Theo DW, một số quốc gia, dẫn đầu là Mỹ và Anh, đã đồng ý mua hàng trăm triệu liều vaccine ngay cả khi chúng chưa được phê duyệt. Đa số những nước này đang xúc tiến các thỏa thuận mua trước với một số công ty dược phẩm nhằm đảm bảo sở hữu ít nhất một loại vaccine thành công càng sớm càng tốt trong năm nay.
Cho đến nay, vaccine COVID-19 đang được phát triển bởi công ty dược phẩm AstraZeneca (của Anh – Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) giành được những hợp đồng lớn nhất.
Thỏa thuận mua trước vaccine là gì?
Thỏa thuận mua trước vaccine (APA) hay Cam kết thị trường trước (AMC) là những thỏa thuận mà các chính phủ, tổ chức quốc tế, các công ty tư nhân hoặc công ty bảo hiểm đạt được với các nhà sản xuất dược phẩm để mua một số lượng đáng kể liều vaccine ngay cả trước khi chúng sẵn sàng. Mục đích của APA là nhằm khuyến khích các công ty dược sản xuất một số lượng vaccine mà họ cảm thấy có thể không đủ lợi nhuận hoặc thị trường không đủ lớn. Các thỏa thuận APA mang lại cho nhà sản xuất vaccine sự đảm bảo và an toàn để đầu tư, nghiên cứu và phát triển cũng như mở rộng quy mô sản xuất vaccine.
APA đặc biệt quan trọng với các quốc gia nghèo, thường chứng kiến những người khổng lồ dược phẩm tập trung nguồn lực sang hướng khác trong lúc dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát tại đất nước họ. Việc mua vaccine trước của các chính phủ và tổ chức quốc tế cũng giúp hạ giá thành sản phẩm.
Nhưng thuật ngữ APA lại khác nhau tùy theo từng thỏa thuận. Trong đa số trường hợp thì việc thanh toán cho các công ty vaccine phụ thuộc vào thành công của loại vaccine đó – như hầu hết thỏa thuận mua vaccine COVID-19 gần đây của các chính phủ. Cũng có trường hợp quy định khoản đầu tư không phụ thuộc vào thành công trên lâm sàng của vaccine, khi đó nếu vaccine không được cấp phép thì cả nhà tài trợ và nhà sản xuất đều mất tiền.
Ngoài ra, một số quốc gia và tổ chức, như Mỹ và Liên minh Vaccine Gavi (có trụ sở tại Geneva), còn đang đầu tư vào cái gọi là “sản xuất vaccine COVID-19 rủi ro”, có nghĩa là họ rót tiền cho các nhà sản xuất dược phẩm để bắt đầu sản xuất hàng loạt vaccine ngay từ khi chúng còn đang được đánh giá trong các thử nghiệm lâm sàng.
“Nếu chúng tôi không thực hiện ‘sản xuất rủi ro’, thì vaccine thành công trong các thử nghiệm lâm sàng sẽ mất một khoảng thời gian trì hoãn dài (có thể gần 1 năm) từ thời điểm thử nghiệm thành công đó đến khi sản xuất quy mô”, phát ngôn viên của Gavi cho biết.
Quá trình phát triển và sản xuất vaccine thường diễn ra tuần tự, có thể mất trung bình từ 7-20 năm để một loại vaccine được phát triển và mở rộng quy mô để sử dụng rộng rãi. Nhưng Gavi hy vọng các khoản thanh toán trả trước sẽ giúp giảm khung thời gian phát triển vaccine COVID-19 xuống còn 12-18 tháng bằng cách đảm bảo các nguyên liệu thô và khởi động quy mô sản xuất lớn vaccine ngay trong quá trình phát triển.
Những quốc gia nào đã mua trước vaccine COVID-19?
Cho đến nay, Mỹ là nước quyết liệt nhất trong ký các thỏa thuận mua trước vaccine COVID-19. Đất nước đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch đã cam kết gần 10 tỉ USD để mua ít nhất 700 triệu liều vaccine.
Số tiền đó bao gồm 1,2 tỷ USD cho ít nhất 300 triệu liều vaccine của AstraZeneca, 1,5 tỷ USD cho 100 triệu liều vaccine mRNA-1273 của Moderna, 1,9 tỷ USD cho 100 triệu liều từ Pfizer và công ty khởi nghiệp BioNTech của Đức, 2,1 tỷ USD cho 100 triệu vaccine do Sanofi và GlaxoSmithKline (GSK) sản xuất, và 1,6 tỷ USD cho 100 triệu liều từ công ty công nghệ sinh học Novavax (bang Maryland, Mỹ).
Anh là nước tiếp theo. Quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu đã đạt thỏa thuận đảm bảo ít nhất 250 triệu liều vaccine từ các nhà sản xuất Sanofi - GSK, Pfizer-BioNTech và AstraZeneca. Số liều vaccine này cao gần gấp 4 lần dân số 66 triệu người của Anh, và nguyên nhân là do sự không chắc chắn về loại vaccine thử nghiệm nào sẽ hiệu quả.
Dù tham gia “cuộc đua” muộn, nhưng Liên minh Châu Âu cũng đã cam kết mua ít nhất 300 triệu liều vaccine COVID của AstraZeneca trong thỏa thuận mua trước đầu tiên của mình. EU hiện đang đàm phán với Johnson & Johnson, Sanofi - GSK, Pfizer và Moderna về các loại vaccine đang được phát triển. Hôm 20/8, Ủy ban châu Âu cho biết họ đang đàm phán nâng cao với Curevac về mua 225 triệu liều vaccine do công ty này sản xuất.
Một số quốc gia giàu có khác, như Nhật Bản và Australia, cũng đã ký kết các giao dịch mua trước. Tokyo nhận đảm bảo 120 triệu liều vaccine COVID-19 từ Pfizer và BioNTech, trong khi Canberra đồng ý mua vaccine của AstraZeneca.
Trong khi đó, Trung Quốc cho đến nay dường như đang trông đợi hoàn toàn vào các loại vaccine sản xuất trong nước, với ít nhất 3 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Nga thì đã phê duyệt vaccine COVID-19 được phát triển trong nước có tên Sputnik V ngay từ trước khi hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 với hàng nghìn người tham gia. Nhưng điều đó không ngăn cản nhiều chính phủ đăng ký mua vaccine của Nga, trong đó có Việt Nam. Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc qũy đầu tư tài trợ phát triển Sputnik V, cho biết hiện đã có đơn đặt hàng trước cho 1 tỷ liều vaccine này từ khoảng 20 quốc gia.
Lo ngại về chủ nghĩa dân tộc vaccine
Việc các nước giàu có tích cực đạt các thỏa thuận để đảm bảo vaccine cho người dân của họ đã dẫn đến lo ngại rằng các quốc gia nghèo hơn có thể bị bỏ lại phía sau. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần phản đối cách tiếp cận “nước tôi trước” (My Nation First) này.
"Chủ nghĩa dân tộc vaccine là không tốt, nó sẽ không giúp ích gì cho chúng ta”, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố hồi đầu tháng 8. “Để thế giới phục hồi nhanh hơn, chúng ta phải cùng nhau phục hồi, bởi đây là một thế giới toàn cầu hóa, các nền kinh tế gắn kết với nhau. Một phần hoặc một vài quốc gia sẽ không thể là nơi trú ẩn an toàn”.
“Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người”
Link tải về ứng dụng Bluezone: trên
Android; trên
iOS
Xem hướng dẫn cài Bluezone
tại đây