Mỹ đứng trước 3 lựa chọn cho tương lai Syria

Theo mạng tin "Syriacomment" ngày 23/6, sau khi quyết định ủng hộ phe đối lập Syria về mặt quân sự, Tổng thống Barack Obama sẽ buộc phải đưa ra các mục tiêu rõ ràng và giải thích tầm nhìn của mình về tương lai của Syria. Ông Obama sẽ buộc phải lựa chọn từ ba phương án rõ ràng sau:


Thứ nhất là giải pháp một nhà nước: Bảo tồn Syria như một nhà nước thống nhất. Điều đó có nghĩa là cung cấp đủ vũ khí cho phe đối lập theo Hồi giáo dòng Sunni tại Syria và hỗ trợ họ chinh phục các thành phố Hama, Homs và Damascus, cũng như đánh chiếm các khu vực của người Alawite và người Kurd. Kết quả tương tự cũng có thể đạt được bằng một thỏa hiệp chính trị, thông qua Hội nghị Geneva (Thụy Sĩ), nhưng một giải pháp thương thuyết dường như không thể đạt được. Nếu không có sự can thiệp của nước ngoài để áp đặt một giải pháp cho tất cả các bên, sẽ không có động cơ nào khiến chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad hay phiến quân vũ trang đối lập đưa ra những nhượng bộ nghiêm túc, có thể giảm bớt thẩm quyền của họ.


Hiện trường vụ đánh bom ở quận Mazzeh 86, trung tâm thủ đô Damacus, Syria ngày 23/6/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Thứ hai là giải pháp hai nhà nước: Chia Syria thành hai quốc gia, phù hợp với thực tế hiện nay. Điều này đơn giản là cung cấp hỗ trợ đủ cho phiến quân để ngăn chặn sự tấn công của quân đội Syria tại miền bắc và cho phép phiến quân hoàn toàn chiếm được Aleppo, Deir al-Zur và khu vực nông thôn ở xung quanh. Tuy nhiên, các lực lượng phiến quân hiện gồm hơn 1.000 người. Điều đó có nghĩa là phiến quân khó có thể kiểm soát ổn định miền bắc và đảm bảo an ninh cho những người sống ở đó. Nghiêm trọng hơn, phần lớn miền bắc Syria hiện đang bị các nhóm có liên hệ với al-Qaeda cai trị. Vì vậy, nếu lựa chọn giải pháp này, ông Obama sẽ buộc Mỹ phải đối phó với một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận: Chống lại các lực lượng của Tổng thống Assad tại miền nam và mặt trận kia chống lại nhóm Jabhat al-Nusra và các đồng minh của nhóm này ở phía đông Syria.


Thứ ba là giải pháp ba nhà nước: Chia Syria làm ba, theo sắc tộc của các nhóm chiến đấu lớn. Đây là giải pháp Balkan mà cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã theo đuổi khi chia Nam Tư thành 7 nước. Điều đó có nghĩa là tạo ra một nhà nước Alawite, một nhà nước Arập Sunni và một nhà nước Kurd. Một giải pháp như vậy có thể bị phiến quân và phần lớn cộng đồng quốc tế phản đối, và nếu thực hiện giải pháp này thì việc đưa Syria trở lại thống nhất như cũ sẽ là điều khó khăn.


Nếu Mỹ quyết định hỗ trợ những phiến quân Arập Sunni đi đến một thắng lợi hoàn toàn, Washington sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo rằng đa số người Arập Sunni sẽ không tiến hành việc thanh lọc các sắc tộc thiểu số của Syria. Chỉ một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế mới có thể đảm bảo ngăn chặn sự đổ máu không cần thiết. Nhiều người trong số những dân quân Arập Sunni được Mỹ vũ trang sẽ không do dự trong việc báo thù, hoặc tin rằng người Hồi giáo dòng Shi'ite không còn có chỗ tại Syria.

Nếu Tổng thống Obama mong muốn phiến quân chiếm Damascus, ông phải đảm bảo được rằng chiến sự sẽ không phá hủy thành phố này, như đã xảy ra đối với Aleppo. Nếu ông chỉ cung cấp cho phiến quân pháo, rốckét và các loại vũ khí hạng nhẹ khác, các cuộc chiến khốc liệt và giằng co trên từng đường phố sẽ khiến cho thủ đô Syria có khoảng 5 triệu dân bị san bằng. Một làn sóng người tị nạn lớn khác sẽ tràn khỏi Syria.


Ông Obama cho rằng chính sách cung cấp vũ khí của ông không hoàn toàn mới, mà chỉ là sự tiếp tục chính sách trước đây, theo đuổi một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, chính sách này không phù hợp với Syria bởi vì cả chính quyền Assad lẫn phiến quân đều không muốn, hoặc không có khả năng đưa ra những thỏa hiệp đau đớn cần thiết để giữ cho nước này thống nhất. Chính sách mới của Tổng thống Obama là "đơn thuốc" cho việc chia cắt Syria thành 2 - 3 quốc gia. Ông Obama đang nợ cả người dân Mỹ lẫn người dân Syria một tuyên bố rõ ràng về các đường biên giới tương lai của Syria và cách ông giúp phiến quân Syria xây dựng một "chính phủ Syria ổn định, phi đại diện sắc tộc, có khả năng giải quyết những nhu cầu của người dân thông qua các tiến trình hòa bình".


Thanh Hoa (Phóng viên TTXVN tại Canada)


Các nước chuyển xe quân sự hạng nặng cho phe đối lập Syria
Các nước chuyển xe quân sự hạng nặng cho phe đối lập Syria

Báo "A-Sharq" của Arập Xêút ngày 23/6 đưa tin Gioócđani đã cho phép chuyển qua lãnh thổ nước này một lô hàng xe quân sự hạng nặng cho lực lượng đối lập ở Syria.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN