Nguy cơ ‘những chiến trường’ trong lòng châu Âu

Cho đến nay, gần một tuần sau khi những tiếng súng nổ ra trong tòa soạn báo Charlie Hebdo tước đi sinh mệnh của 12 con người, nước Pháp và cả châu Âu vẫn như bàng hoàng và không thể tin đó là sự thực. Thế nhưng, thực tế đau buồn và chấn động đó đã xảy ra ở thủ đô của một quốc gia châu Âu, vốn vẫn được coi là "thành trì của các giá trị dân chủ và tự do tư tưởng".


Từ trái qua phải: Thủ tướng Israel, Tổng thống Mali, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức, Chủ tịch EU và Tổng thống Palestine tham gia cuộc tuần hành đoàn kết chống khủng bố. Ảnh AFP-TTXVN.


Để chia sẻ sự mất mát với nước Pháp, hàng trăm cuộc tuần hành lớn, nhỏ đã diễn ra ở khắp các thành phố châu Âu, những ngọn nến đã được thắp lên và biểu ngữ "Je suis Charlie" (Tôi là tòa soạn Charlie) được chăng lên ở khắp nơi trên đường phố cũng như trên hình nền Facebook của hàng triệu con người. Thế nhưng, ngay trong đau thương và nước mắt, dường như rất nhiều người vẫn không quên tự hỏi rằng châu Âu, với tư cách một Liên minh sẽ cần phải làm gì để đối mặt với những kịch bản tương tự trong tương lai, mà như các chuyên  gia vẫn gọi là sự kiện "11/9 của châu Âu" hay là "lời tuyên chiến" của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ngay trên "Lục địa cũ". Cần chú ý rằng "lời tuyên chiến" này không hề mới mẻ nếu chúng ta nhớ lại vụ tấn công khủng bố vào các nhà ga ở Madrid (2003), tại tàu điện ngầm ở London (2005).


Cho đến nay, dư luận vẫn chỉ ra rằng châu Âu đang thiếu vắng một chính sách đối ngoại và một thái độ thống nhất trước các vấn đề lớn mang tầm vóc toàn cầu. Chính từ đó, "gót chân Asin" của châu Âu đã bị bộc lộ khi luôn giữ một thái độ "phải chăng" trước một thế giới đang biến chuyển hàng giờ, làm phát sinh vô vàn những thách thức về kinh tế, chính trị, an ninh, cán cân đối trọng trên tất cả các khu vực địa chính trị.


Ngay trong ngày xảy ra vụ tấn công vào Tòa soạn báo Charlie Hebdo, ngày 7/1, các nhà lãnh đạo EU đã đã xác nhận những thông tin về xu thế giảm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Những thông tin này đã gây ra nhiều tranh cãi về học thuyết kinh tế nhằm đối phó với khủng hoảng, dựa trên một chính sách tài chính khắc khổ, được quản lý chặt chẽ bằng các quy định mang tính vĩ mô. Trong rất nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tốn rất nhiều thời gian, công sức và trí lực để tranh luận về tính hợp lý của mức trần tỷ lệ nợ công 3% GDP và thời hạn cũng như cách thức để đạt được chỉ tiêu này. Và cho đến nay, người dân châu Âu hàng ngày vẫn đang phải trông chờ các nhà lãnh đạo một ý chí chính trị hướng đến sự thống nhất cao trong các quyết sách trên các lĩnh vực.


Nói cho cùng, châu Âu dường như vẫn có xu hướng co cụm, hướng nội; trong khi ở không xa biên giới EU, cái gọi là "Mùa Xuân Ả rập" đã tạo ra những tình huống mới, những vấn đề mới và thậm chí là manh nha những cuộc chiến mới. Cũng trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu tập trung quá nhiều cho các chỉ số và quy định tài chính, ngay trong lòng xã hội châu Âu, rất nhiều thanh niên đã âm thầm "đầu quân" cho Nhà nước Hồi giáo tự phong của Al Baghdadi với mặc cảm "bị bỏ rơi" và "muốn tìm một đức tin". Nguy hiểm hơn cả, những người được gọi là "chiến binh nước ngoài" này, với quốc tịch châu Âu, sẽ sẵn sàng quay trở lại chính châu Âu để "tiếp tục một cuộc chiến khác". Đó phải chăng là một phần căn nguyên của những viên đạn đã bắn ra tại Paris và làm thức tỉnh nhận thức của hàng triệu người về những nguy cơ chết người hiện hữu? Châu Âu hơn bao giờ hết cần củng cố và thống nhất triệt để về chính sách chung trong lĩnh vực chống khủng bố, quản lý người nhập cư trái phép, kiểm soát chặt chẽ sự trở về của những "chiến binh nước ngoài" từ Trung Đông.


Nhiều nhà bình luận thời sự tại châu Âu đã cho rằng, trên thực tế, vụ tấn công vào Tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris đã cho thấy sự thất bại của châu Âu; dù Liên minh đã rất nỗ lực để xây dựng và thực hiện một chiến lược chính trị và quân sự "bài bản" cùng với đồng minh "gạo cội" là Mỹ, nhằm chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan mà IS là hiện thân trên chiến trường Trung Đông. Bởi điều đơn giản là đã, đang và sẽ có những "chiến trường khác" theo cả nghĩa đen và bóng, trên chính lục địa châu Âu.



Quang Thanh (P/v TTXVN tại Roma)

 

 

Xúc động biển người tuần hành phản đối khủng bố tại Pháp
Xúc động biển người tuần hành phản đối khủng bố tại Pháp

Hàng triệu người dân và 40 nhà lãnh đạo thế giới đã tay trong tay tuần hành trên đường phố Paris để tưởng nhớ nạn nhân của những vụ khủng bố diễn ra tại Pháp trong những ngày qua và phản đối chủ nghĩa khủng bố cực đoan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN