Nguyên thủ các nước SNG chụp ảnh tại một hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nga vừa thông qua Khái niệm mới trong Chính sách đối ngoại của mình. Điều này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê chuẩn đầu tháng 12. Báo Độc lập (Nga) ra ngày 6/12 gọi đây là "phiên bản thứ năm" của những khái niệm được đề cập trong chính sách đối ngoại của Nga.
Khái niệm mới này đã được phát triển và hoàn thiện trong suốt 1/4 thế kỷ qua, cũng vừa tròn quãng thời gian Nhà nước Liên Xô tự xóa tên mình trên bản đồ thế giới, tách ra thành các quốc gia độc lập. Ngoài việc gắn bó trong không gian hậu Xô viết với tên gọi SNG, các vấn đề còn lại cho thấy không phải mọi quốc gia thuộc Liên Xô đều giữ mối quan hệ mật thiết.
Đặc biệt, với vai trò kế thừa nhà nước Liên Xô cũ, nước Nga cũng không có trách nhiệm "ôm đồm" các nước cộng hòa cũ.
Tờ báo Nga cho rằng, suốt 25 năm qua, đến giờ Nga mới thấy sự cần thiết phải đề ra một cách gọi mới cho chính sách đối ngoại của mình, như vậy là quá muộn. Trong những năm gần đây, rõ ràng ngày càng xuất hiện nhiều hơn những biểu hiện cho thấy sự thiếu thống nhất trong những khái niệm chính trị thế giới đương đại.
Chính sách đối ngoại của Nga "phiên bản 5" lần này phản ánh rõ ràng cán cân quyền lực thế giới trong vài năm qua đang nghiêng hẳn về phía các quốc gia phương Tây, với vị thế ngày càng nổi trội, trong khi Nga chưa thể thiết lập một cơ chế chi phối.
Đặc biệt, chính sách đối ngoại mới của Nga nhấn mạnh "các nước phương Tây khao khát duy trì vị thế của họ bằng bất cứ giá nào, bao gồm cả việc áp đặt quan điểm trong quá trình toàn cầu hóa, cũng như thực thi chính sách ngăn chặn phát triển các trung tâm thay thế...", vốn cho phép kìm hãm sự độc tôn của bất cứ thế lực nào.
Khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Nga nhấn mạnh xu hướng chính trong giai đoạn phát triển thế giới hiện nay là cuộc tranh giành vai trò thống trị thế giới và gạch bỏ tính chất không thể thay thế của Liên Hợp Quốc - một trung tâm điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế.
Khẳng định ưu tiên quan hệ với các nước SNG, Liên bang Nga đặc biệt lưu ý mối quan hệ với NATO và Mỹ. Đương nhiên, Nga không hài lòng về sự mở rộng của NATO, cũng như việc các cơ sở hạ tầng của liên minh quân sự này tiến sát biên giới Nga, đồng thời với chính sách tăng cường hoạt động quân sự.
Nga khẳng định việc Mỹ và NATO thúc đẩy triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu (NMD) là mối đe dọa trực tiếp Nga và trên cơ sở đó khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả thích hợp. Nga cho rằng cách hành xử trong nhiều mối quan hệ hợp tác của phương Tây đang làm biến đổi cấu trúc toàn cầu, thậm chí tạo nên và tích lũy mâu thuẫn, xung đột.
Mong muốn của phương Tây hạn chế ảnh hưởng của Nga đã luôn tồn tại. Tuy nhiên, điều này ngày càng được thể hiện rõ trong thời gian gần đây. Các nước phương Tây không hài lòng với mong muốn của Nga theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập, cộng với tình hình thế giới có nhiều biến đổi, trước hết liên quan đến Ukraine, cuộc xung đột tại Syria, cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng...,cho thấy Nga cần khẩn trương đổi thay.
Và trong chính sách đối ngoại của mình, ưu tiên phát triển quan hệ với các nước SNG giờ đây có ý nghĩa không nhỏ, thậm chí còn rất quan trọng đối với Nga.