Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Helsinki, Phần Lan ngày 16/7/2018. Ảnh: THX/TTXVN
Sau hơn 3 năm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ (24/2/2022), cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 19/5/2025 đã mang lại những tín hiệu đáng chú ý về khả năng tiến tới một giải pháp hòa bình. Cuộc trao đổi kéo dài hai giờ được Tổng thống Trump mô tả là "diễn ra rất tốt đẹp" và ngay lập tức dẫn đến tuyên bố rằng Nga và Ukraine sẽ bắt đầu đàm phán hướng tới lệnh ngừng bắn và chấm dứt giao tranh.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã được thông báo về cuộc điện đàm này, với hy vọng về một tiến trình hòa bình thực sự bền vững. Mặc dù vẫn còn nhiều khác biệt đáng kể trong các tuyên bố công khai, cuộc điện đàm này được xem là một bước tiến quan trọng, đưa các bên đến gần hơn với một giải pháp hòa bình hơn bao giờ hết.
Cánh cửa đàm phán hé mở
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã tạo ra một làn sóng hy vọng mới về hòa bình ở Ukraine. Tổng thống Trump đã đăng tải một trạng thái dài trên tài khoản Truth Social, khẳng định cuộc trao đổi "đã diễn ra rất tốt đẹp" và Nga cùng Ukraine sẽ "ngay lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán hướng tới một lệnh ngừng bắn và, quan trọng hơn, chấm dứt hoàn toàn giao tranh".
Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng các điều kiện cho việc này sẽ được hai bên trực tiếp thương lượng, vì "chỉ họ mới hiểu rõ các chi tiết của một cuộc đàm phán mà không ai khác có thể nắm được". Tone giọng và tinh thần của cuộc trao đổi được Tổng thống Trump đánh giá là "rất tích cực". Ngoài ra, ông Trump cũng đề cập đến một cơ hội to lớn để Nga tạo ra hàng triệu việc làm và sự thịnh vượng thông qua quan hệ thương mại quy mô lớn với Mỹ sau khi xung đột kết thúc, đồng thời cho rằng Ukraine cũng có thể hưởng lợi lớn từ thương mại trong quá trình tái thiết đất nước.
Về phần mình, Tổng thống Putin cũng có những phát biểu tích cực sau cuộc điện đàm. Hãng thông tấn TASS dẫn lời ô Putin khẳng định những nỗ lực chấm dứt giao tranh ở Ukraine "đang đi đúng hướng" và Moskva sẵn sàng hợp tác với Kiev về một bản ghi nhớ thỏa thuận hòa bình trong tương lai.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết cuộc điện đàm với Tổng thống Trump kéo dài hơn hai giờ và có nội dung thực chất và thẳng thắn, đồng thời cảm ơn ông Trump vì đã ủng hộ việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Moskva và Kiev. Ông Putin tuyên bố sẵn sàng làm việc với phía Ukraine về bản ghi nhớ liên quan đến hiệp ước hòa bình trong tương lai. Theo ông Putin, nếu đạt được những thỏa thuận phù hợp, có thể sẽ có lệnh ngừng bắn. Ông nhấn mạnh mục tiêu then chốt của Nga là "xác định các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này".
Phản ứng từ phía Ukraine cũng cho thấy sự sẵn sàng đối thoại. Tổng thống Zelensky đã xác nhận rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Trump hai lần trong ngày, một lần trước cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và ông Putin, và một lần nữa trong cuộc hội đàm chung với các nhà lãnh đạo châu Âu. Ông Zelensky tuyên bố Ukraine sẵn sàng cho một lệnh ngừng bắn đầy đủ và vô điều kiện, như phía Mỹ từng nêu, và sẵn sàng tiến hành đàm phán trực tiếp với Nga dưới bất kỳ hình thức nào miễn là đem lại kết quả.
Các địa điểm tiềm năng cho cuộc đàm phán như Thổ Nhĩ Kỳ, Vatican, và Thụy Sĩ cũng đang được xem xét. "Tôi tin rằng trong những ngày hoặc tuần tới, chúng ta sẽ thấy kết quả cụ thể. Các chi tiết và ngày tháng đã được thảo luận", nhà lãnh đạo Ukraine nêu rõ. Dù vậy, ông Zelensky cũng nhấn mạnh rằng "điều quan trọng là Nga phải thể hiện sự sẵn sàng tương xứng để tham gia đối thoại một cách nghiêm túc".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Con đường gập nghềnh phía trước
Mặc dù có những tín hiệu tích cực, con đường đi đến hòa bình vẫn còn nhiều gập ghềnh với những khác biệt lớn trong quan điểm của các bên. Tổng thống Putin đã từ chối một lệnh ngừng bắn ngay lập tức kéo dài 30 ngày do Kiev đề xuất, thay vào đó chỉ cho rằng "một lệnh ngừng bắn 'trong một khoảng thời gian nhất định là có thể nếu các thỏa thuận phù hợp được đạt được'".
Ông Putin cũng cho biết các vấn đề rộng lớn hơn phải được thống nhất trước khi có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện hơn, bao gồm việc Kiev “nhượng bộ lãnh thổ, quân đội Ukraine bị thu hẹp quy mô đáng kể, và những cam kết rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO cũng như quân đội NATO không được đồn trú ở Ukraine”. Theo truyền thông Ukraine (Kyiv Independent, Kyiv Post), điều này cho thấy Nga vẫn giữ vững các yêu sách cốt lõi của mình, vốn là những điều kiện “không thể chấp nhận được đối với Ukraine”.
Phía Ukraine, trong khi sẵn sàng đàm phán, cũng kiên quyết bác bỏ các yêu sách về lãnh thổ. Tờ Kyiv Post dẫn lời Tổng thống Zelensky cho biết "không ai sẽ rút quân đội của chúng tôi khỏi lãnh thổ của chúng tôi, nhiệm vụ của quân đội chúng tôi là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine". Ông Zelensky lưu ý rằng “việc Nga yêu cầu Ukraine rút quân khỏi bốn khu vực Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson, dù Nga không kiểm soát toàn bộ các tỉnh này, là dấu hiệu cho thấy Moskva không thực sự muốn hòa bình”.
Trong khi đó, các nước châu Âu, mặc dù hoan nghênh nỗ lực của Tổng thống Trump, vẫn kiên quyết muốn gia tăng áp lực lên Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cảm ơn ông Trump vì "những nỗ lực không mệt mỏi nhằm mang lại một lệnh ngừng bắn cho Ukraine", nhưng cũng lưu ý rằng "điều quan trọng là Mỹ tiếp tục tham gia". Đức cũng cho biết châu Âu sẵn sàng "tăng áp lực" lên Nga thông qua các lệnh trừng phạt, đồng thời xác nhận rằng Mỹ đã đồng ý "phối hợp chặt chẽ" các cuộc đàm phán về Ukraine với các đối tác châu Âu. Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi “nếu Nga không sẵn sàng chấm dứt giao tranh thì các biện pháp trừng phạt cần được tăng cường".
Tóm lại, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin ngày 19/5 đã mở ra một chương mới đầy hy vọng cho triển vọng hòa bình ở Ukraine. Những tuyên bố tích cực từ cả hai bên, cùng với sự tham gia của các nhà lãnh đạo châu Âu, cho thấy một sự thay đổi đáng kể so với tình hình bế tắc trước đây. Tuy nhiên, con đường đi đến hòa bình vẫn còn rất nhiều thách thức, đặc biệt là những khác biệt cơ bản về vấn đề lãnh thổ và điều kiện ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.
Sự kiên quyết của Ukraine trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và yêu cầu gia tăng áp lực lên Nga từ châu Âu cho thấy rằng một giải pháp toàn diện sẽ đòi hỏi những nỗ lực ngoại giao bền bỉ và sự nhượng bộ từ tất cả các bên liên quan. Dù vậy, việc các cuộc đàm phán trực tiếp được khởi động lại là một bước đi quan trọng, mang lại cơ hội để các bên tìm kiếm thỏa hiệp và hướng tới một nền hòa bình lâu dài và bền vững.