Khúc dạo đầu mới của quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đẩy nhanh việc triển khai chính sách ngoại giao nhằm khẳng định vị thế, duy trì các giá trị và lợi ích toàn cầu của Mỹ, trong đó có việc nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đồng minh.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi lên nắm quyền, ngày 25/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay sau loạt động thái hướng tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nổi bật là các chuyến công du của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như cuộc gặp Mỹ-Trung tại Alaska vừa qua, chính quyền ông Biden đang hướng trọng tâm chính sách trở lại khu vực châu Âu.

Việc Mỹ thúc đẩy chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken tới Brussels (Bỉ) tham dự Hội nghị cấp ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tiếp xúc với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, cũng như cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Biden và lãnh đạo Hội đồng châu Âu trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 25-26/3, được coi là nỗ lực làm ấm lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn đã nguội lạnh phần nào sau những căng thẳng trong suốt nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell trong cuộc họp báo chung tại Brussels, Bỉ, ngày 24/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các động thái của chính quyền Mỹ hướng tới các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương cho thấy Washington muốn nhân dịp này gửi tới thông điệp hàn gắn và thúc đẩy quan hệ với NATO và EU nhằm chia sẻ những giá trị và lợi ích chung, đối phó với các thách thức mới nổi hiện nay như đại dịch COVID-19, vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh mạng và công nghệ mới. Đồng thời, Mỹ cũng muốn củng cố liên minh truyền thống xuyên Đại Tây Dương nhằm đối phó với các đối thủ chiến lược toàn cầu, trong bối cảnh Nga tiếp tục gia tăng ảnh hưởng về phía Tây và Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thách thức vị thế của Mỹ.

Hàn gắn, củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương là ưu tiên hàng đầu trong chuyến đi của ông Blinken tới châu Âu lần này. Quan hệ hai bên dưới thời chính quyền Mỹ tiền nhiệm luôn căng thẳng khi Tổng thống Trump thực hiện chính sách “nước Mỹ trước tiên” mà EU cho là đã làm tổn hại lợi ích của khối. Đó là việc Mỹ yêu cầu đồng minh NATO tăng chi tiêu quốc phòng, tăng cường áp lực về thuế đối với EU, đẩy mạnh kế hoạch cắt giảm binh sĩ thường trú tại Đức, mâu thuẫn trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến các hợp đồng mua bán vũ khí từ Nga, tranh cãi về dự án Dòng chảy phương Bắc 2... 

Dù quan hệ xuyên Đại Tây Dương vẫn còn nhiều bất đồng cần phải có thêm thời gian để xử lý, song có một thực tế rằng, các giá trị của quan hệ liên minh và đối tác luôn đóng một vai trò quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden. Ngoại trưởng Blinken đã dẫn kết quả cuộc thăm dò gần đây của Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, qua đó truyền tải thông điệp tới các đồng minh tại châu Âu rằng, Mỹ luôn coi trọng mối quan hệ truyền thống này trong việc đối phó với các mối đe dọa hiện hữu.

Việc hàn gắn, củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương nhằm giúp Mỹ có thêm động lực gia tăng trở lại các hoạt động can dự toàn cầu, khôi phục vị thế dẫn dắt trong các vấn đề quốc tế, vốn có phần suy giảm và mờ nhạt trong thời gian qua. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền Tổng thống Biden đề cao hợp tác với các đồng minh trong NATO và EU nhằm xử lý hiệu quả các thách thức cấp bách hiện nay, đặc biệt là những thách thức an ninh phi truyền thống đe dọa các lợi ích cốt lõi của Mỹ.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu sau khi tham dự Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Brussels, Bỉ, ngày 24/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã truyền đi thông điệp rõ ràng rằng Mỹ luôn cam kết với NATO, bao gồm cả Điều 5 hiệp ước của liên minh này, coi đây là nền tảng cốt lõi để bảo vệ và duy trì an ninh cho Mỹ và các nước đồng minh. Điều này đã được chính Tổng thống Biden khẳng định trong Hội nghị an ninh Munich hồi tháng 2, với tuyên bố: “Nước Mỹ đã trở lại. Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại”. Bên cạnh đó, Mỹ cũng thúc đẩy lập trường của NATO trong việc bảo vệ các giá trị chung. Trong khi đó, việc nâng cao tiềm lực quốc phòng và khả năng sẵn sàng quân sự của Mỹ và các nước đồng minh cũng là một yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhằm đảm bảo khả năng răn đe quân sự trước các thách thức.

