Liệu Cuba có trở lại IMF và WB?

Theo tờ "Havana Times", giữa tháng 7/2015, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Carlos Gutiérrez khẳng định nước này nên đóng góp vào việc Cuba tái hội nhập vào các tổ chức kinh tế đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ.

Trong một bài báo mới đây, cựu Giám đốc Điều hành của IMF Héctor Torres cũng nhận định: “Giờ đây khi Mỹ đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba, dường như việc hòn đảo này tham gia hai thể chế (IMF và WB) chỉ còn là vấn đề thời gian”. Cũng trong tháng này, Hội đồng Đại Tây Dương đã công bố trên trang chủ của mình nghiên cứu mang tên “Tái hội nhập kinh tế của Cuba: bắt đầu với những thể chế tài chính quốc tế” của học giả Cuba Pavel Vidal và cựu quan chức IMF Scott Brown.

Khi Mỹ đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba, việc Cuba tái hội nhập IMF và WB chỉ là vấn đề thời gian? Ảnh: THX/TTXVN


Cũng chỉ vài tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa “hòn đảo tự do” ra khỏi “danh sách đen” về buôn người do Washington tự lập ra. Văn bản này quy định Tổng thống phải chỉ thị cho các đại diện của Mỹ tại các thể chế tài chính quốc tế bỏ phiếu chống lại việc cấp tín dụng cho các nước trong “danh sách đen” này. Động thái này cũng giảm bớt khó khăn cho quan hệ của Cuba với IMF và WB.

Cuba sẽ được lợi gì với tư cách thành viên của IMF và WB? Câu trả lời của ông Héctor Torres là khá rõ ràng: “Đảo quốc này tự hào với những thành quả xã hội của mình và họ có lý. Nhưng việc đảm bảo tính bền vững của những thành quả đó đòi hỏi nền kinh tế Cuba phải tiếp tục tăng trưởng. Để đạt được điều đó, họ phải theo đuổi và củng cố các cải cách kinh tế vừa mới bắt đầu để cải thiện tình trạng lạc hậu về công nghệ và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công. Tất cả những điều này đều cần tới vốn”.

Về phần mình, hai tác giả Vidal và Brown lập luận rằng các thể chế tài chính đa phương sẽ giúp thúc đẩy đầu tư nước ngoài và sẽ mang lại “uy tín” cho nền kinh tế Cuba. Nói cách khác là việc gia nhập hai tổ chức trên sẽ đóng góp vào quá trình hội nhập sâu hơn của Cuba vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm giảm các chỉ số về rủi ro trong đánh giá tín nhiệm của các nước đối với Cuba, đồng nghĩa với việc cắt giảm các khoản phụ phí và lãi suất ngân hàng mà Cuba đang phải trả trong giao dịch quốc tế.

Hai tác giả Vidal và Brown nhận xét: “Lĩnh vực dịch vụ ngân hàng và tài chính cần được củng cố và hợp pháp hóa (trên trường quốc tế) trước khi các công ty nước ngoài có sự hiện diện nghiêm túc tại Cuba”. Theo họ, có ba con đường khả thi để Cuba gia nhập các thể chế này:

Thứ nhất, một tiến trình xây dựng lòng tin từng bước giữa các thể chế tài chính và quan chức Cuba không có cam kết ban đầu hay thời hạn gia nhập. Thứ hai, quyết định của La Habana xin trở thành thành viên của các tổ chức này một cách trực tiếp và tức thì. Thứ ba, Tổng thống Mỹ công khai tuyên bố ủng hộ Cuba gia nhập các thể chế trên, đồng thời áp dụng đặc quyền theo Hiến pháp để tái ấn định chính sách đối ngoại của Washington, như cựu Tổng thống George H.W Bush từng làm để giúp Nga gia nhập IMF trong giai đoạn 1991-1992.

Rõ ràng con đường đầu tiên là ít rủi ro nhất, nhưng nó cũng không hề dễ dàng. Một số luật của Mỹ buộc các quan chức nước này tại các thể chế quốc tế phải ngăn chặn sự chấp thuận đối với La Habana cũng như bất cứ khả năng cấp vốn của quốc tế nào; đơn cử, Mỹ sẽ rút phần vốn đóng góp vào các quỹ trên đúng bằng lượng tín dụng (nếu có) cấp cho Cuba. Đó là luật của kẻ mạnh.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, việc ủng hộ Cuba gia nhập IMF và WB lại phù hợp với chính sách do Tổng thống Obama khởi xướng nhằm khuyến khích cải cách kinh tế tại Cuba. Và để đả thông cánh cửa này, “Tổng thống Obama cần ra một tuyên bố áp dụng đặc quyền đối ngoại theo quy định của Hiến pháp để vô hiệu hóa các điều lệ chống Cuba”.

Về phần mình, Cuba cũng đã có điểm cộng cho quá trình này như việc đàm phán giảm nợ nước ngoài thành công, đặc biệt là tiến trình hiện tại với Câu lạc bộ Paris. Còn điều mà La Habana phải làm là cải thiện chất lượng và mức độ minh bạch trong thống kê kinh tế, thống nhất hai đồng tiền nội tệ, chuẩn bị dữ liệu tài chính có thể so sánh được trên cấp độ toàn cầu.

Riêng việc gia nhập Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ thì nhạy cảm hơn về mặt chính trị do thể chế này liên quan trực tiếp về mặt quy định với Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), trong khi Cuba - từng bị OAS trục xuất năm 1961 dưới sức ép của Mỹ - đã thẳng thừng từ chối đề xuất tái gia nhập thể chế châu lục này.

Trong khi đó, WB và IMF cũng được hưởng lợi vì chính quan chức của các thể chế này cũng thừa nhận Cuba là sự thiếu vắng đáng kể nhất trong đội ngũ thành viên gần như toàn cầu của họ. Theo đánh giá của ông Héctor Torres, “Cuba có thể đã hoặc chưa sẵn sàng kết nối với các thể chế tài chính quốc tế, nhưng có điều chắc chắn rằng họ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để gia nhập IMF”.

José Luis Rodríguez, Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế - nhận định: “Điều cần thiết hiện tại là chứng minh được việc vừa gia nhập IMF vừa giữ vững mô hình phát triển của Cuba, đặc biệt tính cả tới vai trò của tổ chức này trong việc áp dụng đơn thuốc kinh tế tự do mới bằng mọi giá - như điều đang được thể hiện qua quan điểm của họ đối với Hy Lạp. Đó là chưa kể tới vai trò tích cực của tổ chức này trong tiến trình chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản của các nước Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô trước đây”. Quả là một ván bài chính trị-kinh tế vô cùng phức tạp, dù đôi khi yếu tố này có thể lấn át yếu tố kia, và nếu tất cả các bên đều “chơi đẹp”, có lẽ sẽ có người thắng cuộc.

TTK
Quan hệ Mỹ - Cuba sẽ đi đến đâu?
Quan hệ Mỹ - Cuba sẽ đi đến đâu?

Trong mấy tháng nay có hàng triệu, triệu người trên thế giới tập trung chú ý vào mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Người ta vừa thở phào nhẹ nhõm, vừa đặt ra nhiều câu hỏi vì sao có sự cải thiện quan hệ này mà theo đó ý đồ của mỗi bên ra sao...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN