Nếu dự thảo nghị quyết thất bại, điều các chuyên gia nhìn nhận gần như là chắc chắn, Mỹ đe dọa sẽ kích hoạt điều khoản khôi phục toàn bộ các lệnh cấm vận (snapback). Động thái mới của chính quyền Donald Trrump tại HĐBA cũng làm gia tăng hố sâu ngăn cách giữa Mỹ với các đồng minh phương Tây – số cho đến thời điểm này vẫn tiếp tục ủng hộ thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran, với tên đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Đánh giá về mục đích của Mỹ, Ilan Goldenberg, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) cho rằng Mỹ hiểu lệnh cấm vận sẽ không được gia hạn, nhưng đây sẽ là động lực để Mỹ tìm cách kích hoạt điều khoản về khôi phục cấm vận tức thời và phá hủy những gì còn lại của JCPOA.
Điểm mấu chốt hiện nay nằm ở Nghị quyết số 2231 năm 2015 về ủng hộ JCPOA – thỏa thuận mà chính quyền ông Trump đã đơn phương rút khỏi hồi năm 2018. Theo nghị quyết này, lệnh cấm vận xuất nhập khẩu vũ khí thông thường đến/đi từ Iran sẽ được dỡ bỏ vào ngày 18/10 tới.
Dự kiến, Mỹ sẽ đưa dự thảo nghị quyết gia hạn cấm vận vũ khí với Iran ra HĐBA trong tuần này. Hôm 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết đề xuất của Mỹ là hoàn toàn hợp lý, đồng thời đe dọa bằng cách này hay cách khác, Mỹ sẽ bảo đảm lệnh cấm vận phải được gia hạn. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc – hai cường quốc có quyền phủ quyết tại HĐBA, đã phản đối ý tưởng của Washington.
Trong tình cảnh gần như thất bại khi bỏ phiếu tại LHQ, ông Pompeo đe dọa sẽ sử dụng một chiến thuật khác: Vin vào việc Mỹ vẫn là bên tham gia vào JCPOA như định nghĩa trong Nghị quyết 2231. Dựa trên luận điểm này, Mỹ có quyền kích hoạt điều khoản khôi phục toàn bộ lệnh cấm vận chống Iran từng được áp dụng trước khi ký kết JCPOA. Thời điểm muộn nhất để Mỹ “kích hoạt” là ngày 17/10 tới, trước khi lệnh cấm vận vũ khí hết hiệu lực.
Lệnh cấm vận vũ khí nhận được sự ủng hộ của giới nghị sĩ lưỡng đảng tại Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Nhưng cách thức chính quyền Tổng thống Trump muốn tạo dựng hẫu thuẫn quốc tế để gia hạn lệnh này cũng lại khiến chính đồng minh châu Âu phật lòng.
“Những bên tham gia ký kết JCPOA còn lại không hẳn muốn dỡ bỏ cấm vận vũ khí chống Iran. Nhưng họ xem hành xử của ông Trump là bất tín và chỉ nhằm giết chết JCPOA”, Trita Parsi, Phó Chủ tịch điều hành Viện Quincy vì nền Điều hành trách nhiệm bày tỏ. Còn theo một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên, châu Âu nhìn chung ủng hộ cấm vận, nhưng không thích kiểu hành vi trừng phạt đơn phương mà Mỹ đang áp dụng với Iran.
Khi ông Pompeo nêu lý do cần gia hạn cấm vận trong bài phát biểu nhằm trực tiếp vào HĐBA hồi tháng 6, đại diện của Anh, Pháp, Đức đều bày thỏ thất vọng trước việc lệnh này hết hiệu lực cũng như việc Mỹ đe dọa kích hoạt khôi phục các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Đại sứ Đức tại LHQ Christoph Heusgen cho rằng, việc Mỹ rút khỏi JCPOA là điều đáng tiếc và bằng cách này Mỹ thực chất đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Giới phân tích nhận định, việc Mỹ kích hoạt phục hồi cấm vận tức thời có giết chết JCPOA hay không sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Iran. “Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào cách thức phản ứng của Iran. Tôi vẫn nghĩ là Tehran sẽ lớn tiếng phản đối, coi việc làm đó là phi pháp và họ vẫn có ý định quay trở lại thỏa thuận nếu như chính quyền tới đây tại Nhà Trắng có ý định như vậy, nhất là khi Iran có được sự ủng hộ to lớn từ Nga và Trung Quốc”, Barbara Slavin, Giám đốc Dự án Tương lai của Iran thuộc Hội đồng Đại Tây Dương bình luận.
Một nhà ngoại giao tại LHQ nêu kịch bản các nước thành viên sẽ không tái áp đặt trừng phạt Iran bất chấp nỗ lực của Mỹ. Theo đó, Mỹ có thể tìm cách đẩy LHQ áp đặt cấm vận bổ sung - như cơ chế phục hồi trừng phạt có đề cập. Nhưng nếu các nước thành viên không muốn thực thi điều đó, Mỹ sẽ không áp đặt được trừng phạt chống Iran.
Điều khoản “phục hồi cấm vận” trong 2015 được coi là một thắng lợi của Mỹ trong đàm phán, vì nó giúp Washington “lách” được quyền phủ quyết của Nga và Trung Quốc tại HĐBA.
Điều khoản có ba điểm chính: 1/ Bất kỳ bên tham gia JCPOA nào đều có quyền yêu cầu HĐBA thống nhất thông qua một dự thảo nghị quyết giữ nguyên cấm vận; 2/ Mỹ hay bất kỳ một ủy viên thường trực nào tại HĐBA đều có quyền phủ quyết một dự thảo nghị quyết như vậy; 3/ Nếu dự thảo nghị quyết không được thông qua, tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế có hiệu lực từ đầu năm 2015 trở về trước sẽ được khôi phục.