Trong quan hệ với EU, ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã có những động thái được coi là "thể hiện thiện chí". Mỹ tuyên bố xem xét lại chính sách thuế mà cựu Tổng thống Trump áp đặt đối với các mặt hàng nhập khẩu từ EU. Đầu tháng này, Brussels và Washington đã nhất trí tạm ngừng áp thuế trả đũa trong vòng 4 tháng liên quan đến cuộc tranh cãi về vấn đề trợ cấp cho 2 hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing, thỏa thuận được coi là một bước đi đầu tiên trong tiến trình giảm căng thẳng giữa hai bên. Mỹ cũng để ngỏ khả năng khởi động lại các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương với EU mà chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Trump đã rời bỏ, nhất là trong bối cảnh EU và Trung Quốc cuối năm ngoái đã nhất trí về Hiệp định Đầu tư toàn diện sau 7 năm thương lượng. 

Trong khi đó, EU cũng coi việc Tổng thống Biden lên nắm quyền là cơ hội để hàn gắn quan hệ hai bờ Đại Tây Dương. Ngay khi ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell đã chuyển đi thông điệp về việc cần "làm mới" mối quan hệ đối tác truyền thống giữa EU và Mỹ. EU đã đưa ra đề xuất về một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới hướng tới tương lai cho hợp tác, tập trung vào các nguyên tắc bao trùm: các thể chế và hành động đa phương mạnh mẽ hơn, theo đuổi lợi ích chung, tăng cường sức mạnh tập thể và tìm kiếm các giải pháp để tôn trọng những giá trị chung. Xuất phát từ quan điểm EU và Mỹ chia sẻ lợi ích cơ bản trong nhiều vấn đề, EU cho rằng hai bên cần thiết lập lại quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực địa chính trị khác nhau, cùng nhau hợp tác để tăng cường phối hợp, sử dụng tất cả các công cụ sẵn có và tăng cường ảnh hưởng chung. 

Có một thực tế khá rõ ràng là tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách khôi phục quan hệ xuyên Đại Tây Dương và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng có cách tiếp cận tương đồng. Các cuộc tiếp xúc trong khuôn khổ NATO hay hội nghị thượng đỉnh EU có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Biden đã tạo khúc dạo đầu mới của quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Với các nền tảng và giá trị chung, không khó để cả Mỹ và EU thu hẹp được một số bất đồng để thúc đẩy sự nhất trí trong một chiến lược tổng thể. Tuy nhiên, những bất đồng nhỏ lẻ, nhất là trong các quan hệ song phương của nhiều thành viên chủ chốt có thể làm chậm lại đà phát triển của quan hệ đồng minh này.

Đặc biệt, EU từ lâu đã thúc đẩy khái niệm "quyền tự chủ chiến lược", có nghĩa là tăng cường khả năng tự bảo vệ mình mà không cần vai trò của bên thứ ba, tự mình đặt ra các quy tắc cho bản thân, không buộc phải phục tùng quy tắc của bên thứ ba, kể cả Mỹ. Nói cách khác, EU đang xác định lại vị thế của mình trước Mỹ. Thực tế đó đòi hỏi lòng tin lớn hơn từ các bên cũng như các nỗ lực điều chỉnh từ phía Mỹ nếu muốn hàn gắn quan hệ hai bờ Đại Tây Dương.

Bùi Đại Thắng (Phóng viên TTXVN tại Mỹ)
Nội dung chính cuộc họp báo đầu tiên của Tổng thống Biden
Nội dung chính cuộc họp báo đầu tiên của Tổng thống Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập đến một loạt vấn đề nổi cộm trong chính sách đối nội và đối ngoại trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên vào đêm ngày 25/3/2021 (giờ VN) kể từ khi lên nắm quyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN