Những thời khắc kinh hoàng nhất đối với người dân Pháp nói riêng và châu Âu nói chung đã tạm trôi qua khi lực lượng đặc nhiệm Pháp lần lượt tiêu diệt 3 phần tử tình nghi liên quan tới vụ tấn công tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo và các vụ bắt giữ con tin gây chấn động cả thế giới ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2015. Đối tượng người Pháp từng liên lạc với một trong hai anh em xả súng nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris bị cảnh sát Bulgaria áp giải tới phiên tòa ở thị trấn Haskovo, miền đông nam Bulgaria ngày 13/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Song hiểm họa khủng bố thì hiện hữu rõ rệt hơn bao giờ hết và châu Âu đang thực sự gặp nguy hiểm. Cảnh báo khủng bố tại châu Âu đã được nâng lên mức cao nhất kể từ sau vụ 11/9/2001, bởi nhiều nguồn tin tình báo thu thập được cho thấy các cuộc tấn công ở Pháp có thể chỉ là sự khởi đầu của một làn sóng khủng bố quy mô lớn do các phần tử cực đoan tiến hành trên khắp châu Âu.
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) vài tháng trước đã thu được một cuộc điện thoại giữa thủ lĩnh nhóm “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, theo đó IS đã lên kế hoạch khủng bố ở hàng loạt quốc gia châu Âu và thủ đô nước Pháp chỉ là điểm khởi đầu.
Theo những gì NSA nghe được, sau khi tấn công vào "trái tim châu Âu" là Paris, thành phố kế tiếp trong danh sách khủng bố có thể là Rome (Italy). Tình báo Đức cũng nhiều lần cảnh báo các cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó có sân bay, và các điểm tham quan tập trung đông người ở châu Âu sẽ là mục tiêu của IS.
Mối đe dọa an ninh đối với các nước phương Tây đặc biệt gia tăng từ năm ngoái, gắn liền với sự lớn mạnh của IS. Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho rằng chưa bao giờ thách thức khủng bố từ “những kẻ thù nội địa” lại đè nặng lên nước Pháp như hiện nay. Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết kể từ năm ngoái, hơn 500 vụ khủng bố xảy ra khắp châu Âu, trong đó gần một nửa ở Pháp.
Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi nhiều công dân các nước châu Âu tới Syria và Iraq tham chiến cùng IS. Theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng 15.000 tay súng nước ngoài tham gia lực lượng thánh chiến của IS, trong đó có ít nhất 4.000 công dân châu Âu.
Riêng ở Pháp, số người Pháp hoặc người nhập cư có liên quan đến các nhánh thánh chiến ở Trung Đông đã lên tới hàng nghìn người, khoảng 600 tay súng trong số này đang hoặc từng chiến đấu tại Syria hoặc Iraq, trong đó khoảng 200 đối tượng đã trở về.
Các chuyên gia tình báo đánh giá cứ 9 người châu Âu từng tham gia thánh chiến, sau khi về nước sẽ có ít nhất 1 người sẵn sàng cầm vũ khí chống lại quốc gia họ mang quốc tịch. Điều này đặt ra thách thức kép đối với các quốc gia phương Tây: một mặt vừa hợp tác với các đối tác ở Trung Đông để chống lại các nhóm khủng bố như IS và Al-Qaeda, mặt khác phải đảm bảo rằng cuộc chiến này không lây lan ở trong nước.
Sau vụ tấn công ở Pháp, giới chức an ninh châu Âu thừa nhận những học thuyết và chiến thuật chống khủng bố mà phương Tây đang áp dụng là chưa đủ. Hoạt động khủng bố đang ngày càng có xu hướng phức tạp và khó lường hơn. Vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo được chuẩn bị bài bản, hành động chuyên nghiệp và nhanh gọn, song chỉ cần một nhóm ít người (3-4 tên).
