Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (ảnh, trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh, phải) đã thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa hai nước trong cuộc hội đàm diễn ra ngày 20/6. Ảnh: THX/TTXVN |
Nếu
như hai chuyến thăm trước của ông Kim Jong-un, diễn ra trước thềm các
cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều, được ví như buổi “tham
vấn đồng minh”, thì chuyến thăm lần thứ ba, chỉ một tuần sau cuộc gặp
thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử ở Singapore ngày 12/6, có thể hiểu là để
Bình Nhưỡng thông báo kết quả đạt được cho quốc gia mà nước này coi là
đồng minh chủ chốt, cũng là đối tác kinh tế lớn nhất. Điều này một lần
nữa khẳng định tầm ảnh hưởng không thể phủ nhận của Trung Quốc trong
“bức tranh” địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực
Đông Bắc Á.
Chuyến thăm lần thứ ba của ông Kim Jong-un nhằm tái đảm bảo với Bắc Kinh rằng Bình Nhưỡng sẽ không bỏ qua những lợi ích của Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên có những bước đi ngoại giao chưa từng thấy. Vài năm trước, quan hệ Trung - Triều đã trải qua giai đoạn mất lòng tin.
Việc Triều Tiên dưới sự điều hành của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa, dường như đã làm Bắc Kinh "phật lòng", thậm chí Trung Quốc coi hành động của Triều Tiên là một sự khiêu khích. Trong khi Bắc Kinh đang muốn thúc đẩy một môi trường bên ngoài ổn định để tập trung giải quyết các thách thức kinh tế trong nước, việc Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa đã dẫn tới Mỹ tăng hiện diện quân sự, tăng cường phòng thủ tên lửa và hợp tác quân sự với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, đặt ra thách thức lớn đối với an ninh của Trung Quốc.
Quan hệ song phương càng “lạnh nhạt” hơn sau khi Trung Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên. Tuy nhiên, trong cục diện chiến lược khu vực Đông Bắc Á và bán đảo Triều Tiên, rõ ràng quan hệ đồng minh Trung - Triều vẫn mang tính ràng buộc nhất định và cả hai “cần tới nhau”.
Bằng cách khẳng định "mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác chiến lược" sâu rộng với Bắc Kinh trong chuyến thăm lần này, nhà lãnh đạo Triều Tiên rõ ràng đã “bắn một mũi tên trúng nhiều đích’. Trên bàn đàm phán hạt nhân, nếu được Trung Quốc ủng hộ, Triều Tiên sẽ như được tiếp thêm sức mạnh. Trên thực tế, Triều Tiên lâu nay vẫn dựa vào mối liên minh với Trung Quốc để vượt qua những giai đoạn khắc nghiệt do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Không chỉ ủng hộ về mặt chính trị, quan hệ ngoại thương của Triều Tiên hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngay cả giờ đây, khi vị thế và hình ảnh của Bình Nhưỡng đã được cải thiện đáng kể sau những diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên, thì quốc gia Đông Bắc Á này vẫn cần sự hậu thuẫn của Trung Quốc, đặc biệt trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt, cũng như thiết lập một chiến lược tổng thể để có thể đưa lộ trình thực hiện những cam kết về hạt nhân theo đúng tính toán của Bình Nhưỡng. Cả Triều Tiên và Trung Quốc đều không muốn quân đội Mỹ hiện diện trên bán đảo Triều Tiên và điều này khiến cả hai phải phối hợp chặt chẽ trong lộ trình phi hạt nhân hóa sắp tới.
Việc liên tiếp gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phát đi tín hiệu rằng Triều Tiên muốn tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ với Washington, vốn đang có cơ hội được cải thiện sau “cú hích” là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, và với Bắc Kinh, đồng minh thân cận với Triều Tiên. Khi tạo một thế cân bằng trong quan hệ với hai nước lớn này, Triều Tiên sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Về phần mình, Bắc Kinh tất nhiên tận dụng cơ hội bước ngoặt này để xích lại gần hơn với Bình Nhưỡng sau thời gian dài lạnh nhạt. Ngoài những lợi ích về kinh tế và an ninh không thể phủ nhận khi một bán đảo Triều Tiên hòa bình, Bắc Kinh còn có lợi ích chính trị lớn nếu “chìa tay” cho Bình Nhưỡng.
Với vai trò một cường quốc, Trung Quốc chắc chắn không để mình bị gạt ra ngoài lề một tiến trình ngoại giao có thể tái định hình tương quan địa-chính trị khu vực. Nhất là khi Trung Quốc từ lâu vẫn coi mình là một phần quan trọng trong bất cứ giải pháp nào cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Sự chuyển hướng trong quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng cũng thể hiện vai trò của Trung Quốc trong khu vực Đông Bắc Á, như một đối tác có trách nhiệm và có ảnh hưởng. Thêm vào đó, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ về một loạt vấn đề nhạy cảm tiếp tục gia tăng, quan hệ gần gũi với Triều Tiên, thậm chí ở mức có thể chi phối đối với Bình Nhưỡng, sẽ trở thành “át chủ bài” mặc cả của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán tương lai với Washington.
Tuy nhiên, phải nói thấy rõ rằng Trung Quốc không phải là nhân tố mới trên bàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên. Ngoài yếu tố do lịch sử để lại khiến Trung Quốc là thành viên vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, sau khi vòng đàm phán này bị đổ vỡ, Bắc Kinh vẫn nắm thế chủ động, tích cực đưa ra các sáng kiến, tăng cường ảnh hưởng và đóng một vai trò lớn.
Khi bán đảo Triều Tiên cận kề “miệng hố chiến tranh” bởi những màn “khẩu chiến” giữa lãnh đạo Mỹ - Triều, Trung Quốc đã đề xuất cơ chế “đóng băng kép", theo đó Triều Tiên ngừng thử tên lửa và hạt nhân còn Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung để thúc đẩy bầu không khí hòa dịu cho các cuộc đàm phán. Có thể thấy, với tiềm lực, vị trí địa lý và những ràng buộc lịch sử, Trung Quốc luôn có một vai trò nhất định nào đó tại Triều Tiên, và Bắc Kinh luôn nắm bắt thời cơ để khẳng định vai trò này.
Có lẽ không quá khi nói rằng tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên đang đi theo một lộ trình mà Trung Quốc mong muốn. Sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố ngừng thử hạt nhân, phá bỏ bãi thử Punggye-ri..., Hàn Quốc và Mỹ đã thông báo ngừng cuộc tập trận chung thường niên quy mô lớn "Người bảo vệ tự do Ulchi" trong năm nay; Seoul cũng mới thông báo ngừng vô thời hạn cuộc tập trận giả định Taegeuk...
Các diễn biến này có thể xem là sự hiện thực hóa đề xuất về cơ chế “đóng băng kép” mà Trung Quốc đưa ra. Việc phía Mỹ đưa ra ý tưởng thay thế hiệp định đình chiến hiện nay giữa hai miền Triều Tiên thành một hiệp định hòa bình để đổi lấy Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, cũng nằm trong logic đề xuất của Trung Quốc về việc theo đuổi song song phi hạt nhân hóa và đàm phán một cơ chế hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Có thể thấy, dù không hiện diện trên các bàn đàm phán hạt nhân gần đây, nhưng Bắc Kinh rõ ràng là “chất xúc tác” mạnh cho làn sóng ngoại giao ngoạn mục này, nếu không muốn nói là ở vị trí trọng tâm trong bức tranh địa - chính trị Đông Bắc Á.
Chắc chắn rằng vấn đề gai góc và dai dẳng mang tên hạt nhân Triều Tiên sẽ không thể được giải quyết nếu thiếu sự góp sức của Trung Quốc, bởi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên kể từ sau cuộc chiến tranh 1950-1953 không chỉ là câu chuyện giữa Mỹ với Triều Tiên, hay Hàn - Triều - Mỹ, mà liên quan đến nhiều bên.
Các cuộc gặp song phương giữa Mỹ với Triều Tiên, hay giữa hai miền Triều Tiên, dù đạt nhiều thỏa thuận, vẫn là bước tái khởi động cho một chu kỳ ngoại giao tích cực mới với sự tham gia của nhiều bên có lợi ích liên quan. Đây sẽ là cơ chế hiệu quả để giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân ở Đông Bắc Á, từ đó hướng tới một nền hòa bình lâu dài và vững chắc trên bán đảo Triều Tiên.