Kế hoạch của EU cho cuộc chiến thương mại với Mỹ nếu ông Trump đắc cử

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại tiềm tàng với Mỹ nếu ông Donald Trump tái đắc cử.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự cuộc họp lần thứ 5 của Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ (TTC) tại Washington, DC ngày 30/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong trường hợp ông Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào tháng tới, một cuộc chiến thương mại lớn và đầy rủi ro có thể sẽ bùng nổ, và lần này, EU đã chuẩn bị để đáp trả mạnh mẽ.

Học từ kinh nghiệm quá khứ

Bài học từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã khiến EU thay đổi chiến lược. Năm 2018, EU bị bất ngờ khi ông Trump áp thuế cao lên thép và nhôm xuất khẩu từ châu Âu và Brussels chỉ đáp trả một phần với hy vọng giảm thiểu căng thẳng. Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông Trump lại tăng cường đe dọa, lần này là áp thuế cao lên ô tô xuất khẩu từ EU. Dù những mức thuế này chưa bao giờ thành hiện thực, EU nhận ra rằng chính quyền của ông Trump sẵn sàng đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu và cắt đứt quan hệ thương mại với các đồng minh thân cận.

"Lần trước, chúng tôi không nghĩ rằng ông Trump sẽ đi xa đến mức như vậy", một nhà ngoại giao cấp cao của EU thừa nhận. Nhưng hiện nay, EU đã dành thời gian để chuẩn bị và xây dựng kế hoạch phòng ngừa cho tình huống xấu nhất. "Châu Âu đã thay đổi rất nhiều và chúng tôi sẵn sàng hành động", nhà ngoại giao này khẳng định.

Một trong những bước đi quan trọng của EU là thành lập lực lượng phản ứng nhanh, được đặt ngay tại trung tâm ban điều hành của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels. Nhóm này đã được chuẩn bị để đối phó với cả hai kịch bản: đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa thắng cử. Tuy nhiên, trọng tâm rõ ràng là chuẩn bị cho khả năng cựu Tổng thống Trump quay lại với chiến lược thương mại cứng rắn hơn.

Động thái trên cho thấy nếu ông Trump tái đắc cử và áp đặt các mức thuế mới, EU sẽ không khoan nhượng. Brussels đã chuẩn bị một danh sách các biện pháp trả đũa mạnh mẽ, nhằm tạo áp lực buộc ông Trump phải ngồi vào bàn đàm phán ngay từ đầu. Theo các nhà ngoại giao EU, trả đũa càng nhanh và quyết liệt, ông Trump càng nhanh chóng nhượng bộ và đàm phán với EU trong thế yếu.

Có thể nói một trong những thay đổi lớn nhất sau nhiệm kỳ đầu của ông Trump là sự đoàn kết mạnh mẽ giữa các nước thành viên EU trong việc đối phó với các thách thức thương mại từ Mỹ. Ủy ban châu Âu đã đóng vai trò chủ đạo trong việc phối hợp chiến lược, đảm bảo rằng toàn bộ khối sẽ phản ứng thống nhất. Một nhà ngoại giao cấp cao từ Brussels khẳng định: "Brussels đã chuẩn bị sẵn sàng một danh sách các biện pháp trả đũa mạnh mẽ, và chúng tôi tự tin rằng có thể chiến thắng trong cuộc chiến thương mại này". 

Nguy cơ với ngành công nghiệp ô tô châu Âu

Một trong những điểm nóng trong cuộc chiến thương mại tiềm tàng này chính là ngành công nghiệp ô tô của Đức. Ông Trump đã từng đe dọa áp thuế từ 10% đến 20% lên các sản phẩm của ngành công nghiệp ô tô Đức trong nhiệm kỳ đầu tiên và tuyên bố sẽ "phá hủy" ngành công nghiệp này để buộc các doanh nghiệp chuyển sản xuất sang Mỹ. Đối với ông Trump, việc áp thuế lên ô tô không chỉ giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ mà còn là một đòn bẩy để đạt được các thỏa thuận thương mại có lợi cho Washington.

Sự đe dọa trên đã khiến các nhà sản xuất như Volkswagen, BMW và Daimler lo ngại. Ngành công nghiệp ô tô Đức không chỉ quan trọng đối với nền kinh tế Đức mà còn có mối liên kết chặt chẽ với nhiều nền kinh tế khác trong EU. Một cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ gây thiệt hại lớn, không chỉ với Đức mà còn với toàn bộ chuỗi cung ứng ở EU.

Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của EU không phải là kéo dài cuộc chiến thương mại mà là nhanh chóng đàm phán một thỏa thuận. Các nhà ngoại giao EU tin rằng, dù có thể rất quyết liệt trong việc áp thuế, ông Trump vẫn là một người "đàm phán thỏa thuận" bẩm sinh. Minh chứng là ông Trump từng đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada, cũng như đạt được các thỏa thuận với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, EU đang dự đoán rằng một phần trong các cuộc đàm phán này sẽ liên quan đến việc hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và Mỹ về vấn đề Trung Quốc. Ông Trump từng thể hiện sự quan tâm đến việc đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng Trung Quốc, và EU có thể tận dụng điều này để làm đòn bẩy trong các cuộc thương lượng.

Mặc dù vậy, EU hiểu rằng thời gian không đứng về phía mình. Ngay sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc, Brussels sẽ phải hành động nhanh chóng để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Hiện tại, cuộc chiến thép giữa EU và Mỹ đã được tạm dừng, sau khi lệnh đình chỉ thuế quan của EU kéo dài thêm 15 tháng vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, lệnh này sẽ hết hiệu lực vào tháng 3 năm tới, ngay sau khi tổng thống Mỹ tiếp theo nhậm chức. Dù ông Trump hay bà Kamala Harris có lên cầm quyền, EU vẫn sẽ phải tính toán lại các chiến lược thương mại của mình.

“Brussels đang lập kế hoạch dự phòng trong trường hợp áp dụng mức thuế mới. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Câu hỏi đặt ra là: Nếu điều đó xảy ra, liệu có chỗ cho một giải pháp đàm phán được cả hai bên chấp nhận không? Không có cách nào để biết điều đó cho đến ngày hôm nay, mặc dù rõ ràng là không bên nào có lợi khi đi theo con đường đó”, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ phụ trách về các vấn đề châu Âu Marjorie Chorlins kết luận.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)
Nghị viện châu Âu thông qua kế hoạch cho Ukraine vay 35 tỷ euro
Nghị viện châu Âu thông qua kế hoạch cho Ukraine vay 35 tỷ euro

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/10 đã phê chuẩn kế hoạch của khối này sử dụng các tài sản bị đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga để cho Ukraine vay khoản tiền lên đến 35 tỷ euro (38 tỷ USD).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN