Theo tờ Business Insider, Saudi Arabia đã bác bỏ các bằng chứng cáo buộc các điệp viên nước này thủ tiêu nhà báo gốc Saudi Arabia, một người chỉ trích Thái tử Mohammed bin Salman.
Mặc dù Saudi Arabia có thể không gây sức ép lên thị trường năng lượng nếu bị phương Tây áp đặt trừng phạt, nhưng các nhà phân tích không loại trừ viễn cảnh đó.
Các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) nhận định: “Chúng tôi tin rằng lãnh đạo Saudi Arabia sẽ cực kỳ ngần ngại sử dụng phương án vũ khí dầu, vì như vậy uy tín là nhân tố trung tâm tin cậy, ổn định về dầu trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Có lẽ khả năng dễ xảy ra hơn là Saudi Arabia quyết định không tăng sản lượng dầu theo mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh sắp tới ngày trừng phạt ngành năng lượng Iran”.
Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong duy trì nguồn cung toàn cầu khi các biện pháp trừng phạt Iran mà Mỹ áp đặt sẽ có hiệu lực vào tháng tới.
Theo đề nghị của chính quyền ông Trump, Saudi Arabia trước đó đã nhất trí tăng sản lượng đáng kể đầu năm nay.
Các nhà phân tích RBC nhận định trong một báo cáo nghiên cứu: “Saudi Arabia giờ đây có thể hạn chế sản xuất dầu trong ngắn hạn – một lựa chọn chính sách có ý đồ”.
Mặc dù các nhà phân tích cho rằng Saudi Arabia có thể không đi xa tới mức cấm vận năng lượng nhưng chính phủ nước này đã từng sử dụng nguồn lực dầu để gây ảnh hưởng chính trị trước đó. Trong những năm 1970, một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã cắt giảm lượng dầu xuất khẩu sang Mỹ để phản đối việc Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur.
Xét tiền lệ trên, RBC cho rằng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng Saudi Arabia sẽ lặp lại kịch bản năm 1973 một khi quan hệ song phương với Mỹ xuống dốc nghiêm trọng từ vụ nhà báo mất tích.
Saudi Arabia và các thành viên OPEC khác đã giảm 1/4 tổng sản lượng dầu vào năm 1973, khiến khủng hoảng năng lượng bùng nổ toàn cầu. Giá dầu tăng gần gấp 4 lần, từ 3 USD/thùng năm 1972 lên 12 USD/thùng năm 1974. Tuy nhiên, sau khi không đạt được mục tiêu chính sách lớn, lệnh cấm vận và giảm sản lượng đã được dỡ bỏ.
Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa thuộc công ty Capital Economics, cũng nhất trí Saudi Arabia sẽ ngần ngại sử dụng vũ khí dầu ở thời điểm này. Tuy nhiên, bà cho rằng giá năng lượng có thể tăng gần gấp đôi lên 150 USD/thùng vào cuối năm 2018 nếu điều đó xảy ra. Giá dầu Brent hiện ở mức 81 USD/thùng.
Theo bà Bain, viễn cảnh này không phải là không thể vì nếu xảy ra, kịch bản Saudi Arabia cắt giảm sản lượng dầu sẽ xảy ra vào thời điểm sản lượng của Venezuela và Iran cũng giảm. Bà nhận định: “Giá dầu đã chứng tỏ nhạy cảm với những thay đổi nguồn cung trong năm nay, tăng gần 20% từ tháng 8 do lo ngại sản lượng giảm mạnh khi Mỹ áp đặt lại trừng phạt Iran”.
Cũng nhận định về hậu quả của việc áp đặt trừng phạt Saudi Arabia, trong một bài bình luận đăng ngày 14/10, ông Turki Aldakhil, Tổng giám đốc của kênh truyền hình Al Arabiya của Saudi Arabia, nhận định: Áp đặt trừng phạt Saudi Arabia sẽ gây ra thảm họa kinh tế làm rung chuyển toàn thế giới khi nước này giảm sản xuất dầu.
Ông Aldakhil viết: “Nếu giá dầu đạt 80 USD khiến Tổng thống Trump nổi giận, không ai có thể loại trừ khả năng giá dầu có thể nhảy vọt lên 100 USD hoặc 200 USD, hoặc thậm chí gấp đôi con số đó”.