Người biểu tình Palestine ném đá vào lực lượng an ninh Israel, phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel tại thành phố Hebron, Khu Bờ Tây ngày 8/12/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đáng chú ý hơn khi tháng 5 cũng là thời điểm Israel kỷ niệm 70 năm lập nước và quyết định của Nhà Trắng có thể coi là động thái mang tính biểu tượng khẳng định quan hệ đồng minh khăng khít với Nhà nước Do Thái.
Tương tự như hồi tháng 12 năm ngoái khi tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, thông báo mới này của Washington đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của người dân và chính giới Palestine.
Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ông Saeb Erekat nói rằng động thái của Mỹ đã thể hiện "quyết tâm vi phạm luật pháp quốc của Washington", hủy hoại giải pháp hai nhà nước, kích động tình cảm của người dân Palestine cũng như toàn thể người Arab, người Hồi giáo và người Thiên chúa giáo trên toàn cầu. Quan chức phong trào Hồi giáo Hamas tại Gaza, nói rằng việc di chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem là lời tuyên bố chiến tranh chống lại người Palestine, chống lại thế giới Arab và Hồi giáo.
Jerusalem, với phần phía Đông bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967, lâu nay vẫn là một trong những chủ đề nhức nhối và gai góc nhất của vòng đàm phán hòa bình Trung Đông giữa người Palestine và người Israel, bởi người Palestine luôn muốn khu vực Đông Jerusalem là một phần lãnh thổ của nhà nước tương lai, trong khi Israel coi thành phố này là "thủ đô không thể chia cắt" của mình.
Hơn thế nữa, tại Đông Jerusalem còn có Thành cổ Jerusalem với quần thể tôn giáo Haram al-Sharif , một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Hồi giáo, nhưng người Do Thái cũng coi đây là thánh địa tôn kính nhất, nơi có những ngôi đền Do Thái giáo được ghi trong Kinh thánh, và gọi đây là Núi Đền.
Là nơi tọa lạc những địa điểm nhạy cảm và mang ý nghĩa biểu tượng cả về tôn giáo lẫn chính trị, được cả cộng đồng Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo coi là linh thiêng, mọi diễn biến liên quan tới Jerusalem đều có thể trở thành tâm điểm của những căng thẳng sắc tộc và tôn giáo giữa người Palestine với người Israel, giữa người Do Thái và người Arab.
Phân tích các lý do dẫn đến các quyết định khó hiểu này của Tổng thống Trump, ông Hugh Gusterson, Giáo sư ngành nhân chủng học và các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington, cho rằng chúng liên quan nhiều đến các hoạt động chính trị của Mỹ hơn là Israel.
Theo ông Hugh Gusterson, chính quyền Tổng thống Trump có quan hệ gần gũi với các nhóm vận động hành lang thân Israel hơn bất kỳ chính quyền tiền nhiệm nào. Đây là nguyên tắc chỉ đạo trong việc đưa ra chính sách của ông Trump, trái ngược với những gì cựu Tổng thống Barack Obama từng làm, và cộng đồng người Palestine phần lớn là người Hồi giáo.
Trong khi đó, chuyên gia Martin Quencez thuộc Viện Nghiên cứu German Marshall Fund nhận định có 2 yếu tố khiến Tổng thống Trump đưa ra quyết định trên. Trước hết là vì nhu cầu chính trị nội bộ rất quan trọng và tiếp đến là quyết tâm “đoạn tuyệt” với hầu hết chính sách của người tiền nhiệm Obama và những tổng thống trước đây. Quyết định về quy chế Jerusalem là một hành động “đoạn tuyệt” theo ý nghĩa này. Câu hỏi đặt ra ở đây là động cơ nào, lý do tiềm ẩn nào khiến ông chủ Nhà Trắng hành động như vậy.
Theo chuyên gia Quencez, động cơ đó chính là “chiến lược Trung Đông” của Tổng thống Trump ở toàn khu vực: Tái khẳng định quan hệ chiến lược truyền thống với các đồng minh trong vùng là Israel và Saudi Arabia. Tổng thống Trump bảo đảm với Israel rằng luôn có Mỹ "tiền hô hậu ủng", không những hậu thuẫn Israel mà còn ủng hộ các chính sách của Thủ tướng Benjamine Netanyahu. Cũng tương tự, chủ nhân Nhà Trắng cũng chứng tỏ với Riyadh rằng Mỹ luôn ủng hộ Saudi Arabia trong cuộc xung đột với Iran.
Đánh giá về các hậu quả tiềm tàng của quyết định di dời Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, bà Evgeniya Voyko, Phó Giáo sư ngành chính trị học tại Đại học Tài chính LB Nga, nhấn mạnh rằng điều này có thể dẫn tới các cuộc đụng độ và xung đột tại địa phương. Tình hình trong khu vực đã nhiều lần trở nên trầm trọng hơn từ trước đó, bởi vậy hậu quả có thể dự đoán được sẽ là sự phản ứng mạnh mẽ bằng vũ lực của Palestine.
Thực tế đã cho thấy ngay lập tức, đụng độ đã bùng phát tại Dải Gaza và Bờ Tây khi nhiều người Palestine xuống đường tham gia cuộc biểu tình hàng tuần phản đối lập trường của Tổng thống Trump về quy chế của Jerusalem. Các nguồn tin y tế, 25 người Palestine đã bị thương trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại Gaza. Giới chức y tế Palestine cho hay, ít nhất 20 người Palestine, chủ yếu tại Gaza, đã thiệt mạng trong khi tuần hành phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Trump kể từ hôm 6/12/2017 tới nay.
Và tình hình rối ren này được dự báo sẽ kéo dài trong những ngày tới. Rõ ràng, thông báo mới của chính quyền Tổng thống Trump tái khẳng định quan điểm của Washington về quy chế của Jerusalem đã tiếp thêm "lửa" cho khu vực luôn bất ổn này.