Ngày 16/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trình bày bản "Kế hoạch Chiến thắng" trước Quốc hội Ukraine. Bản kế hoạch bao gồm 5 điểm chính thức và ba điểm "bí mật" chỉ được chia sẻ với một số đối tác nhất định. Đây sẽ là cầu nối hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai với Nga – ông Zelensky nói với các nhà lập pháp tại Kiev, khi ông đặt mục tiêu củng cố vị thế của Ukraine đủ để chấm dứt chiến tranh.
Cốt lõi trong kế hoạch của Tổng thống Zelensky là mong muốn của Ukraine về có được lời mời gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đây sẽ là tiền đề cho tư cách thành viên đầy đủ của NATO. Tuy nhiên, các đồng minh của Ukraine vẫn còn thờ ơ với mong muốn đó trong bối cảnh nước này vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Nga.
Kế hoạch cũng nêu rõ các điều khoản nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine, thực hiện gói răn đe chiến lược phi hạt nhân và phát triển nền kinh tế đất nước.
“Nếu chúng ta bắt đầu thực hiện Kế hoạch Chiến thắng này ngay bây giờ, chúng ta có thể kết thúc chiến tranh chậm nhất là vào năm tới”, ông Zelensky nói trong lời kêu gọi gửi đến các nhà lập pháp và quan trọng hơn là các đồng minh nước ngoài ủng hộ Ukraine.
Tổng thống Ukraine lần đầu tiên trình bày “Kế hoạch Chiến thắng” với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Nhà Trắng vào tháng 9. Chính quyền ông Biden đã ra lệnh tăng cường hỗ trợ bổ sung cho Ukraine trong chuyến thăm đó và công bố gói viện trợ 375 triệu USD, nhưng không đáp ứng yêu cầu của Kiev về việc cho phép tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Bình luận về bản kế hoạch của Ukraine, cùng ngày 16/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết một kế hoạch hòa bình thực sự sẽ yêu cầu Kiev phải "tỉnh táo" và nhận ra "sự vô ích của chính sách mà họ đang theo đuổi".
Sau đây là 5 nội dung chính của bản “Kế hoạch Chiến thắng”:
1. Lời mời gia nhập NATO
Tổng thống Zelensky cho biết, Ukraine cần lời mời gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vô điều kiện và ngay lập tức.
"Chúng tôi hiểu rằng tư cách thành viên NATO là vấn đề của tương lai, không phải hiện tại. Nhưng với lời mời này, Nga có thể thấy rằng các tính toán địa - chính trị của họ đang thất bại", ông Zelensky nói.
2. Tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine
Theo ông Zelensky, khả năng tự vệ của Ukraine phải được "tăng cường theo cách không thể đảo ngược".
Ông gợi ý một số cách để thực hiện mục tiêu này, bao gồm việc tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng, tăng cường năng lực phòng không, xóa bỏ các hạn chế về sử dụng vũ khí tầm xa tấn công các mục tiêu sâu bên trong Nga và tiếp tục các hoạt động quân sự của Ukraine trên lãnh thổ Nga.
Các đề xuất này được đưa ra khi Ukraine đang phải đối mặt với những thất bại ở tiền tuyến phía đông, với việc Nga tuyên bố có những bước tiến gia tăng ở khu vực Donetsk và tiếp tục tấn công các thành phố của Ukraine bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa. Ukraine đang tập trung chuẩn bị cho mùa đông, khi nước này phải đối mặt với các cuộc tấn công mới của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của mình.
Ông Zelensky cũng kêu gọi "các hoạt động phòng thủ chung với các nước láng giềng ở châu Âu để bắn hạ tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga trong phạm vi lá chắn không quân của các đối tác của chúng ta". Tuy nhiên, hồi tháng 7, Tổng thư ký NATO khi đó là Jens Stoltenberg đã từng dội gáo nước lạnh vào ý tưởng đó, nói rằng khối này sẽ không trở thành một phần của cuộc xung đột.
Ông Zelensky nhắc lại trong bài phát biểu công bố kế hoạch rằng Ukraine sẽ không chấp nhận "đóng băng" hoặc nhượng bộ "trao đổi lãnh thổ hoặc chủ quyền của Ukraine".
3. Khả năng răn đe
Nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng, các đồng minh phương Tây của Ukraine nên ngăn chặn Nga khỏi bất kỳ hành động gây hấn nào trong tương lai, bằng cách cho Moskva thấy rằng điều này sẽ gây ra hậu quả.
"Ukraine đề xuất đặt trên lãnh thổ của mình một hệ thống răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện, đủ sức bảo vệ Ukraine mọi mối đe dọa quân sự từ Nga", ông Zelensky nói ngày 16/10.
Ông lập luận rằng một biện pháp răn đe mạnh mẽ sẽ buộc Nga phải “tham gia một tiến trình ngoại giao trung thực để đưa chiến tranh đến hồi kết công bằng”, nếu không sẽ chắc chắn thua trong cuộc chiến.
Tổng thống Ukraine cũng cho biết, có một phụ lục bí mật cho phần này của kế hoạch, nhưng không tiết lộ chi tiết.
4. Tăng cường tiềm lực kinh tế chiến lược
Ông Zelensky đề xuất Ukraine ký kết một thỏa thuận với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh khác, cho phép đầu tư chung và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, mà ông Zelensky cho biết có giá trị hàng nghìn tỷ đô la.
"Những nguồn tài nguyên này bao gồm uranium, titan, lithium, than chì và các tài nguyên có giá trị chiến lược khác", ông nói.
5. Tăng cường sức mạnh NATO
Tổng thống Zelensky đề xuất rằng sau xung đột, lực lượng vũ trang của Ukraine có thể được sử dụng để tăng cường an ninh cho NATO và thay thế một số lực lượng Mỹ hiện đang đồn trú tại châu Âu.
"Cùng với các đối tác, chúng ta phải thay đổi hoàn cảnh để xung đột chấm dứt. Bất kể Nga muốn gì. Tất cả chúng ta cần thay đổi hoàn cảnh để Nga buộc phải chấp nhận hòa bình", ông Zelensky nhấn mạnh.
Sau hai năm rưỡi xung đột, bài phát biểu của ông Zelensky được kỳ vọng có thể thuyết phục công chúng Ukraine rằng giao tranh có thể sớm kết thúc, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người dân Ukraine tiếp tục đoàn kết khi những thách thức trên chiến trường ngày càng chồng chất.
"Chúng ta đã và đang đạt được kết quả nhờ vào sự đoàn kết của mình. Do đó, xin đừng đánh mất sự đoàn kết", ông nói.
Tuy nhiên, Ukraine đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trên chiến trường, cũng như một tương lai không chắc chắn khi cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 tới có thể đưa ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Cựu tổng thống đảng Cộng hòa đã cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột trước khi nhậm chức nếu ông thắng cử, một ý tưởng mà những người ủng hộ Kiev lo ngại có thể buộc Ukraine phải nhượng bộ với Nga.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, đồng minh chủ chốt của Kiev, tại Washington vào cuối tháng 9 để trình bày Kế hoạch Chiến thắng. Trong chuyến công du chớp nhoáng sau đó đến châu Âu, ông cũng đã gặp các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Italy và Đức để thảo luận về vấn đề này. Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông sẽ dự hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels vào ngày 17/10 và tiếp tục trình bày kế hoạch của mình.