vào tháng 4 tới, sau đó là quyết định về thẩm quyền một năm sau đó. Sau hơn 1 năm, vụ kiện có thể bị gác lại, tuy nhiên ông Simma cho rằng Ukraine không phải là không có cơ hội và một phán quyết tạm thời cũng có thể coi là “thành công” đối với Ukraine.

Thực tế Kiev đang kỳ vọng lặp lại được những gì đã diễn ra cách đây 30 năm khi ICJ ra phán quyết cho rằng Mỹ đã vi phạm nhân quyền khi ủng hộ phe đối lập Contras lật đổ Chính phủ Nicaragua. ICJ quyết định rằng Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế và dù Mỹ không có bất kỳ khoản bồi thường nào song ông Simma cho rằng “đó là ván cờ lật ngược tài tình của một quốc gia nhỏ bé như Nicaragua”.

Sự kiện này đã khiến ICJ gia tăng đáng kể uy tín của mình với tư cách là một thể chế độc lập của LHQ. Mặc dù vậy, ông Simma cho rằng việc Ukraine có khả năng đạt được kết quả tương tự hay không là điều rất khó nói trước, bởi “tình hình hiện nay vô cùng phức tạp”.

TTK
Nga 'ra đòn' gì khi công nhận giấy tờ cấp tại Đông Ukraine?
Nga 'ra đòn' gì khi công nhận giấy tờ cấp tại Đông Ukraine?

Tổng thống Putin đã ra sắc lệnh cho phép các giấy tờ cấp tại Donbass (Đông Ukraine) được chính thức công nhận tại Nga. Tuy động thái này khác xa với việc công nhận một nhà nước, nhưng các chuyên gia chính trị tin rằng Moskva đang tìm cách gửi một thông điệp tới Kiev và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN