Truyền thông Ấn Độ đang dành nhiều thời lượng đưa tin và bình luận về chuyến thăm Ấn Độ của Nhật Hoàng Akihito cùng Hoàng hậu Michiko từ ngày 30/11-6/12. Theo lịch trình, lễ đón chính thức Nhật Hoàng sẽ diễn ra vào ngày mai, 2/12 tại Dinh Tổng thống Ấn Độ, tiếp đó là các hoạt động chính của chuyến thăm, bao gồm cuộc gặp với Tổng thống Pranab Mukherjee và Thủ tướng Manmohan Singh. Ngày 5/12, Nhật Hoàng và Hoàng hậu sẽ tới thành phố Chennai, thuộc bang Tamil Nadu, để tham dự các hoạt động từ thiện như thăm Quỹ Kalakshetra và Công viên Trẻ em.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko được Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và phu nhân đón tại sân bay New Delhi. Ảnh: India Times
|
Theo đánh giá chung của báo chí Ấn Độ, chuyến thăm của Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình xây dựng quan hệ đối tác chiến lược dựa trên nền móng kinh tế vững chắc giữa Tokyo và New Delhi. Trong nhiệm kỳ Thủ tướng năm 2006, ông Shinzo Abe đã tuyên bố quan hệ Ấn-Nhật có tiềm năng vượt quan hệ Nhật-Mỹ. Phát biểu tại Hội đồng Ấn Độ về các Vấn đề Thế giới (ICWA) khi tới thăm Ấn Độ năm 2011, Thủ tướng Abe từng khẳng định: “Thành công của Ấn Độ là điều quan tâm nhất của Nhật Bản và thành công của Nhật Bản là điều quan tâm nhất của Ấn Độ”.
Báo “The Indian Express” ngày 30/11 đã đăng phụ trương nêu bật tầm quan trọng của chuyến thăm Ấn Độ của Nhật Hoàng. Theo đánh giá của “The Indian Express”, việc Nhật Hoàng trở lại thăm Ấn Độ sau 5 thập niên thể hiện một động lực mới trong quan hệ giữa New Delhi và Tokyo. Đây là chuyến thăm chính thức Ấn Độ đầu tiên của Nhật Hoàng Akihito, dù trong thập niên 60 của thể kỷ 20, ông cũng đã tới thăm Ấn Độ lúc còn là Thái tử.
Sau giai đoạn 1990-2000 với nền kinh tế trì trệ, dân số lão hóa và căng thẳng với láng giềng, Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bị gạt ra bên rìa châu Á. Trung Quốc đã “soán ngôi” của Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn nhất tại châu Á, và ngày càng tỏ ra quyết liệt hơn trong các tranh chấp lãnh thổ với Tokyo. Trong khi vẫn duy trì liên minh với Mỹ, Nhật Bản mong muốn đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược và đã tích cực hơn trong quan hệ với Ấn Độ, Nga, Việt Nam, Indonesia, và Australia.
Không giống như một số nước láng giềng châu Á thường thận trọng với Nhật Bản, New Delhi không có tranh cãi, tranh chấp lịch sử hay mâu thuẫn gì khác với Tokyo. Trong toàn bộ khu vực Đông Á rộng lớn, Nhật Bản và Ấn Độ có sự hội tụ lợi ích chiến lược ngày càng tăng. Chuyến thăm kéo dài gần một tuần của Nhật Hoàng và Hoàng hậu có thể là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Ấn-Nhật, tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và an ninh giữa hai nền dân chủ hàng đầu châu Á.
Các chuyến thăm nước ngoài của Nhật Hoàng thường được tính toán rất thận trọng và được coi là một phần quan trọng trong nghệ thuật ngoại giao của Tokyo. Người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin nói: “Chuyến thăm của Nhật Hoàng sẽ mở rộng và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Nhật. Bên cạnh lĩnh vực kinh tế và thương mại, chuyến thăm sẽ góp phần nâng cấp vị thế của Ấn Độ trong tình cảm của người dân Nhật Bản”.
Một quan chức thuộc Đại sứ quán Nhật Bản tại Ấn Độ nói rằng trong khi sự hiện diện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Ấn Độ đang tăng mạnh, chuyến thăm của Nhật Hoàng sẽ góp phần thắt chặt mối quan hệ vốn đã tồn tại tốt đẹp giữa hai nước. Trước chuyến thăm của Nhật Hoàng, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cử một tùy viên không quân và một tùy viên hải quân tới Ấn Độ. Được biết, Nhật đã có tùy viên lục quân tại New Delhi.
Hiện Nhật Bản là nguồn cung cấp viện trợ lớn nhất của Ấn Độ và đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ các dự án phát triển hạ tầng của nước này, như hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai, dự án đường sắt và tàu điện Bangalore, và hành lang vận chuyển hàng hóa phía Tây.
TTK