Ixraen thất thế trong đàm phán hạt nhân Iran

Ngày 23/5, một quan chức cấp cao Nhật Bản thông báo rằng chính phủ nước này sẽ tìm cách để Quốc hội thông qua điều luật cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản bảo hiểm các tàu chuyên vận chuyển dầu mỏ của Iran tới châu Á, nếu các nhà bảo hiểm châu Âu từ chối làm việc này. Trong giai đoạn một, luật mới sẽ áp dụng đối với 16 tàu chở dầu.


 

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, Saeed Jalili (phải) và Cao ủy phụ trách Chính sách Đối ngoại EU Catherine Ashton trong cuộc đàm phán tại Bátđa ngày 23/5/2012. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Mạng tin "Debka" của Ixraen nhận xét rằng quyết định này đồng nghĩa với việc bất kỳ ý định nào nhằm tăng cường lệnh cấm vận dầu mỏ chống Iran (như Ixraen mong đợi) gần như đã bị phá sản, thậm chí trước khi kết thúc các cuộc đàm phán hạt nhân giữa nhóm P5+1 và Iran đang diễn ra tại Bátđa.


Mặc dù không có bất kỳ cơ sở thực tiễn nào, Cao ủy phụ trách Chính sách Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton và Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano vẫn công khai lạc quan về kết quả của vòng đàm phán hiện nay. Theo đó, họ ủng hộ mong muốn của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc đạt được thành công trong đàm phán hạt nhân với Iran, cũng như chủ trương của ông Obama tiếp tục các biện pháp ngoại giao - trái ngược với những tuyên bố trước đó rằng cánh cửa đàm phán đang khép lại.


Mạng "Debka" cho rằng, bằng cách bày tỏ thái độ thiện chí, bà Ashton và ông Amano đã che đậy vấn đề thực sự với Iran. Ông Amano cho biết, một thỏa thuận về thanh sát sẽ sớm được ký kết với Iran, mặc dù ông không biết thời điểm nào. Còn giờ đây, dường như không có thỏa thuận nào về vấn đề này. Trong khi đó, người phát ngôn của bà Ashton tuyên bố: "Tôi sẵn sàng đi vào chi tiết những gì chúng tôi đề xuất, nhưng tất nhiên chúng tôi đang đặt những đề xuất lên bàn đàm phán vì lợi ích của Iran".


Nhật Bản không phải là nước duy nhất giúp Iran phá bỏ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ. Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong nhóm các nước này. Các nước này đang đánh tín hiệu cho Iran rằng sự thiếu linh hoạt của Têhêran trong các cuộc đàm phán sẽ không dẫn đến các đòn trừng phạt nghiêm khắc.


Những nguồn tin chính thức của Mỹ không bình luận gì về những diễn biến xung quanh cuộc đàm phán Bátđa ngày 23/5. Trong khi đó, trước thềm cuộc đàm phán này, những nguồn tin khác thân cận với chính quyền Obama, như Dennis Ross - cựu cố vấn tổng thống về Iran - đã lên tiếng cảnh báo không nên mong đợi bất kỳ sự đột phá hay tiến triển nào. Ông Ross nhấn mạnh rằng Têhêran sẽ không được nới lỏng các biện pháp trừng phạt chừng nào hoạt động làm giàu urani của quốc gia này không chấm dứt.


Nga và Anh đã công khai về khả năng thất bại của cuộc đàm phán lần này cũng như khả năng nổ ra chiến tranh với Iran. Nga cảnh báo cho Têhêran rằng phương Tây đang sử dụng các cuộc đàm phán cho một âm mưu cài bẫy quân sự Iran. Trước đó, các nguồn tin tình báo và Mátxcơva cho biết Nga đang chuẩn bị một đề xuất bất ngờ để đặt lên bàn đàm phán tại Bátđa. Bằng cách đưa ra một kế hoạch độc lập, Mátxcơva sẽ phá vỡ "mặt trận thống nhất về vấn đề Iran" được ông Obama tuyên bố tại Hội nghị cấp cao G - 8 mới đây, đồng thời gia tăng vị thế mặc cả của Iran.


Tại Luân Đôn, ngay trước khi các cuộc thương thuyết bắt đầu, các bộ trưởng Anh được cảnh báo về khả năng đàm phán thất bại và được thông tin về các kế hoạch ứng phó với khả năng xung đột bất ngờ giữa Ixraen và Iran. Một số nguồn tin cho biết Anh đang thảo luận một kế hoạch viện trợ quân sự và ngoại giao cho Ixraen, cụ thể là triển khai các tàu của Hải quân Hoàng gia Anh dọc bờ biển Ixraen.


Các bộ trưởng Ixraen đã hối thúc các cường quốc thế giới đưa ra những yêu cầu cứng rắn và áp đặt các biện pháp trừng phạt kiên quyết đối với Iran. Bộ trưởng Quốc phòng Ixraen Ehud Barak và Phó Thủ tướng Moshe Yaalon cảnh báo nhóm P5+1 rằng chừng nào việc làm giàu urani không bị ngăn lại, Ixraen phải duy trì mọi giải pháp và bảo lưu quyền ra quyết định riêng. Ông Barak nói: "Chúng tôi biết chính xác những thỏa thuận gì đang được trù tính". Yêu cầu của chúng tôi với các bên khá rõ ràng: Người Iran là những bậc thầy trên bàn cờ. Nếu họ rời khỏi bàn đàm phán mà không có các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn và sở hữu một giấy phép làm giàu urani, họ sẽ có được những gì họ muốn, đó là vũ khí hạt nhân. Ông Barak nhấn mạnh: "Khi tiến trình ngoại giao thất bại, việc đưa ra quyết định sẽ phụ thuộc vào chúng tôi".


Quang Hoàn (P/v TTXVN tại Ai Cập)


 

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN