Kế hoạch 5 năm mới của Trung Quốc: Tăng trưởng hay cải cách?

Ngày 26/10, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham dự phiên họp toàn thể để lập ra "Kế hoạch 5 năm mới" nhằm khắc phục tốc độ tăng trưởng trì trệ. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh phải lựa chọn giữa việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo truyền thống hoặc tiến hành các biện pháp cải cách như thay đổi “chính sách một con” để giúp đất nước phát huy tối đa mọi tiềm năng.


Cuộc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang mang lại nhiều hệ lụy, một trong số đó là bầu không khí ô nhiễm.

Sau nhiều thập kỷ phát triển bùng nổ, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc nên theo đuổi chính sách tự do hóa hơn nữa để tránh “bẫy thu nhập trung bình” khi các nước đang phát triển không thể chuyển đổi mô hình phát triển của họ để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chỉ đạt mức 6,9% trong Quý III so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong 6 năm qua, mặc dù các nhà phân tích độc lập cho rằng con số thực có thể còn thấp hơn đáng kể.

Việc tiến hành các cải cách - vốn rất cần thiết cho việc duy trì sự ổn định lâu dài - sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến mức tăng trưởng hiện nay. Điều này khiến Đảng Cộng sản cầm quyền rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, bởi năng lực mà Đảng thể hiện sẽ củng cố tính hợp pháp của họ.

Nhà nghiên cứu Julian Evans-Pritchard của hãng nghiên cứu Capital Economics dự đoán rằng mục tiêu tăng trưởng mà Trung Quốc sẽ đặt ra ở mức bằng hoặc thấp hơn mục tiêu hiện nay đó là khoảng 7%. Ông nói: “Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải vật lộn để đạt được mục tiêu cao như vậy nếu không muốn làm ‘xói mòn’ tiến triển trong công cuộc tái cân bằng”.

Các "Kế hoạch 5 năm" là “di sản” từ thời nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, nhưng đến nay vẫn đóng vai trò là bản kế hoạch chi tiết tổng thể cho đất nước và là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, mà hiệu suất của nó có ảnh hưởng tới các công ty từ Australia cho tới Zimbabwe.

Việc Trung Quốc theo đuổi kinh tế thị trường và mở cửa thị trường với phần còn lại của thế giới từ cuối thập niên 1970 đã giúp thay đổi cuộc sống của hàng trăm triệu người và đưa Trung Quốc trở thành một hiện tượng của thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng trong nhiều năm gần đây đã chậm lại.

Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ muốn chuyển sang mục tiêu tăng trưởng “bình thường mới” - nghĩa là một đà tăng trưởng bền vững hơn dựa vào nhu cầu tiêu dùng trong nước, thay vì phụ thuộc vào đầu tư công và xuất khẩu quá nóng như trước đây. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, nhiều người đã hoài nghi về năng lực của Trung Quốc trong việc quản lý tiến trình này sau những động thái sai lầm như “vụng về” can thiệp vào thị trường chứng khoán đang lao dốc.

Phiên họp toàn thể lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc có sự tham dự của 205 thành viên cấp cao trong Ủy ban Trung ương Đảng và khoảng 170 thành viên dự bị. Phiên họp này sẽ diễn ra trong 4 ngày từ ngày 26-29/10 để đưa ra những đánh giá ban đầu về kế hoạch phát triển. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ chỉ được thông qua tại cuộc họp của Quốc hội diễn ra vào năm 2016.

Cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình, một nhà cải cách kinh tế, đã có tuyên bố nổi tiếng rằng “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột”. Tuy nhiên, theo Hu Angang - Giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa và làm việc cho Ủy ban chuyên gia giúp hướng dẫn thực thi quy trình kế hoạch, thì hiện nay “màu sắc” cũng là yếu tố quan trọng.

Trung Quốc giờ đã trở thành nước gây ô nhiễm nhất thế giới, và các thành phố chính ở đây thường xuyên bị bao phủ bởi các làn khói - điều khiến công chúng khắp nơi nổi giận. Trong bức thư điện tử kêu gọi Trung Quốc hướng tới nền kinh tế năng suất cao và thân thiện với môi trường hơn, ông viết: “Trung Quốc cần thay đổi từ ‘một con mèo đen’ lớn nhất thế giới sang ‘một con mèo xanh’ lớn nhất thế giới. Việc bắt được chuột - tức theo đuổi tăng trưởng GDP - vẫn rất quan trọng, nhưng làm sao để con mèo có được ‘màu xanh’ thậm chí còn quan trọng hơn”.

Các nhà lãnh đạo cũng đang tìm cách giải quyết các hạn chế xã hội làm cản trở tốc độ tăng trưởng như luật cư trú và “chính sách một con”, vốn hạn chế mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con. Chính sách này được đưa ra từ cuối những năm 1970 bởi những lo ngại rằng dân số gia tăng “chóng mặt” sẽ gây bất ổn kinh tế.

Sau nhiều năm áp dụng nghiêm ngặt dưới sự kiểm soát của Ủy ban dân số thuộc chính phủ, quốc gia có số dân đông nhất thế giới này hiện đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng, mất cân bằng giới tính và lực lượng lao động giảm sút. Các quan ngại này dẫn đến việc Trung Quốc đưa ra một số cải cách hạn chế hồi năm 2013, cho phép một số cặp vợ chồng ở thành thị được sinh con thứ hai, nhưng chỉ áp dụng với một số đối tượng.

Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc những tuần gần đây đã trích dẫn lời kêu gọi của các nhà nghiên cứu về việc áp dụng chính sách hai con. Ngân hàng Merrill Lynch kêu gọi: “Chúng tôi hy vọng chính sách một con sẽ được nới lỏng đáng kể và các nhà sản xuất đồ trẻ em sẽ được hưởng lợi lớn”.

Anne Stevenson-Yang, nhà đồng sáng lập công ty phân tích J-Capital Research, cho rằng những thành tích mà Trung Quốc có được là khá “pha tạp” trên con đường đạt được các mục tiêu theo kế hoạch, và tốc độ tăng trưởng chậm lại sẽ khiến Trung Quốc khó khăn hơn trong việc vượt qua trở ngại từ bộ máy quan liêu kéo dài từ lâu. Bà cho rằng thất bại trong việc cải cách chính sách một con là “điển hình của sự tê liệt trong chính phủ”.

TTK (Theo AFP)
Ảnh hưởng khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc
Ảnh hưởng khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Những gì đang diễn ra trong nền kinh tế Trung Quốc có ảnh hưởng lan rộng ra bên ngoài lãnh thổ nước này, không chỉ ở Thẩm Quyến và Thượng Hải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN