Khủng hoảng niềm tin về sự thống trị của Mỹ

Từ góc độ lịch sử, khi một siêu cường suy giảm, môi trường quốc tế có thể trở nên phức tạp hơn và một loạt các yếu tố bất ổn khác nhau có thể làm tăng tính rủi ro đối với cộng đồng quốc tế. Có lẽ thế giới hiện nay đang chứng kiến một khoảng thời gian như vậy.

Thách thức cả trong lẫn ngoài

Tiến sĩ Chen Jimin, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Trường Đảng của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, bước vào thế kỷ 21, Mỹ đã phải đương đầu với một loạt các thách thức, cả bên trong lẫn bên ngoài. Mỹ phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh mà điển hình là thảm họa tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001, điều đã làm thay đổi hoàn toàn khái niệm an ninh truyền thống của nước Mỹ như là một nơi trú ẩn an toàn tuyệt đối. Sau đó, chính quyền Bush phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố nhưng điều này làm cho tình hình tài chính và uy tín quốc tế của Mỹ rơi vào khó khăn, thay vì giúp Washington đạt được các mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, Mỹ cũng đã phải đối mặt với những thách thức từ sự gia tăng của các nước không thuộc phương Tây. Ở mức độ nào đó, những thách thức này sẽ có tác động sâu sắc đến sự thống trị của Washington. Khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, ông đã nhận ra rằng phân phối quyền lực toàn cầu đang trải qua một sự chuyển đổi cơ cấu không thể đảo ngược, đó là một trật tự thế giới mới. Vì vậy, trong Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ năm 2010, Tổng thống Obama nói rằng hệ thống quốc tế hiện nay cần phải được điều chỉnh để thích ứng với nhu cầu của các trung tâm quyền lực mới.

Tàu sân bay, biểu tượng sức mạnh của Mỹ.


Trong khi Mỹ bị mắc kẹt giữa hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, nền kinh tế trong nước phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cùng lúc đó, một phong trào chính trị và xã hội mới nổi lên tại Mỹ. Đảng Trà và phong trào "Chiếm phố Wall" đã khuấy động và tăng cường cuộc cạnh tranh chính trị giữa các đảng phái. Trên thực tế, trong chính quyền Obama, các bên không đồng tình về nhiều vấn đề trong nước, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe, cải cách vấn đề nhập cư và trần nợ công. Tất cả điều này đã ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Mỹ mà ví dụ điển hình là Tổng thống Obama đã không tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC hồi năm ngoái do sự đóng cửa tạm thời của chính phủ.

Để đạt được mục tiêu thắt lưng buộc bụng trong lĩnh vực tài chính, Bộ Quốc phòng Mỹ đã được yêu cầu cắt giảm 487 tỷ USD chi tiêu quân sự trong thập kỷ tới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho rằng đây là "sự cắt giảm quá nhanh, quá nhiều, quá đột ngột và quá vô trách nhiệm" và rằng điều này sẽ hạn chế nghiêm trọng đến khả năng sẵn sàng đối phó với những thách thức của Mỹ. Trên thực tế, Mỹ đã cảm thấy những tác động từ việc suy giảm sức mạnh quân sự của mình. Nhà Trắng đã thông qua cái gọi là chiến lược "đi đầu từ phía sau" trong cuộc chiến Libya, trong đó phản ánh những giới hạn của lực lượng vũ trang Mỹ.

Hiện nay, chính sách của Mỹ về vấn đề Ukraine cũng trong tình trạng tương tự. Tổng thống Obama đã nói rõ rằng: "Chúng tôi sẽ không can thiệp quân sự vào Ukraine". Ông Obama cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ không thực hiện lời hứa với Ukraine khi tham dự cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italy Matteo Renzi vào ngày 27/3. Thực tế cho thấy, Mỹ đã lựa chọn vị trí "phòng thủ" trong các trò chơi địa chiến lược, điều mà các đồng minh của Washington luôn đặt câu hỏi về khả năng Mỹ thực hiện cam kết của mình.

Sự ngờ vực này có thể gây ra tác động tiêu cực lớn hơn đối với khả năng của Nhà Trắng trong việc duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình, bởi vì trật tự quốc tế được Mỹ tạo ra và chi phối phụ thuộc nhiều vào sự tin cậy sâu rộng của các mạng lưới liên minh và đối tác của Washington trên thế giới. Các yếu tố hỗ trợ cho mạng lưới trên là sức mạnh toàn diện của Mỹ cùng với niềm tin của các đồng minh và đối tác trong việc Washington sẽ bảo vệ an ninh tại những thời điểm quan trọng.

Tính hiệu quả của những cam kết?


Làm thế nào Mỹ có thể đáp ứng sự tin tưởng của các đồng minh và đối tác của mình trong việc thực hiện các cam kết khi sức mạnh của nước này đang suy giảm? Mỹ luôn tuyên bố rằng họ có khả năng và sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của mình. Ngày 20/3 vừa qua, khi phát biểu về vấn đề Ukraine, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh rằng: "Sự ủng hộ của Mỹ đối với các đồng minh NATO là kiên định".

Tổng thống Mỹ Obama tại phòng làm việc.


Ngày 26/3, ông Obama đã nhắc lại quan điểm này trong cuộc họp với Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen. Trước chuyến công du Tokyo mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói với hãng tin Nikkei của Nhật Bản rằng: “Có một lý do tôi đến đó là để trấn an các đồng minh về những cam kết của chúng tôi đối với an ninh của họ”. Từ ngày 23-29/4, Tổng thống Obama thăm 4 nước châu Á, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, các đồng minh chính của Mỹ trong khu vực.


Một trong những mục tiêu chính của ông Obama là để khẳng định với các đồng minh và đối tác rằng Mỹ sẽ vẫn là một cường quốc Thái Bình Dương, bất kể tình hình quốc tế thay đổi thế nào. Trước đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ  Susan Rice ngày 18/4 phát biểu tại một cuộc họp báo: "Chuyến đi của Tổng thống Obama đến châu Á là một cơ hội quan trọng để nhấn mạnh trọng tâm của chúng tôi vẫn tiếp tục hướng về khu vực Châu Á Thái Bình Dương ... Tổng thống cũng sẽ tái khẳng định những cam kết của chúng tôi với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, cho phép chúng tôi ngăn chặn các mối đe dọa và phản ứng với những thảm họa".

Chắc chắn nhiều quốc gia khác sẽ nhìn vào tính hiệu quả của những cam kết trên thông qua những hành động thiết thực. Chẳng hạn, Mỹ có thể có những hành động để hỗ trợ các lợi ích và nhu cầu của các đồng minh hoặc đối tác của mình trong các tranh chấp quốc tế, hoặc cung cấp vũ khí cho một số nước hay triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến tới các khu vực có liên quan và tiến hành các cuộc tập trận chung với đồng minh.

Tuy nhiên, Mỹ có thể đối mặt với một nguy cơ lớn hơn khi tham gia các hoạt động này: Một mặt, Mỹ có thể bị lôi kéo vào tranh chấp quốc tế và buộc phải thực hiện những cam kết của mình. Trong quá khứ, Mỹ luôn luôn giữ một thái độ mơ hồ chiến lược đối với các tranh chấp quốc tế mà không liên quan đến các lợi ích cốt lõi của Mỹ. Mặt khác, Mỹ có thể gặp rủi ro chiến lược thực tế, chẳng hạn như rơi vào một cuộc xung đột với một cường quốc khác.


Công Thuận
(Chinausfocus)

Hạ viện Mỹ đề nghị lập hệ thống phòng thủ tên lửa Hàn - Mỹ - Nhật
Hạ viện Mỹ đề nghị lập hệ thống phòng thủ tên lửa Hàn - Mỹ - Nhật

Mới đây Hạ viện Mỹ đã yêu cầu Lầu Năm Góc xem xét khả năng đưa thêm Hàn Quốc tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Hệ thống này hiện do Washington và Tokyo chỉ đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN