Sau điện đàm Trump - Putin: Triển vọng nào cho quan hệ Nga - Mỹ?

Dù có tín hiệu tích cực từ cuộc điện đàm, quan hệ Nga - Mỹ vẫn bị trói buộc bởi lịch sử và sự đồng thuận lưỡng đảng. Những thách thức dài hạn nào đang chờ đợi hai cường quốc?

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Helsinki, Phần Lan ngày 16/7/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Bình luận với tờ Izvestia (Nga) ngày 21/5, Tiến sĩ Andrey Kortunov, thành viên Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga (RIAC) cho rằng sự gia tăng đột biến trong các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Nga và Mỹ, đặc biệt là cuộc điện đàm kéo dài hai giờ giữa Tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump vào ngày 19/5 vừa qua, đã thắp lên hy vọng về một sự cải thiện đáng kể trong quan hệ song phương. Điều này có thể mở ra một giai đoạn mới, giúp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực, thúc đẩy thương mại và đầu tư, và thậm chí cải thiện quản trị toàn cầu.

Những kỳ vọng và thực tế chính trị

Mặc dù những tín hiệu tích cực này rất đáng được hoan nghênh, nhưng Tiến sĩ Kortunov lưu ý sự lạc quan cần phải được đặt trong bối cảnh thực tế chính trị hiện tại. Mọi thay đổi tích cực gần đây trong quan hệ Nga - Mỹ dường như đều xuất phát từ ý chí chính trị của cá nhân Tổng thống Donald Trump và một số thành viên trong chính quyền của ông như Phó Tổng thống J.D. Vance, tỷ phú Elon Musk, Đặc phái viên Steve Witkoff. Những người này, dù không hoàn toàn "đồng cảm" với Moskva, nhưng ít nhất cũng thể hiện sự nỗ lực chân thành trong việc tìm hiểu và xem xét lợi ích của Nga.

Tuy nhiên, sự đồng thuận lưỡng đảng chống Nga tại Washington D.C. vẫn vô cùng mạnh mẽ. Điều này được minh chứng bằng sự ủng hộ rộng rãi của Quốc hội Mỹ đối với nghị quyết lưỡng đảng của Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Richard Blumenthal về các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, cũng như đề xuất áp thuế 500% đối với các quốc gia mua dầu và khí đốt của Moskva. Hầu hết các tổ chức nghiên cứu, quỹ, cơ quan truyền thông và những người có ảnh hưởng lớn tại Mỹ vẫn giữ vững lập trường cứng rắn đã được thiết lập dưới thời chính quyền trước.

Hơn nữa, nền tảng cũ của mối quan hệ Nga - Mỹ đã bị phá hủy hoàn toàn trong những năm gần đây, bao gồm cả những nỗ lực từ chính ông Trump. Các cơ chế kiểm soát vũ khí chiến lược song phương, đã hoạt động trong hơn nửa thế kỷ, giờ đây đã bị gỡ bỏ mà chưa có giải pháp thay thế hoàn chỉnh.

Ngoài ra, thương mại Nga - Mỹ chưa bao giờ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả hai bên. Trong nhiều lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt như hydrocarbon, thực phẩm và vũ khí, Nga và Mỹ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường thế giới. Về hầu hết các vấn đề khu vực, Điện Kremlin và Nhà Trắng có rất ít điểm chung. Những ý tưởng về việc Mỹ có thể gây chia rẽ giữa Nga và Trung Quốc dường như chỉ khiến Moskva cảm thấy lo ngại.

Bên cạnh đó, không thể bỏ qua yếu tố các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Đông Á, những quốc gia phần lớn vẫn có thái độ tiêu cực đối với Moskva. Rõ ràng, những đồng minh này sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa chính quyền Trump trở lại các nguyên tắc chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Joe Biden. Áp lực này sẽ càng gia tăng khi đối thoại Nga - Mỹ gặp phải những khó khăn và trở ngại. Ngay cả khi Tổng thống Mỹ kiên định trước những áp lực này, điều đó cũng không đảm bảo cho các thành viên trong nội các của ông.

Trọng tâm chính sách của Trump và chiến lược của Nga

Bản thân Tổng thống Trump không quan tâm đến việc thiết lập lại toàn diện mối quan hệ với Moskva một cách trừu tượng. Thay vào đó, ông chú trọng đến việc đạt được một "thỏa thuận" về xung đột Nga - Ukraine, coi đó là một chiến thắng chính trị cá nhân. Theo Tiến sĩ Kortunov, trong mắt ông Trump, một "thỏa thuận" như vậy có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với việc khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao, đối thoại về ổn định chiến lược, hay phát triển thương mại song phương. Những lĩnh vực hợp tác này có thể chỉ được coi là "món ăn đi kèm" tăng hấp dẫn cho "món ăn chính".

Do đó, Tiến sĩ Kortunov cho rằng tình hình hiện tại đòi hỏi Nga phải cân nhắc cẩn thận đường lối chính trị của mình trên hai phương diện chiến lược. Trong tương lai gần, ngoại giao Nga cần hành động hết sức thận trọng: ủng hộ lợi ích của chính quyền Trump trong việc làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, nhưng không hy sinh các lợi ích cơ bản hoặc đưa ra những nhượng bộ vô lý. Tổng thống Trump "không coi trọng những đối tác yếu đuối, dễ khuất phục và cũng không có ý định chờ đợi vô thời hạn", chờ đợi Nga và Ukraine sẵn sàng ký kết "thỏa thuận" mà ông đã chờ đợi từ lâu. 

Để duy trì sự tham gia mang tính xây dựng, Tiến sĩ Kortunov đề xuất Moskva cần chứng minh một động thái chậm rãi nhưng đáng chú ý và bền vững hướng tới một giải pháp. Tất nhiên, giới lãnh đạo Nga không cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh ở châu Âu để làm hài lòng ông Trump hay bất kỳ ai khác, nhưng động lực của cuộc khủng hoảng này sẽ có tính quyết định trong việc xây dựng mối quan hệ với chính quyền Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát trong những tháng tới.

Trong kế hoạch dài hạn, Tiến sĩ Kortunov nhấn mạnh điều quan trọng là phải nhận thức rằng mối quan hệ với Mỹ không chỉ giới hạn ở tương tác giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng hay giữa Bộ Ngoại giao hai nước. Còn rất nhiều công việc khó khăn và lâu dài để khôi phục quan hệ liên nghị viện, liên lạc với các hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, khôi phục hợp tác giữa các cộng đồng chuyên gia và thực hiện các dự án hợp tác liên trường đại học, cũng như tái tạo cơ chế tương tác giữa chính quyền khu vực và thành phố của hai nước. Mặc dù công việc này không mang lại lợi ích chính trị ngay lập tức và khó có thể tác động đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2028, nhưng nếu không bắt đầu, việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Nga và Mỹ, ngay cả trong dài hạn, cũng sẽ rất khó khăn.

Công Thuận/Báo Tin tức và Dân tộc
EU cạn kiệt 'vũ khí' trừng phạt Nga?
EU cạn kiệt 'vũ khí' trừng phạt Nga?

Sau 3 năm áp đặt các lệnh trừng phạt, EU đang đối mặt với thách thức trong việc duy trì áp lực lên Nga. Gói trừng phạt mới nhất mở rộng danh sách tàu bị cấm và siết chặt kiểm soát ngành năng lượng, nhưng thiếu sự hỗ trợ từ Mỹ và sự đồng thuận nội bộ khiến hiệu quả bị hạn chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN