Nhà Trắng ước tính hiệp định này sẽ dỡ bỏ 18.000 loại thuế quan đối với các mặt hàng chế tạo, đồng thời cho phép mọi người dân được hưởng thuế quan thấp hơn khi tiếp cận các thị trường trên toàn khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những người chỉ trích, đặc biệt là ở Mỹ, cho rằng thỏa thuận này sẽ khiến nhiều nhân công trong ngành chế tạo Mỹ bị mất việc làm, làm giảm các tiêu chuẩn về môi trường đồng thời làm tăng giá thuốc. Theo mạng tin Bloomberg, các nước thành viên tham gia hiệp định đều nhận được những mặt lợi và hại từ TPP.
Đại diện các nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta ngày 5/10. Ảnh: THX/TTXVN |
Đối với Nhật Bản, ngành chế tạo ô tô và phụ tùng ô tô Nhật Bản có lẽ là được lợi nhiều nhất bởi họ được hưởng thuế quan thấp hơn khi xuất khẩu sang Mỹ vốn đã là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ô tô Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản bị buộc phải giảm bớt một số hình thức bảo hộ cho nông dân trồng lúa, như lượng gạo nhập khẩu được miễn thuế phải tương đương 1% tổng số gạo mà nước này tiêu thụ. Nông dân nuôi gia súc có thể sẽ bị tác động nặng nề hơn cả khi mà thuế nhập khẩu thịt bò vào Nhật Bản trong 16 năm tới sẽ được từng bước giảm xuống còn 9% từ mức hiện nay là 38,5% trong khi thuế nhập khẩu thịt lợn cũng sẽ giảm đáng kể.
Đối với Australia, thỏa thuận này sẽ buộc “xứ sở Kangaroo” dỡ bỏ những khoản thuế nhập khẩu tổng trị giá khoảng 9 tỷ USD. Song Australia sẽ được tiếp cận thị trường đường của Mỹ trong khi Nhật Bản cũng sẽ giảm thuế đối với sản phẩm đến từ xứ sở Chuột túi. Các sản phẩm hải sản và rau quả sẽ được hưởng mức thuế xuất khẩu thấp hơn trong khi gạo và ngũ cốc sẽ được hưởng hạn ngạch xuất khẩu ưu đãi. Australia và New Zealand đã thành công trong việc gây áp lực buộc Mỹ phải thỏa hiệp trong vấn đề thời gian các công ty dược phẩm được bảo hộ độc quyền đối với các dữ liệu mô tả quá trình sản xuất thuốc. Thời gian bảo hộ ít nhất là 5 năm, thay vì 12 năm như yêu sách của các công ty dược phẩm Mỹ, có thể làm giảm giá thuốc đồng thời làm tăng tính cạnh tranh. Thuế quan thấp hơn đối với mọi mặt hàng từ sắt thép tới dược phẩm, máy móc, giấy và phụ tùng ô tô sẽ làm lợi cho các nhà sản xuất Australia.
Nhìn sang New Zealand, có tới 93% khối lượng hàng hóa giao dịch của New Zealand với các nước đối tác TPP sẽ được giảm thuế quan, giúp nước này hàng năm tiết kiệm được khoảng 259 triệu NZD (168 triệu USD). Ngành sữa, chiếm khoảng 25% lượng hàng xuất khẩu, sẽ tiết kiệm được khoảng 102 triệu NZD mỗi năm. Các thị trường chủ chốt như Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico vẫn duy trì một số mức thuế quan đối với hàng hóa của New Zealand. Chẳng hạn, trong 5 năm tới, Canada chỉ đồng ý ấn định hạn ngạch nhập khẩu các sản phẩm sữa là tương đương 3,3% thị trường sữa của nước này. Thuế quan đối với thịt bò xuất khẩu của New Zealand cũng được dỡ bỏ. Song Nhật Bản là ngoại lệ với việc thịt bò New Zealand vào thị trường Nhật Bản sẽ được giảm từ 38,5% còn 9%. Thuế quan đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu khác như hoa quả, hải sản, rượu và thịt cừu cũng sẽ được hạ xuống mức bằng 0.
Đối với Malaysia, các công ty quốc doanh của nước này có thể bị thiệt hại bởi TPP đòi hỏi công ty tư nhân cũng phải được hưởng quyền tiếp cận các hoạt động thu mua của chính phủ ngang với các công ty quốc doanh. Các nhà xuất khẩu hàng điện tử, hóa chất, dầu cọ và cao su sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Malaysia hiện là nhà xuất khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới và là nước trồng cao su nhiều nhất thế giới.
Cuối cùng là nền kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có lẽ nằm trong số những nước bị thua thiệt nhiều nhất. Việc Trung Quốc từ chối gia nhập TPP giúp Mỹ thắt chặt các mối quan hệ thương mại trên toàn khu vực đồng thời thúc đẩy cái gọi là chiến lược xoay trục sang châu Á. Hiện quan chức Trung Quốc đã phát tín hiệu muốn gia nhập hiệp định này trong tương lai. Trước mắt, theo nhà kinh tế Fielding Chen của Bloomberg, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể bị mất một số thị phần tại những nước đang phát triển vào tay Mỹ và Nhật Bản.