Phỏng vấn nhà báo, nhà sử học chuyên nghiên cứu về Việt Nam và khu vực Đông Nam Á Ilya Ushov. |
Một người là ông Anton Tsvetov thuộc Hội đồng Đối ngoại LB Nga (Cơ quan nghiên cứu chính trị và an ninh trực thuộc Tổng thống Nga) và người còn lại là Nhà báo, Nhà sử học chuyên nghiên cứu về Việt Nam và khu vực Đông Nam Á Ilya Ushov.
Trả lời câu hỏi của Phóng viên TTXVN về tình hình Biển Đông hiện nay, cả hai học giả trẻ đều có ý kiến cho rằng những hành động bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc khiến Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự tại đây với viện dẫn luật pháp quốc tế qua hoạt động tự do đi lại đang làm tình hình từng bước leo thang theo hướng gia tăng xung đột, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Nhà báo Ilya Ushov nói: “Cuộc xung đột này đã kéo theo sự tham gia của nhiều bên liên quan, trong đó có Mỹ, một số quốc gia phương Tây và Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc đã có nhiều chính sách cứng rắn mang tính chất gây hấn ở Biển Đông”. Hai vị học giả nhấn mạnh, trong năm 2015, Biển Đông dù không có những diễn biến lớn nhưng vẫn ẩn chứa rất nhiều căng thẳng.
Nhận xét về vai trò và sự tham gia của các cường quốc trên thế giới trong vấn đề Biển Đông, ông Anton Tsvetov cho rằng, trước tiên đó là sự tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong bối cảnh những ảnh hưởng của Mỹ ngày càng giảm đi theo thời gian, mặc dù thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á, Mỹ đang nỗ lực kiềm chế sự bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Trong khi đó, Biển Đông là tuyến đường giao thông hàng hải huyết mạch lớn nhất đối với Trung Quốc, 66% lượng dầu được vận chuyển vào Trung Quốc thông qua con đường này. Do đó, từ lợi ích to lớn mà Biển Đông mang lại cùng với mục đích chính nhằm duy trì sự ổn định về năng lượng, Trung Quốc không muốn chia sẻ với bất kỳ quốc gia nào, bất chấp việc phải tranh chấp với các nước trong khu vực. Nói về cặp quan hệ này, Nhà báo Ilya Ushov cho rằng: “Mặc dù, gần đây Mỹ có các động thái kiềm chế, ngăn cản nhưng Trung Quốc vẫn luôn bộc lộ tư tưởng muốn độc chiếm Biển Đông thậm chí vươn ra Thái Bình Dương, ra ngoài giới hạn các đảo nhân tạo đã được bồi đắp”. Ông Ilya Ushov nhận định, thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước đồng minh quân sự - chính trị lâu đời như Phillipines và gần đây là các động thái giúp đỡ Việt Nam.
Về Nhật Bản, vị chuyên gia Hội đồng Đối ngoại LB Nga cho biết, thời gian gần đây, Nhật Bản đang nổi lên, ngày càng đóng vai trò tích cực trong tiến trình tại Biển Đông bởi, thứ nhất, vấn đề Biển Đông cũng giống như vấn đề trên Biển Hoa Đông và thứ hai, Nhật Bản cũng muốn phát triển quan hệ với các nước khác ở châu Á để củng cố khả năng tự vệ trước các cường quốc lớn, mà trước tiên là Trung Quốc.
Đối với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), hai vị học giả thống nhất cho rằng các nước này chưa thể tích cực tác động vào vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, cũng dễ dàng nhận thấy lợi ích khá rõ ràng của EU tại đây. Trước tiên, đó là bởi tính chất tương tác toàn cầu, khả năng xung đột tại Biển Đông sẽ tác động tới cả các quốc gia EU. Ông Anton Tsvetov đưa ra minh hoạ: “Đã có một chuyên gia Nga nói rằng nếu một con tàu bị đắm tại eo biểu Malacca, thì chỉ vài ngày sau nền kinh tế EU sẽ chịu tác động mạnh bởi chuỗi cung cấp cho các trung tâm công nghiệp ở châu Âu bị gián đoạn”. Chính vì thế, vị học giả trẻ này dự đoán trong thời gian sắp tới sẽ có sự can dự tích cực của EU trong vấn đề Biển Đông.
Riêng đối với Nga, cả hai vị học giả đều khẳng định việc can thiệp của Nga vào vấn đề Biển Đông là rất khó khăn vì nước này đang tham gia vào một loạt vấn đề khác khiến họ hao tổn những nguồn lực lớn, trước tiên là Ukraine và Syria. Mặc dù vậy, ông Anton Tsvetov nhận định vì Nga cũng đang xoay trục sang châu Á nên cũng rất quan tâm đế vấn đề này. Do đó, rất có thể hy vọng vào một sự can dự tích cực hơn của Nga trong tương lai gần. Về phần mình, Nhà báo Ilya Ushov nhắc lại việc cách đây không lâu, Thủ tướng Đức Angela Merkel tại một Hội nghị quốc tế được tổ chức tại Trung Quốc đã nói với Nhà ngoại giao đồng cấp Nga rằng Đức cũng như Liên minh châu Âu muốn vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông được giải quyết tại Toà án quốc tế theo Luật pháp quốc tế. Nga cũng đồng ý với các nước châu Âu sẽ ủng hộ các phán quyết của Toà án trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn né tránh vấn đề này và không muốn tham gia vào bất cứ quá trình tố tụng nào. Nhà báo Ilya Ushov nhấn mạnh: “Bản thân tôi muốn các bên sẽ giải quyết tranh chấp theo Công ước luật biển 1982 và trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế, các bên có thể đưa vấn đề ra các toà án khác nữa. Tôi không muốn vấn đề này được giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của cộng đồng quốc tế”.
Về các giải pháp tối ưu để giảm căng thẳng tại Biển Đông, ông Anton Tsvetov cho rằng, điều quan trọng là nhận thức của các bên. Thứ nhất, các bên phải hiểu không nên giải quyết vấn đề bằng cách quân sự hóa các đảo bởi điều đó gây mất an ninh cho bên khác và cho tình hình chung trong khu vực. Và thứ hai, các bên có thể cùng hợp tác khai thác tài nguyên thiên nhiên trong khu vực, để từ đó khiến tình hình an toàn hơn do ít có các nhu cầu về chính trị hơn. Ít lạc quan hơn, Nhà báo Ilya Ushov cho biết không nhìn thấy một phương án nào khả quan trong thời gian ngắn tới đây, đồng thời nhấn mạnh: “Vừa qua có một số dấu hiệu tích cực thể hiện trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Singapore có nhắc đến. Tuy nhiên, những tướng lĩnh quốc phòng của Trung Quốc thì luôn nói khác với những gì ông Tập phát biểu, họ bày tỏ quan điểm rất hung hăng và khẳng định Biển Đông thuộc Trung Quốc từ thời xưa”.