Khi nào Mỹ chấm dứt 'tái cân bằng' sang châu Á?

Lần đầu tiên, thuật ngữ "tái cân bằng" được nhắc đến là vào mùa thu năm 2011 khi Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng lúc đó Hillary Clinton quyết định chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương nhằm củng cố và tăng cường lợi ích quốc gia trên tất cả các lĩnh vực.

Thậm chí, bà Clinton còn sử dụng một thuật ngữ khác, đó là "xoay trục", để chỉ giai đoạn chuyển hướng chiến lược này. Và sau đó, tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La tổ chức hàng năm ở Singapore, các bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã không quên nhắc lại như một bằng chứng về những cam kết mà Washington theo đuổi đối với khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trỗi dậy.

Chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương đã gây ra nhiều hệ lụy khác nhau. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở nội hàm cụ thể của thuật ngữ "tái cân bằng" hay "xoay trục", dư luận hiện nay còn quan tâm đến thời điểm Mỹ chấm dứt chiến lược này. Nói cách khác, khi nào thì Washington xác định mọi việc đã ở vào trạng thái "cân bằng" theo tính toán của họ?

Vượt ra ngoài lối chơi chữ thông thường, chiến lược "tái cân bằng", hay "xoay trục", của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương đã gây ra nhiều hệ lụy khác nhau, cả tích cực lẫn tiêu cực. Xét dưới góc độ tích cực, chiến lược "tái cân bằng" giúp Mỹ thích ứng nhanh chóng với tình hình thực tế. Trong bối cảnh nguồn lực ngày càng bị cắt giảm, thì việc xác định những ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại là rất cần thiết. Rõ ràng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện chiếm một nửa dân số thế giới, có vị thế rất quan trọng đối với Mỹ, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư mà cả an ninh - quốc phòng. Chuyển hướng chiến lược sang khu vực này để kiểm soát tốt mối quan hệ với một Trung Quốc đang lên được coi là cách tiếp cận thông minh nhằm tránh nguy cơ xung đột giữa hai cường quốc trong thế kỷ 21. Thông qua đó, Mỹ sẽ tìm cách tăng cường ảnh hưởng và củng cố lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, xét dưới góc độ tiêu cực, ngay từ khi mới triển khai, mục tiêu của chiến lược "tái cân bằng" đã được giải thích theo nhiều hướng khác nhau, tùy thuộc vào cách tiếp cận vấn đề của mỗi người. Thực tế này gây không ít khó khăn cho giới chức Mỹ khi phải nỗ lực dàn xếp mối quan hệ với các nước đồng minh nhằm duy trì cam kết trên toàn cầu. Tại Đối thoại Shangri-La năm 2013, ông Chuck Hagel - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó - nói rằng mọi người không nên hiểu sai chiến lược "tái cân bằng". "Mỹ có lợi ích, trách nhiệm và đồng minh trên khắp thế giới. Tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương không có nghĩa là Mỹ rút lui khỏi các khu vực khác", ông nói. Tuy nhiên, với các quốc gia vùng Vịnh, những tuyên bố như thế này lại được hiểu ngay rằng Mỹ đang ra sức trấn an họ. Tâm trạng lo lắng xen lẫn hoài nghi bao trùm lên các nước đồng minh của Mỹ trong thế giới Arập. Theo họ, chiến lược "tái cân bằng" sang châu Á - Thái Bình Dương rõ ràng sẽ làm giảm sự hiện diện cũng như sức mạnh của Mỹ ở Vịnh Persique.

Trung Quốc luôn cho rằng chiến lược "tái cân bằng" nhằm mục đích chủ yếu là ngăn chặn và kiềm chế họ. Và rằng Mỹ đang chống lại quyền được trỗi dậy để trở thành cường quốc thịnh vượng mà Trung Quốc đang theo đuổi. Ngăn chặn và kiềm chế, hay chỉ "tái cân bằng"? Thật khó có thể thuyết phục người nghe tư duy theo hướng tích cực hơn. Giáo sư Aaron Friedberg thuộc Đại học Princeton cho rằng giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ đang xuất hiện sự đồng thuận về việc triển khai chiến lược "tái cân bằng", chứ không phải kiềm chế và ngăn chặn. Có nghĩa là Mỹ sẽ duy trì một sức mạnh về ngoại giao, quân sự và kinh tế để đảm bảo với các nước láng giềng của Trung Quốc rằng lợi ích cũng như chủ quyền của họ không bị đe dọa.

Vậy đến khi nào Mỹ có thể chấm dứt chiến lược "tái cân bằng" ở châu Á - Thái Bình Dương để chuyển sang một giai đoạn khác? Câu trả lời phụ thuộc nhiều vào cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực này. Nguy cơ xung đột ở châu Á - Thái Bình Dương chưa được đẩy lùi trong khi những điểm nóng vẫn tăng nhiệt. Do mối quan hệ đan xen phức tạp nên Mỹ và Trung Quốc khó có thể giải quyết được những bất đồng một cách triệt để. Tuy nhiên, hai nước này hoàn toàn có thể kiểm soát chúng để tránh ảnh hưởng đến lợi ích của mỗi nước.

Lê Phương
Mỹ, Trung Quốc thiết lập cơ chế đối thoại quân sự
Mỹ, Trung Quốc thiết lập cơ chế đối thoại quân sự

Giới chức quốc phòng Mỹ và Trung Quốc ngày 13/6 đã ký một thỏa thuận theo đó thiết lập một cơ chế đối thoại thường kỳ giữa quân đội hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN