Bình luận trên tờ Tin tức Arab ngày 21/8, Tiến sĩ Abdel Aziz Aluwaisheg, Trợ lý Tổng thư ký Hội đồng hợp tác vùng Vịnh về các vấn đề chính trị và đàm phán cho rằng đề xuất này không chỉ là một nỗ lực để củng cố hợp tác trong khu vực mà còn phản ánh những động thái chính trị sâu rộng hơn về việc duy trì trung lập và độc lập trong một bối cảnh quốc tế đang thay đổi. Vậy tại sao Kazakhstan lại thúc đẩy một hệ thống an ninh không có sự tham gia của Nga và động lực nào đứng sau sáng kiến này?
Thứ nhất, mong muốn độc lập: Kazakhstan, cùng với các nước trong khu vực, đã duy trì mối quan hệ gần gũi với Nga, đặc biệt trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). Tuy nhiên, thay đổi trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga, đã làm giảm ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Moskva đối với khu vực này.
Trước tình hình đó, Kazakhstan và các quốc gia Trung Á khác hiện đang tìm cách tạo ra một cấu trúc an ninh khu vực không phụ thuộc vào Nga, nhằm bảo đảm độc lập và cân bằng trong quan hệ quốc tế. Tổng thống Tokayev đã nhấn mạnh rằng việc hình thành một không gian an ninh khu vực vững chắc là đặc biệt cấp bách, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền quốc gia.
Thứ hai, thay đổi động lực địa chính trị: Đề xuất của Tổng thống Tokayev diễn ra ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Astana, nơi mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thúc đẩy việc hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia Á-Âu như một đối trọng với các liên minh phương Tây. Mặc dù cả Trung Quốc và Nga đều khuyến khích việc xây dựng một hệ thống an ninh chung, nhưng Kazakhstan đã chọn con đường riêng, nhấn mạnh mong muốn giữ thái độ trung lập và tránh bị kéo vào các cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các siêu cường.
Kazakhstan lo ngại rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào một bên có thể làm giảm tính độc lập trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.
Thứ ba, thay đổi trong quan hệ kinh tế: Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác thương mại chính của Trung Á, thay thế Nga. Năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua Nga để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của khu vực, phản ánh thay đổi trong ưu tiên kinh tế của các quốc gia Trung Á. Kazakhstan và các nước Trung Á cũng đã tìm cách tăng cường quan hệ với các nước khác như Mỹ và các quốc gia trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), đồng thời đa dạng hóa các đối tác kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất.
Việc Nga đang gặp khó khăn về mặt kinh tế và bị phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đã làm giảm khả năng của Moskva trong việc duy trì sự thống trị kinh tế ở Trung Á. Điều này thúc đẩy Kazakhstan và các quốc gia Trung Á khác tìm kiếm những cơ hội mới và xây dựng một hệ thống an ninh khu vực độc lập.
Thứ tư, tăng cường hợp tác khu vực: Một yếu tố quan trọng khác là gia tăng hợp tác khu vực giữa các quốc gia Trung Á. Uzbekistan, quốc gia đông dân nhất trong khu vực, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Shavkat Mirziyoyev, đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác trong khu vực và tìm kiếm những cơ hội thương mại và chính trị mới. Tổng thống Mirziyoyev đã từ bỏ các cách tiếp cận lỗi thời và khuyến khích tin tưởng và hợp tác hơn là nghi ngờ và thù địch giữa các nước Trung Á.
Thứ năm, đối phó với cạnh tranh quốc tế: Cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường đã tạo ra áp lực lớn đối với các quốc gia Trung Á trong việc chọn phe. Kazakhstan và các quốc gia Trung Á khác đang cố gắng giữ thái độ trung lập, đồng thời tận dụng các cơ hội từ các đối tác quốc tế khác mà không làm giảm sự độc lập của mình. Việc xây dựng một hệ thống an ninh khu vực độc lập phản ánh nỗ lực của các quốc gia này trong việc duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc và bảo vệ lợi ích quốc gia của họ.
Tóm lại, Tiến sĩ Aluwaisheg cho rằng sáng kiến của Kazakhstan nhằm thúc đẩy việc thành lập một hệ thống an ninh mới cho Trung Á không có sự tham gia của Nga phản ánh một bước đi quan trọng trong việc bảo đảm độc lập và trung lập của khu vực trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị toàn cầu. Điều này không chỉ là một nỗ lực để củng cố ổn định trong khu vực mà còn phản ánh chiến lược dài hạn nhằm duy trì tự chủ và độc lập trong một thế giới đang ngày càng phân cực.