Theo mạng tin “asiacorrespondent” ngày 7/11, trận lũ nghiêm trọng nhất trong hơn 50 năm qua tại Thái Lan đe dọa sẽ xóa sạch sự ủng hộ của dân chúng đối với vị nữ thủ tướng đầu tiên của nước này.
Cảnh ngập lụt tại Băng cốc ngày 6/11. AFP-TTXVN |
Trận “hồng thủy” kéo dài từ giữa tháng 7 đến nay, hiện vẫn gây ngập lụt tại nhiều khu vực thuộc 24 tỉnh và đe dọa nhấn chìm nội đô Băngcốc, đã gây ra những hậu quả khôn lường. Tính đến ngày 6/11, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 506 người, làm 2 người mất tích và 3,1 triệu người bị ảnh hưởng. Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) ngày 6/11 ước tính thiệt hại kinh tế sẽ lớn hơn nhiều so với dự báo giảm 1,5% GDP trước đó, vì thiệt hại lớn từ các dây chuyền sản xuất - kinh doanh và các thiệt hại gián tiếp khác khó có thể tính hết.
Công bằng mà nói, nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong đối phó với trận lũ quá nghiêm trọng hiện nay là do nhiều chính phủ kế tiếp nhau tại Thái Lan đã xem nhẹ các cảnh báo về biến đổi khí hậu và lơ là phòng ngừa thiên tai. Giờ đây Thủ tướng Yingluck Shinawatra trở thành tâm điểm của mọi chỉ trích và trận lũ này đang gây nhiều tổn hại chính trị đối với bà. Có lẽ bà Yingluck đã sai lầm về sách lược khi quá chú trọng tìm cách làm chậm dòng chảy của hàng tỷ mét khối nước để bảo vệ thủ đô Băngcốc nhưng lại làm chậm tốc độ thoát lũ khỏi các tỉnh miền trung và đông bắc. Động thái này nhằm cứu tầng lớp giàu có và trung lưu ở thủ đô, những người đã bỏ phiếu cho đảng Dân chủ đối lập trong cuộc bầu cử tháng 7 vừa qua, trong khi lại buộc đông đảo người dân nghèo ở nông thôn từng bỏ phiếu ủng hộ chính phủ của bà phải kéo dài thời gian sống chung với lũ.
Ngoài lý do Băngcốc là trung tâm chính trị và kinh tế lớn của cả nước, nỗ lực cứu thủ đô của bà Yingluck còn nhằm giành giật sự ủng hộ của cử tri tại đây với hy vọng trong cuộc bầu cử tương lai, đảng Puea Thai sẽ thoát khỏi tình trạng trắng tay khi không giành nổi một ghế nghị sỹ tại Băngcốc trong cuộc bầu cử vừa qua.
Thế nhưng ngay tại mặt trận Băngcốc, bà Yingluck cũng đang đứng trước nguy cơ thất bại khi dòng nước lũ, hiện đã nhấn chìm toàn bộ 11 quận huyện và gây ngập lụt cục bộ tại 8 quận huyện khác trong tổng số 50 quận huyện của thủ đô, vẫn tiếp tục tiến gần hơn tới các quận trung tâm.
Ngoài nguyên nhân là sự cuồng bạo của nước lũ cũng như việc các cộng đồng dân cư ngoại ô không chấp nhận chịu lũ thay cho nội đô đã tự động phá đi nhiều đoạn trên vành đai ngăn lũ khiến nước lũ tràn vào nội đô, thất bại của bà Yingluck trong kế hoạch thoát lũ qua vùng ngoại ô phía đông và phía tây thủ đô còn do thái độ bất hợp tác của chính quyền thành phố Băngcốc do đảng Dân chủ kiểm soát. Đảng Dân chủ và các đối thủ chính trị đã triệt để tận dụng trận lũ này cũng như yếu kém của chính phủ để phát động chiến dịch tuyên truyền chống lại bà và đảng Puea Thai. Vì hàng triệu người dân ở các tỉnh miền trung và đông bắc ngày càng phẫn nộ trước việc chính phủ làm chậm tốc độ thoát lũ, nên thất bại trong nỗ lực cứu Băngcốc sẽ khiến bà Yingluck “xôi hỏng, bỏng không”.
Trận “đại hồng thủy” có thể sẽ kết thúc vào đầu tháng 12 tới nhưng hậu quả để lại không chỉ là tổn thất nặng nề về người và của. Chính phủ của bà Yingluck sẽ phải mất nhiều tháng làm việc và vay thêm hàng chục tỷ USD để khắc phục hậu quả. Với luật về mức nợ công không quá 60% GDP trong khi mức nợ công hiện nay là 41% và với chính sách thắt chặt tài khóa của BOT nhằm kiềm chế lạm phát, việc huy động một nguồn tài chính lớn để khắc phục thiên tai có thể sẽ làm đình trệ hàng loạt chính sách dân túy mà bà Yingluck hứa hẹn với cử tri. Bên cạnh đó, lũ rút cũng là lúc bà phải đối mặt với thách thức duy trì sự ổn định của chính phủ liên minh khi phe đối lập đẩy mạnh công kích và nội bộ chính phủ nảy sinh tranh cãi về trách nhiệm trong ứng phó lũ lụt.
Xuân Trọng (P/v TTXVN tại Thái Lan)