Khủng hoảng nợ sẽ gây ra chiến tranh thế giới?

Trang “Bình luận Trung Quốc” ngày 16/1 đăng bài của Giáo sư Kiều Tân Sinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Liêm Chính thuộc trường Đại học Tài chính Luật pháp Trung Nam, cho biết một số nhà sử học lo ngại rằng nếu các nước châu Âu không thể thoát khỏi khủng hoảng nợ, chiến tranh thế giới sẽ bùng nổ.


Trong lịch sử, Chiến tranh Thế giới thứ I bùng nổ do cuộc khủng hoảng kinh tế của đế quốc Anh năm 1890. Khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh đã thẳng thắn nói với Thủ tướng nước này rằng trên thực tế nước Anh đã phá sản. Chính sự đổ vỡ triệt để của kinh tế trong nước đã cuốn Anh vào đại chiến thế giới.

Các khoản bồi thường chiến tranh từ Đức không những không cứu được nền kinh tế của Anh mà ngược lại chiến tranh còn làm châu Âu lâm vào khủng hoảng kinh tế.


Kẻ có lợi duy nhất cuối cùng là Mỹ. Nước này thu lợi lớn từ việc cho Anh vay nợ và đại chiến thế giới cũng đã kích thích ngành công nghiệp quân sự Mỹ phát triển nhanh chóng. Mỹ, nước từng đóng vai trò cứu giúp châu Âu, đang ngập chìm trong nợ. Các nhà phân tích tài chính phố Uôn cho biết tổng nợ của chính quyền địa phương ở Mỹ đã vượt quá 2.000 tỷ USD và trong năm 2011 này, nước Mỹ sẽ có trên 100 thành phố bị phá sản.

Tuy nhiên, kinh tế thị trường của Mỹ nói riêng và các nước phương Tây nói chung có tính “ngoại bộ” mạnh mẽ. Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, các nước phương Tây cho phép lưu thông tài chính, vốn, hàng hóa và công nghệ, nhưng lại không cho phép lưu thông tài nguyên nhân lực. Chính điều này đã giúp các nước phương Tây luôn đứng hàng đầu trong chuỗi phát triển kinh tế thị trường và thu lợi lớn thông qua việc kiểm soát lưu thông của dòng vốn, công nghệ, tiền tệ và dân số.

Do một số nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, phải đối mặt với áp lực từ dân số lớn, nên để giải quyết vấn đề việc làm, họ không thể không thực thi mô hình kinh tế hướng ngoại. Trong quá trình phát triển ngoại thương, các nước này đã tích lũy một lượng lớn USD. Để giải quyết vấn đề tỉ giá, Trung Quốc không thể không mua nợ của Mỹ, làm cho nền kinh tế tín dụng của Mỹ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, sự "tham lam" của các ngân hàng đầu tư phố Uôn đã làm tan vỡ ảo mộng của tất cả. Ngày càng có nhiều nước ý thức rằng hệ thống kinh tế tín dụng của Mỹ sẽ gây ra khủng hoảng tài chính. Họ không muốn tiếp tục tích cực dự trữ USD như trước đây. Điều này đã đặt nền kinh tế Mỹ trước nguy cơ bong bóng hóa khủng hoảng.

Hiện nay, để kích thích kinh tế trong nước, Mỹ in tiền ồ ạt. Chính sách nới lỏng định lượng sẽ khiến đồng USD mất giá. Đồng USD yếu, trong một chừng mực nào đó, sẽ giúp khuyến khích xuất khẩu, duy trì sự ổn định về giá trên thị trường Mỹ, nhưng lại triệt để phá hoại hệ thống tài chính thế giới mà Mỹ xây dựng. Trong bối cảnh thiếu một hệ thống tài chính làm cột đỡ, Mỹ không thể giải quyết được những vấn đề kinh tế trong nước.


Trừ phi Mỹ có thể phát động một cuộc chiến tranh và thông qua chiến tranh để kích thích kinh tế, công nghiệp trong nước, đặc biệt là kinh tế công nghiệp quân sự, nếu không nền kinh tế Mỹ vẫn thiếu động lực để tăng trưởng.

Xét ở khía cạnh này, việc phát động chiến tranh đối với chính phủ Mỹ là tích cực và cần thiết. Theo học thuyết “Cửa sổ vỡ” (phải giải quyết mọi vấn đề ngay khi nó vừa xảy ra, không để cho vấn đề trở nên nghiêm trọng thêm) nổi tiếng của kinh tế học phương Tây, khi kinh tế đình trệ, nếu đập vỡ “cửa sổ”, không những đem lại sự phát triển cho ngành chế tạo kính, mà còn khiến các ngành nghề liên quan sẽ “thơm lây”. Vì thế, Mỹ càng có thêm động cơ kinh tế để phát động chiến tranh.

Tuy nhiên, nhân loại đã tiến vào thế kỷ 21. Phương thức cắt đất bồi thường giải quyết chiến tranh từ lâu đã không còn tồn tại. Trừ phi có người trực tiếp thuê đại quân của Mỹ, nếu không việc phát động chiến tranh sẽ đặt Mỹ vào tình trạng "lỗ vốn". Chiến tranh Irắc là cuộc chiến tranh hiện đại hóa giúp thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp quân sự Mỹ.


Cuộc chiến tranh này tuy đã lật đổ được chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein, nhưng Mỹ không nhận được tiền bồi thường chiến tranh. Ngược lại, do Irắc lâm vào chiến loạn, nên chính phủ Mỹ không thể không tìm trăm phương nghìn kế vay tiền, giúp chính quyền Irắc hậu Saddam vượt qua cơn khốn khó.

Vì những lý do trên, Giáo sư Kiều Tân Sinh cho rằng trừ phi xảy ra một sự kiện đặc biệt, trong tương lai gần, không thể xảy ra đại chiến thế giới, và càng không thể xảy ra đại chiến thế giới do Mỹ giữ vai trò chủ đạo. Chiến tranh là sự kéo dài của chính trị. Chiến tranh cũng là một loại hình kinh tế. Khi tài nguyên đầu tư cho chiến tranh lớn hơn những gì có thể gặt hái được, sẽ không ai phát động chiến tranh.

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN