Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang mang lại hy vọng cải cách kinh tế cho người dân nước này với khái niệm “Jokowinomics” - chương trình phát triển kinh tế nhiệm kỳ 5 năm của tân tổng thống, bắt đầu từ ngày 20/10. Tân Tổng thống Joko Widodo tuyên thệ nhậm chức ngày 20/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chủ đề chính trong khái niệm “Jokowinomics” là nhằm tìm kiếm con đường chủ quyền, độc lập và bản sắc cho đất nước Indonesia. Theo khái niệm này, mục tiêu cần đạt được trong chính sách kinh tế sẽ là thúc đẩy xã hội thịnh vượng, bao gồm chủ quyền chính trị, độc lập kinh tế và bản sắc văn hóa. Tinh thần này sẽ được thổi vào tất cả các chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển.
Kinh tế Indonesia hiện đang trong giai đoạn suy trầm và điều này được thể hiện qua các chỉ tiêu kinh tế và phúc lợi, trong đó chỉ số năng lực cạnh tranh, phát triển con người của Indonesia đang tụt hậu so với các nước lớn trong khu vực, bất bình đẳng giữa các nhóm cộng đồng, mất cân đối phát triển giữa các vùng, thâm hụt thương mại, tỷ giá đồng rupiah và tình trạng thanh khoản tài chính suy giảm, thâm hụt ngân sách tăng cao...
Ngày 20/10, ông Joko Widodo đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Indonesia trước các nghị sĩ và quan chức nước ngoài.
Trước đó, ông Widodo cho biết sẽ tạo ra một chính phủ mở, trong đó các nhà chuyên môn nắm giữ các vị trí chủ chốt với tỷ lệ tới 70%. 30% còn lại được lựa chọn từ danh sách ứng viên do các chính đảng trong liên minh cầm quyền giới thiệu.
Nội các mới sẽ ra mắt vào ngày 22/10, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao vị thế và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thủy sản, làm sống lại thị trường truyền thống, trẻ hóa nền kinh tế sáng tạo, cải thiện tiếp cận giáo dục và dịch vụ y tế có chất lượng. |
Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh tăng trưởng là rất cần thiết để củng cố nền tảng kinh tế, vì vậy "Jokowinomics” đòi hỏi cuộc cách mạng được xem như một chiến lược phục hồi cho tương lai nền kinh tế Indonesia. Cuộc cách mạng này được bắt đầu bằng việc xây dựng năng lực cũng như cải thiện hệ thống quản trị kinh tế để có một cấu trúc cạnh tranh hơn.
Khái niệm “Jokowinomics” cho thấy Jokowi không chống lại thị trường, mà muốn bắt đầu phát triển kinh tế từ những khu vực yếu nhất. Vai trò của nhà nước tại thời điểm này là rất quan trọng để hỗ trợ, tăng cường cho nền tảng kinh tế tại các khu vực yếu nhất. Điều này đòi hỏi phải có một mạng lưới cơ sở hạ tầng đầy đủ, và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chính là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế và phát triển khu vực.
Đổi mới cơ sở hạ tầng khu vực sẽ mở ra các trung tâm tăng trưởng mới, trải đều, giúp phát triển kinh tế trên khắp cả nước. Xây dựng cơ sở hạ tầng mới còn hỗ trợ đáng kể sự phát triển của các khu vực có thế mạnh về biển, để những nơi này phát triển thành các trung tâm phân phối kinh tế, tránh lãng phí tiềm năng tài nguyên biển.
Chính sách “Jokowinomics” cũng tập trung vào chủ quyền lương thực, nghĩa là không chỉ tập trung tăng cường sản xuất nông nghiệp, mà còn quan tâm cải tiến về hạ tầng nông nghiệp, trong đó các công trình thủy lợi sẽ được thay thế và xây dựng lại. Sản xuất nông nghiệp cũng đòi hỏi phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm chất lượng cao cũng như phát triển nông nghiệp cần cách tiếp cận toàn diện, liên kết với các lĩnh vực khác.
Những nỗ lực để phục hồi và cải thiện cơ sở hạ tầng quốc gia đòi hỏi nhiều đầu tư của chính phủ nên nguồn ngân sách dành cho phát triển rất quan trọng, chính sách tài khóa cần được quản lý tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với mục tiêu và công bằng xã hội. Với chiến lược phát triển quốc gia dựa trên ba trụ cột là cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, xây dựng chủ quyền lương thực và hiện đại hóa các nguồn năng lượng, Indonesia hy vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, đáp ứng sự chờ đợi của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trần Hiệp (
Theo “Bưu điện Jakarta”)