Khủng hoảng chính trị tại Italy

Sau khi các bộ trưởng trung hữu rút khỏi nội các, Thủ tướng Italy Enrico Letta đã kêu gọi tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội đối với chính phủ liên minh tả-hữu cầm quyền vào ngày 2/10. Phát biểu trên truyền hình ngay sau cuộc gặp với Tổng thống Giorgio Napolitano ngày 29/9, Thủ tướng Letta nói: "Tình hình đang hết sức phức tạp và rối ren, bởi vậy chúng tôi quyết định đưa ra trước quốc hội càng sớm càng tốt".

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy nổ ra sau khi Đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi ngày 28/9 quyết định rút tất cả 5 bộ trưởng của họ khỏi Chính phủ liên minh chỉ mới được thành lập cách đây 5 tháng. Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp kéo dài 1 giờ rưỡi với Thủ tướng Letta, Tổng thống Napolitano nói rằng cú sốc chính trị hôm 28/9 đã "tạo ra một bối cảnh hết sức bất ổn", và cho biết ông cùng người đứng đầu nội các đã nhất trí sẽ cùng thảo luận và phân tích kỹ tình hình trước khi đệ trình Quốc hội Italy.

Các Bộ trưởng thuộc đảng Nhân dân tự do (PDL) trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi (giữa) đồng loạt từ chức. Ảnh: AFP/TTXVN


Thủ tướng Letta, một thành viên Đảng Dân chủ (PD) trung tả, nói: "Chúng ta đang đối mặt với một thời khắc hết sức nhạy cảm và mang tính bước ngoặt. Tôi sẽ yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện và Hạ viện... nhằm tiếp tục và thúc đẩy các mục tiêu của chính phủ. Nếu yêu cầu này không được chấp thuận, tôi sẽ đưa ra các kết luận cuối cùng. Tôi không có ý định duy trì nội các bằng mọi giá".

Cựu Thủ tướng Berlusconi, đang bị một ủy ban thượng viện xem xét bỏ phiếu truất quyền Thượng nghị sĩ do các cáo buộc gian lận thuế, đã kêu gọi tất cả 5 bộ trưởng của PDL rút khỏi nội các hôm 28/9. Động thái này được coi là nhằm trả đũa việc Thủ tướng Letta từ chối thảo luận về việc hoãn tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tới khi các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm được tổ chức tại Quốc hội. Sự kiện này đã góp phần đẩy các căng thẳng leo thang tới mức báo động. Ông Berlusconi cho rằng các bộ trưởng thuộc PDL không nên "dính líu đến kế hoạch mà phe cánh tả áp đặt khiến người dân bất bình".

Thủ tướng Letta ngay lập tức đã phản bác phát biểu của ông Berlusconi, cho rằng đó là hành động điên rồ và thiếu trách nhiệm, "hoàn toàn là nhằm bảo vệ các lợi ích cá nhân. Berlusconi đang sử dụng vấn đề VAT làm cái cớ để né tránh các sai phạm". Báo giới Italy cũng chỉ trích chính ông Berlusconi là người gây ra cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại. Nhật báo cánh tả "Il Fatto Quotidiano" chạy dòng tít "Kẻ tội đồ làm sụp đổ Italy", ngầm ám chỉ các cáo buộc về gian lận thuế của nhân vật này.

Trong ngắn hạn, ít có khả năng Italy sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, Tổng thống Napolitano, 88 tuổi, mới đây cho biết ông sẽ giải tán quốc hội và tiến hành các cuộc bầu cử sớm nếu "không tìm ra giải pháp khả thi nào". Ông vẫn luôn nhấn mạnh rằng Italy phải sửa đổi luật bầu cử trước khi tiến hành các cuộc bầu cử mới. Trong khi đó, Thủ tướng Letta cũng nói rằng các cuộc bầu cử mới, nếu có diễn ra, cũng sẽ chỉ dẫn tới việc thành lập liên minh cầm quyền đa đảng hơn. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải hết sức tránh điều này".

Giới quan sát cho rằng một khả năng khác có thể diễn ra là Thủ tướng Letta sẽ thành lập một chính phủ mới, với sự tham gia của những người đã từ nhiệm và các lực lượng cánh tả. Tuy nhiên một chính phủ do phe cánh tả chiếm đa số có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi điều hành đất nước.

Cựu Thủ tướng Berlusconi kêu gọi nhanh chóng tổ chức các cuộc bầu cử mới vì cho rằng theo các kết quả thăm dò mới đây, nhiều khả năng phe của ông sẽ giành chiến thắng. Cựu danh hài Beppe Grillo đứng đầu đảng Phong trào 5 Sao, cũng ủng hộ việc tổ chức bầu cử sớm.

Chính phủ của Thủ tướng Letta đã được thành lập nhanh chóng, chỉ hai tháng sau tình trạng bế tắc mà cuộc tổng tuyển cử thất bại hồi tháng 2 vừa qua mang lại. Thủ tướng Letta đã được các thị trường tài chính hết sức tín nhiệm nhờ việc điều hành một chính phủ tả-hữu. Truyền thông Italy ngày 29/9 cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực, khiến Italy gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế nổi cộm cũng như triển khai các cải cách cần thiết.

Phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 27/9 nhằm thông qua các biện pháp then chốt để giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế và thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, Thủ tướng Letta nhấn mạnh sẽ không có bất kỳ điều luật mới nào có hiệu lực trước khi cuộc khủng hoảng chính trị chấm dứt. Nội các đã triệu tập để quyết định các biện pháp nhằm hoãn kế hoạch gây nhiều tranh cãi trong việc tăng VAT, tuy nhiên hội nghị đã kết thúc với nhiều chia rẽ và bất đồng trong bối cảnh căng thẳng tại Italy tiếp tục gia tăng do cáo buộc liên quan đến cựu Thủ tướng Berlusconi. Theo đó, kể từ ngày 1/10, quyết định tăng VAT từ 21% lên 22% tại Italy sẽ chính thức có hiệu lực, và các nhà kinh tế lo ngại rằng điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức tiêu dùng của thị trường.

Trong khi đó, ngày 29/9, các bộ trưởng thuộc PDL vừa rút khỏi nội các đã bày tỏ thái độ không hài lòng trước nguy cơ chính phủ giải thể. Bộ trưởng Maurizio Lupi nói: "Chúng tôi muốn ủng hộ ông Berlusconi, song không đồng tình với các cố vấn ít kinh nghiệm của ông ấy". Bộ trưởng Quốc phòng Mario Mauro cũng bày tỏ thái độ phản đối và nói: "Giờ không phải là lúc người ta nên bàn về vấn đề phản bội hay trung thành". Ông kêu gọi các quan chức giữ "cái đầu lạnh" để vượt qua cuộc khủng hoảng mới nhất này. Ông nhấn mạnh: "Sự tự do cũng như linh hoạt về quan điểm và đường hướng có thể sẽ giúp khôi phục một chính phủ Italy hiệu quả".


TTK
Italy họp về khủng hoảng chính trị
Italy họp về khủng hoảng chính trị

Tổng thống Italy Giorgio Napolitano và Thủ tướng Enrico Letta đã có cuộc họp nhằm tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị mới ở nước này sau khi đảng Nhân dân Tự do trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi quyết định rút tất cả 5 bộ trưởng của họ khỏi chính phủ liên minh.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN