Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải) ký thỏa thuận an ninh tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 27/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo Telegraph (Anh) ngày 24/2, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine, một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao Moskva lại không phản đối việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU), trong khi họ kiên quyết ngăn cản Kiev trở thành thành viên của NATO. Câu trả lời không chỉ nằm ở chiến lược ngắn hạn của Nga mà còn liên quan đến những mục tiêu dài hạn của Điện Kremlin trong việc tái định hình quan hệ với phương Tây.
Sự nhượng bộ có tính toán
Trong các cuộc đàm phán gần đây, Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ phản đối việc Ukraine gia nhập NATO và sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, Moskva lại tỏ ra cởi mở hơn với việc Ukraine trở thành thành viên EU. Theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, việc Ukraine gia nhập EU là "quyền tự quyết" của quốc gia này. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao Nga lại không phản đối?
Theo các chuyên gia, việc Nga không phản đối Ukraine gia nhập EU có thể xuất phát từ chiến lược lớn hơn của Moskva – tái hòa nhập với phương Tây sau nhiều năm bị cô lập. Mark Galeotti, Giám đốc tổ chức tư vấn Mayak Intelligence, cho rằng Nga nhận thức rõ rằng việc Ukraine gia nhập EU có thể tạo cơ hội cho Nga tái thiết lập ảnh hưởng của mình tại châu Âu.
Một trong những lý do chính khiến Nga không phản đối Ukraine gia nhập EU là vì điều này có thể mang lại lợi ích kinh tế và chính trị cho Moskva. Nếu Ukraine trở thành thành viên EU, Nga có thể sử dụng các vùng lãnh thổ đã sáp nhập như Donetsk và Luhansk để thiết lập lại quan hệ thương mại với EU thông qua Ukraine. Emily Ferris, nhà phân tích cấp cao về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định rằng điều này sẽ giúp Nga tiếp cận thị trường EU một cách gián tiếp.
Một ví dụ điển hình là Transnistria, khu vực ly khai của Moldova, vốn có quan hệ chặt chẽ với Nga. Hơn 80% hàng xuất khẩu của Transnistria là đến các nước EU và Moldova, cho phép Nga có một "cửa sau" vào thị trường châu Âu. Nếu thiết lập tương tự được áp dụng ở các vùng lãnh thổ do Nga sáp nhập của Ukraine, Moskva có thể hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường EU mà không cần phải tham gia trực tiếp.
Gia tăng căng thẳng trong EU
Tuy nhiên, việc Ukraine gia nhập EU cũng có thể gây ra những hệ lụy kinh tế và chính trị nghiêm trọng trong nội bộ khối này. Ukraine là một trong những nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới, và việc gia nhập EU có thể khiến giá nông sản giảm mạnh, gây bất lợi cho nông dân các nước thành viên như Ba Lan, Slovakia và Hungary. Trong năm qua, nông dân Ba Lan đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối việc nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine, làm giảm thu nhập của họ.
Ngoài ra, EU sẽ phải đối mặt với áp lực tài chính lớn khi hỗ trợ Ukraine tái thiết sau xung đột. Theo ước tính, Ukraine có thể phải chuyển giao 500 tỷ USD tài nguyên đất hiếm cho Mỹ để đổi lấy viện trợ quân sự. Điều này sẽ làm gia tăng gánh nặng tài chính cho EU, dẫn đến những tranh cãi và chia rẽ nội bộ.
Việc Nga không phản đối Ukraine gia nhập EU có thể là một chiến lược có tính toán. Moskva nhận thức rõ rằng việc Ukraine trở thành thành viên EU có thể mang lại những lợi ích kinh tế và chính trị cho Nga. Trong khi việc gia nhập NATO của Ukraine được coi là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga, thì việc gia nhập EU lại ít nguy hiểm hơn và thậm chí có thể trở thành một cơ hội để Moskva tái thiết lập ảnh hưởng của mình tại châu Âu.
Như chuyên gia Galeotti nhận định: "Khi Nga nói rằng 'Chúng tôi không phản đối' – thì 'quả bóng' hoàn toàn nằm trong chân người châu Âu" và trong tình huống này, Nga sẽ không ngần ngại khai thác mọi cơ hội để đạt được lợi thế chiến lược của mình.