Lý giải cho các vụ tấn công vừa qua ở Pháp, các chuyên gia có thể nhắc đến những đối tượng Hồi giáo cực đoan đầy lòng thù hận luôn tìm cách chống lại phương Tây. Nước Pháp tập trung cộng đồng theo đạo Hồi đông nhất Tây Âu, ước tính khoảng 5-6 triệu người, với nhiều thành phần khác nhau, hoạt động của bộ phận Hồi giáo cực đoan ở nước này luôn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Bên cạnh đó, sự tham gia mạnh mẽ của Pháp trong liên quân quốc tế chống IS ở Iraq và Syria, và trước đó là việc Paris đưa quân can dự vào cuộc chiến chống khủng bố ở Mali từ tháng 1/2013,... cũng được xem là nguyên nhân khiến cho Pháp trở thành một mục tiêu tấn công mà các tổ chức Hồi giáo cực đoan hướng tới.
Cảnh sát Brussels (Bỉ) phong tỏa khu vực nghi ngờ có bom ở Brussels ngày 14/1. Ảnh: AFP-TTXVN |
Hiện có khoảng 20 triệu người Hồi giáo định cư tại 28 nước thành viên EU, trong đó không ít người tới từ những nước đang chìm trong khủng hoảng với hy vọng tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu. Giống như các cộng đồng nhập cư khác, người Hồi giáo cũng đang chật vật tìm cách hội nhập vào xã hội châu Âu, song những khác biệt giữa hai nền văn minh nhiều khi làm nảy sinh không ít xung đột.
Ngoài ra, hàng loạt chính sách mà một số nước châu Âu áp dụng nhằm vào tôn giáo và văn hóa của người Hồi giáo đã và đang gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng Hồi giáo tại đây. Điều đó được các phần tử cực đoan, khủng bố tận dụng làm cái cớ kích động và lôi kéo những người Hồi giáo ở châu Âu vào hàng ngũ thánh chiến, đặc biệt là thanh niên thất nghiệp, không được đào tạo và cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Cách tiếp cận bài ngoại mà một số lực lượng chính trị ở châu Âu đang áp dụng hiện nay đối với cộng đồng Hồi giáo vô hình trung đã gieo mầm cho lòng hận thù, trở thành mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan và khủng bố phát triển.
Ngoài mối đe dọa khủng bố, vụ việc vừa qua ở Pháp còn tiềm ẩn nguy cơ tạo ra sự bất ổn xã hội về lâu dài ở châu Âu. Phong trào "Người châu Âu chống Hồi giáo hóa phương Tây" (PEGIDA) tại Đức, đảng Mặt trận Quốc gia Pháp theo đường lối bài ngoại và các lực lượng cực hữu khác ở châu Âu đang lấy vụ tấn công vào tạp chí Charlie Hebdo để biện hộ cho chính sách chống người nước ngoài, nhất là người Hồi giáo.
Một số vụ tấn công nhằm vào các địa điểm của người Hồi giáo ở Pháp sau vụ khủng bố ngày 7/1 là dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ “vòng luẩn quẩn” những vụ trả đũa lẫn nhau, có thể càng kích động tâm lý bài Hồi giáo ở châu Âu, làm gia tăng sự chia rẽ và căng thẳng trong xã hội các nước phương Tây.
Cuộc chiến chống khủng bố trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, song các nước châu Âu lại đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong bối cảnh ngân sách cho các biện pháp chống khủng bố cần được huy động, Pháp nói riêng và các nước châu Âu nói chung đều đang phải cắt giảm chi tiêu. Thật khó có thể dành ra nhiều triệu USD để chống khủng bố khi ngân sách cho việc làm, phúc lợi xã hội và chăm sóc y tế đang là vấn đề đau đầu.
Khi hiểm họa khủng bố ngày càng trở nên khó lường và tiếp tục là mối đe dọa hàng đầu đối với sự ổn định của cả thế giới, một giải pháp toàn diện để đối phó với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu là đòi hỏi cấp bách. Các chiến dịch quân sự hay tăng cường an ninh, dù ở mức cao nhất, cũng khó có thể giúp châu Âu ngăn chặn được khủng bố, mà kèm theo đó phải là những chính sách tổng thể.
Cùng với việc tạo ra một xã hội công bằng, bình đẳng và nâng cao mức sống, vấn đề nhập cư và người Hồi giáo ở các nước phương Tây phải được giải quyết hài hòa trên cơ sở tôn trọng sự hội nhập và bảo đảm quyền con người.
Thanh Mai - Phương Hoa (TTXVN)