Quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama hủy chuyến công du châu Á vừa rồi là một bước lùi trong cam kết chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thúc đẩy nỗ lực của Trung Quốc trong việc tăng cường ảnh hưởng ở khu vực.Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng Phó Tổng thống Joseph "Joe" Biden trong buổi họp báo ngày 4/10 về việc hủy chuyến công du tới châu Á. Ảnh: nationalpost.com |
Đánh mất vị thếPhải ở lại Mỹ vì lý do chính phủ bị đóng cửa một phần, ông Obama đã tạo ra khoảng trống mà lãnh đạo Trung Quốc có cơ hội để lấp đầy tại hai hội nghị quan trọng ở châu Á (Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 21 và Đông Á) mà ông đã lên kế hoạch tham dự. Đây là lần thứ 3 kể từ năm 2010, ông Obama phải hủy chuyến đi tới châu Á, tất cả đều do những khủng hoảng chính trị trong nước.
Khủng hoảng ngân sách tại Washington khiến Nhà Trắng buộc phải trì hoãn quan hệ với châu Á để Obama có thời gian giải quyết vấn đề với quốc hội nhằm mở cửa chính phủ tiếp tục hoạt động trở lại. Nếu ông Obama vẫn quyết định công du, ông sẽ tạo điều kiện cho luận điệu chỉ trích rằng ông có vẻ thiện chí trong việc đàm phán với lãnh đạo các nước khác hơn là với lãnh đạo Hạ viện. Vì vậy, ông buộc phải để Ngoại trưởng John Kerry "đóng thế" mình tại châu Á lần này.
Khủng hoảng ngân sách cũng đã tác động tiêu cực tới các hoạt động mà Lầu năm góc đang triển khai tại Thái Bình Dương. Để bù lại, các quan chức chính quyền Mỹ buộc phải tăng cường các hoạt động mở rộng ngoại giao, thiết lập quan hệ thương mại và kinh tế, đồng thời cố gắng hiện diện thường xuyên hơn tại châu Á. Nhưng với việc thiếu vắng người đứng đầu chính phủ tại hai sự kiện lớn này, thì đúng là chiến lược mà người Mỹ đang cố gắng triển khai tại đây đã bị một cú đánh không hề nhẹ.
Mối quan tâm tới châu Á của Mỹ không chỉ bị phân tán bởi cuộc khủng hoảng ngân sách mà còn bởi gánh nặng Trung Đông, trong đó Syria làm một ví dụ nổi bật nhất. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng hiện diện tại châu Á, thế nhưng, những bận tâm của Washington liên quan tới quyết định can thiệp quân sự trước khi Syria đồng ý từ bỏ kho vũ khí hóa học có lẽ đã làm xao lãng sự quan tâm của ông dành cho châu Á.
Đây là cơ hội dành cho Trung Quốc khi nước này đang nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng vũ trang và thúc đẩy ảnh hưởng ở khu vực. Ngay tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm tới Indonesia và Malaysia để cải thiện uy tín của Trung Quốc trong bối cảnh đang có những dư luận rằng dường như họ thể hiện thái độ hung hăng trong tranh chấp chủ quyền với các nước Đông Nam Á.
Kerry Brown, một chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Sydney ở Australia cho biết: “Điều này chứng tỏ Trung Quốc có một chính phủ hiệu quả còn Mỹ thì không tại thời điểm này. Đó là một dấu hiệu khác cho thấy rằng Mỹ đang mất đi sự tôn vinh, đang mất đi vị thế”.
Khi tuyên bố quyết định của Obama vào thứ ba tuần trước, thư ký báo chí của Nhà trắng Jay Carney cho biết việc chính phủ đóng cửa “làm lùi bước khả năng tạo việc làm thông qua thúc đẩy xuất khẩu Mỹ và tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ, cũng như lợi ích của Mỹ tại khu vực có nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới”. Kết thúc, Jay Carney vẫn vớt vát rằng ông Obama tiếp tục cam kết “tái cân bằng chính sách” hướng tới châu Á – Thái Bình Dương và mong muốn tới khu vực này vào lần khác.
Khoảng trống cho Trung QuốcTại Indonesia vào đầu tuần trước, các nhà lập pháp đã vỗ tay chào mừng khi Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được phát biểu trước quốc hội nước này, đất nước Tổng thống Obama đã sống khi còn nhỏ. Khi phát biểu kêu gọi tăng cường hợp tác giữa hai nước, ông Tập đã có một cử chỉ hết sức thân thiện là chào mọi người bằng tiếng Bahasa của người Indonesia, một kỹ năng hiếm thấy ở một nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Kuala Lumpur, ngày 4/10. Ảnh: Reuters |
Tại Malaysia, ông Tập cùng phu nhân gặp Thủ tướng Najib Razak và nhận được sự chào đón ở quốc hội nước này, bao gồm cả duyệt binh danh dự và 21 phát đại bác chào đón.
Tại Indonesia, ông Tập ký kết những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD, trong khi ở Malaysia, ông đồng ý thúc đẩy hợp tác quân sự và đào tạo chống tội phạm xuyên quốc gia và chủ nghĩa khủng bố.
Nhiều chuyên gia đánh giá việc ông Obama không thể có mặt tại châu Á đã làm yếu đi vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Simon Tay, chủ tịch Viện Đối ngoại Toàn cầu Singapore cho biết: “Nếu họ có thể tạm nghỉ công việc, tạm ngưng hoạt động của chính phủ và chấp nhận hạ thấp uy tín của đất nước thì các nhà chính trị Mỹ bắt đầu gặp phải khó khăn trong việc thực hiện những cam kết chính trị mà họ hướng tới khu vực châu Á xa xôi”.