Mỹ đảo ngược chính sách về châu Âu

Mỹ có còn là "lá chắn" bảo vệ lục địa già? Những tín hiệu mới từ chính quyền Trump đang khiến châu Âu lo lắng về tương lai của NATO và an ninh khu vực.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 20/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tạp chí The Atlantic ngày 31/3, trong suốt nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu dường như là một trụ cột vững chắc của "trật tự thế giới tự do". Tuy nhiên, những diễn biến gần đây, đặc biệt là dưới thời chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump, đã cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong cách Washington nhìn nhận về vai trò của mình trong việc bảo vệ "lục địa già". Từ những lời chỉ trích gay gắt về gánh nặng chi phí quốc phòng cho đến sự xích lại gần hơn với đối thủ Nga, Mỹ dường như đang đánh giá lại các cam kết an ninh truyền thống của mình đối với châu Âu.

Sự rạn nứt trong quan hệ này không phải là không có những tranh cãi. Các nước đồng minh ở châu Âu và những người chỉ trích họ ở Mỹ có những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về lý do tại sao châu lục này lại phụ thuộc vào sự bảo vệ quân sự của Washington. Từ quan điểm của Mỹ, đặc biệt là dưới thời chính quyền Trump, châu Âu bị coi như những "kẻ ăn bám", đã lợi dụng sự hào phóng của Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Họ cho rằng Mỹ đã phải gánh chịu chi phí quốc phòng cho châu Âu, trong khi các quốc gia như Đức và Pháp lại tận hưởng các hệ thống phúc lợi xa hoa, chế độ nghỉ hưu sớm và một cuộc sống an nhàn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth, trong nhóm chat bị rò rỉ trên Signal - có thành viên gồm cả Phó Tổng thống JD Vance, thậm chí còn bày tỏ sự phản đối với tình trạng "ăn bám" này, gọi đó là "thảm hại".

Ngược lại, các nhà lãnh đạo châu Âu tin rằng các quốc gia của họ đã tận tâm tuân theo sự chỉ đạo của Mỹ về các vấn đề địa chính trị trong suốt 80 năm qua. Hàng trăm triệu người châu Âu đã hoàn toàn tin tưởng vào sự bảo vệ của Washington, coi Mỹ là "người chăm sóc, bảo vệ và thậm chí là người suy nghĩ thay cho họ". Phần lớn người châu Âu hiện tại chưa từng biết đến bất kỳ sự sắp xếp an ninh nào khác ngoài liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo – NATO. Viễn cảnh NATO tan rã đã gây ra sự lo lắng sâu sắc cho nhiều người ở châu Âu, khiến họ dường như mất khả năng tự mình suy nghĩ về an ninh của lục địa.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại đòi hỏi châu Âu phải sớm đối mặt với khả năng đó. Cam kết của Mỹ đối với việc phòng thủ châu Âu không còn đơn thuần dựa trên hiệp ước NATO, mà còn phụ thuộc vào sự đồng thuận chính trị giữa những người Mỹ rằng "một châu Âu tự do và dân chủ phục vụ lợi ích của họ". Trong Chiến tranh Lạnh và giai đoạn mở rộng NATO sau đó, các tổng thống Mỹ thuộc cả hai đảng đều kiên định bảo vệ lục địa này, một chính sách đã mang lại thành công rực rỡ khi tự do và dân chủ lan rộng khắp Đông Âu.

Ngày nay, chính quyền Tổng thống Trump, vốn đang chi phối Đảng Cộng hòa, công khai bày tỏ sự hoài nghi đối với một châu Âu tự do. Thậm chí, trong nhóm chat trên Signal, Phó Tổng thống Vance còn ngụ ý rằng châu Âu sẽ được hưởng lợi một cách không cân xứng từ một cuộc tấn công của Mỹ vào lực lượng Houthi ở Yemen. Đáng chú ý hơn, việc Phó Tổng thống Mỹ gần đây đến thăm Greenland, một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm giành lại hòn đảo này từ Đan Mạch – một thành viên lâu năm của NATO – càng làm dấy lên những lo ngại về sự thay đổi trong chính sách của Mỹ.

Sau nhiều thập kỷ đóng vai trò là người bảo vệ châu Âu trước mối đe dọa từ Nga, Mỹ dường như đã đột ngột từ bỏ các cam kết trong quá khứ. Chính quyền Trump đã cắt viện trợ vũ khí và thông tin tình báo cho Ukraine vào những thời điểm quan trọng. Thậm chí, Tổng thống Trump dường như còn đang giúp Nga thoát khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đã được áp dụng sau cuộc xung đột ở Ukraine. 

Trong tình hình này, câu hỏi then chốt là liệu các nhà lãnh đạo châu Âu có thể vượt qua sự phụ thuộc về mặt cảm xúc vào Mỹ hay không. Họ đã "thuê ngoài" tư duy chiến lược của mình trong một thời gian quá dài, thậm chí có thể nói là đã hy sinh lòng tự trọng, đến mức họ dường như không còn biết cách tự bảo vệ lục địa của mình nữa.

Trong khi Washingotn ngày càng xích lại gần Moskva, các nhà lãnh đạo Châu Âu vẫn tiếp tục nuôi hy vọng rằng họ có thể xây dựng cầu nối với Nhà Trắng và duy trì liên minh Đại Tây Dương thêm một vài năm nữa.

Những người lạc quan có thể hy vọng rằng dù Tổng thống Trump có gây ra bao nhiêu nguy hiểm, ông cũng chỉ nắm quyền trong một thời gian giới hạn, và sự đoàn kết của NATO có thể được khôi phục sau khi ông rời nhiệm sở.

Tuy nhiên, khả năng Đảng Cộng hòa hậu Trump quay trở lại quan điểm ủng hộ liên minh Đại Tây Dương là bao nhiêu vẫn còn là một dấu hỏi lớn, đặc biệt khi nhìn vào những bình luận của Phó Tổng thống Vance, người có khả năng là người kế thừa di sản chính trị của Tổng thống Trump.

Ngay cả khi Đảng Dân chủ giành lại quyền lực, họ cũng khó có thể khắc phục những vấn đề mà chính quyền Trump gây ra. Châu Âu cần bắt đầu đối mặt với tương lai, thay vì cố gắng quay lại một quá khứ có lẽ đã không còn nữa.

Một vài tuần trước, tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã đề cập đến sự cần thiết của việc châu Âu phải độc lập hơn về mặt an ninh đối với Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã đưa ra một quan điểm tương tự khi thảo luận về khả năng gửi lực lượng châu Âu đến Ukraine mà không cần sự giúp đỡ của Mỹ nếu cần thiết.

Nhưng châu Âu cần phải hành động chứ không chỉ dừng lại ở lời nói. Lục địa này đã không đầu tư đủ vào quốc phòng của chính mình trong hơn 30 năm qua, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các chính phủ châu Âu cần tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Họ cũng cần sử dụng nguồn lực của mình một cách hiệu quả hơn. Không phải quốc gia châu Âu nào cũng cần tự sản xuất xe tăng hoặc xe bọc thép chở quân. Việc hợp lý hóa và củng cố sản xuất vũ khí và vật tư sẽ là một kỹ năng sinh tồn quan trọng trong dài hạn.

Tóm lại, sự phụ thuộc quá mức của châu Âu vào Mỹ đã khiến lục địa này rơi vào tình thế khó khăn. Giờ đây, châu Âu có cơ hội để xây dựng lại tư duy chiến lược và năng lực của mình, học lại cách bảo vệ tự do và quyền tự do của chính mình. 

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Đàm phán về khoáng sản đất hiếm thúc đẩy đối thoại chính trị Nga - Mỹ?
Đàm phán về khoáng sản đất hiếm thúc đẩy đối thoại chính trị Nga - Mỹ?

Moskva và Washington đang cân nhắc hợp tác khai thác khoáng sản đất hiếm, mở ra cơ hội cải thiện quan hệ hai nước. Liệu thỏa thuận này có thể giúp giảm căng thẳng chính trị?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN