Bạo lực leo thang tại Gaza từ chiều 5/8. Quân đội Israel tấn công trước trong một chiến dịch mang tên “Hừng Đông”, với hàng trăm đợt không kích nhằm vào Dải Gaza, khiến ít nhất 44 người phía Palestine thiệt mạng, trong đó có 15 trẻ em, khoảng 350 người bị thương cùng nhiều nhà cửa bị hư hại. Đây là cuộc xung đột đẫm máu nhất kể từ đợt giao tranh giữa quân đội Israel với lực lượng vũ trang Hamas của Palestine hồi tháng 5 năm ngoái. Phía Israel thông báo họ chỉ nhằm vào những mục tiêu được cho là nơi trú ẩn của các tay súng PIJ, bao gồm cả chỉ huy cấp cao của tổ chức này. Tuy nhiên, theo công bố của phía Palestine, có đến gần một nửa trong số nạn nhân thiệt mạng là dân thường.
Khác với lần trước, xung đột lần này không xảy ra vào thời điểm “nóng” trong mối quan hệ giữa người Israel và Palestine, không bị kích động bởi các vấn đề nhạy cảm về tôn giáo, mà khởi nguồn từ việc Israel bắt giữ Bassem Saadi, một thủ lĩnh cấp cao của Jihad, khiến tổ chức này đe dọa tấn công người Israel ở các khu vực gần biên giới với Gaza. Trong thời gian Israel triển khai chiến dịch không kích nhằm vào Dải Gaza, PIJ đã bắn khoảng 1.100 quả đạn pháo sang lãnh thổ Israel, trong đó hầu hết rơi vào các khu vực không có dân cư sinh sống, phần còn lại bị hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel đánh chặn.
Lệnh ngừng bắn được đưa ra sau những nỗ lực trung gian hòa giải của Ai Cập, với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và Qatar. PIJ cho biết một trong những điều khoản chủ chốt để đạt được lệnh ngừng bắn là sự đảm bảo của Ai Cập rằng Israel sẽ phóng thích hai trong số các lãnh đạo của tổ chức này đang bị phía Israel giam giữ. Tuy nhiên, các quan chức Israel sau đó nói rằng không có cam kết nào về việc phóng thích hai nhân vật cấp cao của PIJ, một vấn đề nhạy cảm mà Israel sẽ cần thảo luận cụ thể hơn với Ai Cập. Do vậy, nguy cơ lệnh ngừng bắn bị phá vỡ vẫn còn. PIJ tuyên bố sẽ từ bỏ thỏa thuận ngừng bắn và nối lại các cuộc tấn công từ Dải Gaza nếu phía Israel vi phạm những điều khoản vừa có hiệu lực.
Giới phân tích cho rằng cảnh báo của PIJ, một trong hai nhóm vũ trang lớn của người Palestine ở Dải Gaza, mặc dù có lực lượng và kho vũ khí ít hơn nhóm Hamas, không phải không có cơ sở. Trong cuộc xung đột này, PIJ đã chịu những thiệt hại khá lớn. Ngoài các cơ sở hạ tầng bị phá hủy, đã có 2 thủ lĩnh cấp cao của tổ chức này thiệt mạng. Bởi vậy, PIJ sẽ khó chấp nhận nếu không đạt được kết quả nhất định nào đó, bao gồm việc trả tự do cho hai thủ lĩnh cấp cao khác đang bị Israel giam giữ. Phản ứng của PIJ có thể sẽ rất khó đoán, bởi ngay việc bắt giữ Bassem Saadi, một nhân vật đã bị bắt giữ nhiều lần trước đây, cũng khiến PIJ phản ứng dữ dội.
Ngoài ra, cũng cần kể đến vai trò của Hamas. Lực lượng đang kiểm soát Dải Gaza không tham gia cuộc giao tranh lần này là lý do khiến xung đột không bị đẩy đi quá xa. Tuy nhiên, các quan chức Israel cũng lo ngại nếu xung đột kéo dài hoặc để lại hậu quả nghiêm trọng khiến tình hình nhân đạo tại Gaza xấu đi, rất có thể Hamas sẽ không ngồi yên.
Cho đến thời điểm này, khả năng Hamas tham gia cuộc xung đột là không cao. Sau cuộc xung đột năm ngoái, hiện Hamas đang cần sự hỗ trợ từ phía Israel để phục hồi kinh tế và đời sống cho người dân Palestine ở Gaza. Chính phủ mới của Israel cũng đã thực thi một loạt chính sách nới lỏng bao vây, khiến cuộc sống ở Gaza dễ thở hơn. Nổi bật là việc tăng số lượng giấy phép cho người Palestine ở Gaza sang làm việc tại Israel lên 14.000 giấy, đồng thời cam kết sẽ tăng lên 20.000 giấy phép.
Do ảnh hưởng của cuộc xung đột, nhà máy điện duy nhất tại Gaza đã bị cắt đứt nguồn nhiên liệu và phải ngừng hoạt động trong 3 ngày giao tranh. Các bệnh viện thiếu điện để đảm bảo việc chữa trị cho hàng trăm nạn nhân người Palestine bị thương trong cuộc xung đột. Lệnh ngừng bắn đã cho phép các xe ô tô vận chuyển nhiên liệu từ Israel tiến vào Gaza để khôi phục hoạt động cung cấp điện. Đây là điều Hamas đang rất cần để tránh một thảm họa nhân đạo với người dân ở Gaza.
Trong chiến dịch “Hừng Đông”, với sự phối hợp của các đơn vị đặc nhiệm Israel như cơ quan an ninh nội địa Shin Bet, tình báo quân đội, lực lượng không quân, phía Israel đã phá hủy được nhiều cơ sở vật chất của PIJ, khiến một số nhân vật cấp cao của tổ chức này thiệt mạng (bao gồm hai chỉ huy cánh miền Bắc và miền Nam ở Gaza và một sĩ quan chỉ huy đơn vị chống tăng), đồng thời phát huy hiệu quả của hệ thống Vòm Sắt ngăn chặn thiệt hại trước các loạt đạn pháo liên tục bắn sang từ Gaza. Cho đến nay chưa có báo cáo thiệt hại đáng kể nào về người từ phía Israel, ngoại trừ một số tài sản bị phá hủy. Các thành phố lớn đông dân cư vẫn được đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, cuộc giao tranh lần này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Israel cả trên quốc tế và trong nội địa. Từ trước tới nay, các cuộc tấn công vào Gaza luôn để lại hậu quả nặng nề về kinh tế-xã hội cho người dân Palestine ở mảnh đất này, vốn đã vô cùng khó khăn do bị bao vây cô lập. Hậu quả của cuộc chiến 11 ngày năm ngoái vẫn đang tiếp tục đeo bám, khi hàng nghìn người mất nhà cửa, các vấn đề về môi trường và y tế vẫn chưa giải quyết xong. Trong khi đó, các khu vực luôn âm ỉ mầm mống xung đột, bao gồm Jerusalem, Bờ Tây và các khu vực ở Israel có người Arab sinh sống, có thể khiến nguy cơ bạo lực leo thang bùng lên bất cứ lúc nào nếu tình hình ở Gaza không được cải thiện. Dường như các nhà lãnh đạo Israel đã nhìn thấy nguy cơ trên khi quyết định dừng sớm chiến dịch “Hừng Đông” và nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo trên Dải Gaza, song liệu hòa bình đã trở lại mảnh đất này hay chưa thì không ai có thể chắc chắn.